Rõ ràng sự thành công của một doanh nghiệp luôn gắn liền với vai trò của người đứng đầu. Được biết, từ năm 1997, ông đã bắt đầu làm những công việc liên quan đến giáo dục. Ông có nghĩ giáo dục là một cái duyên của mình không?

Tôi là một người cực kì may mắn khi tìm thấy đam mê của mình từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Cơ duyên bắt đầu khi tôi làm gia sư và tiếp theo làm việc cho một Trường Anh ngữ, và suốt 20 năm tiếp theo sau đó, tôi tiếp tục có được cơ hội làm việc với Nhà xuất bản Đại học Oxford (OUP) và được OUP tin tưởng giao cho trọng trách đảm nhiệm vai trò quản lý tại một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Quá trình làm việc cùng OUP đã giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Thời điểm đó, tôi đã biết giáo dục với tôi không chỉ là một công việc, mà đó là đam mê, là giấc mơ, và là sự nghiệp mà tôi quyết tâm sẽ dùng cả đời để cống hiến.

Ông có thể chia sẻ cụ thể quá trình ông cộng tác cùng OUP không?

Tôi vẫn nhớ, thời điểm đó, Tiếng Anh là môn học tự chọn tại các trường Tiểu học. Nhu cầu xã hội lớn nhưng nguồn tài liệu thì khan hiếm. Chính vì thế, tôi đã phối hợp với OUP đưa những bộ sách sẵn có về Việt Nam. Không ngoài dự đoán, những bộ sách này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các thầy cô, học sinh trong nước.

Nhưng cũng trong chính quá trình đó, tôi đã nhận ra, những bộ sách này chưa thực sự phù hợp với môi trường giảng dạy tại Việt Nam. Cụ thể, chúng được biên soạn cho các lớp học ở các quốc gia toàn cầu. Những lớp học có ít học sinh, các em có trình độ đồng đều và có cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ hàng ngày. Trong khi đó, điều kiện dạy và học tại Việt Nam lại không đáp ứng được những yêu cầu này. Rõ ràng, chúng ta cần có một bộ sách giáo khoa riêng dành những học sinh có thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ ngắn hơn, dễ tiếp thu hơn, có tính hệ thống hơn và thực tiễn hơn. Từ đó, tôi cùng đội ngũ DTP đã cùng nhau thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng, phù hợp với thực tế giáo dục tại Việt Nam.

“Một bộ sách giáo khoa riêng phù hợp với thực tế giáo dục Việt Nam”, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn được không?

Chẳng hạn như, để tăng tính thực tiễn cho sách giáo khoa Tiếng Anh, chúng tôi đã lồng ghép những mẩu chuyện về văn hóa Việt Nam gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em. Để giúp học sinh dễ tiếp thu hơn, chúng tôi minh họa bằng những hình ảnh sinh động, những bài luyện tập khả năng nghe và nói có thể triển khai ngay tại lớp, những trò chơi luyện tập ngôn ngữ ngay tại nhà. Và để có tính hệ thống hơn, chúng tôi xây dựng một bộ sách có tính liên thông từ lớp 1 cho đến lớp 12 – đây là điều mà ít có đơn vị nào hướng tới.

Quá trình làm nên “bộ sách giáo khoa riêng” này có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

Khó khăn chứ, đặc biệt là đối với một bộ sách được viết từ đầu dành cho Việt Nam. Có thể nói, mỗi một quyển giáo trình là cả một công trình. Một bộ máy xuất bản chuẩn mực cần nhiều nguồn lực và chuyên môn, bao gồm rất nhiều khâu như: Khâu khảo sát, nghiên cứu thị trường để lên đề tài; Khâu xây dựng đề tài chi tiết phù hợp với nhu cầu thực tế, phối hợp một cách hệ thống giữa khung chương trình và các tiêu chuẩn quốc tế; Tìm kiếm tổ chức nhóm tác giả, Khâu biên tập gồm các biên tập viên và họa sĩ có kiến thức về văn hóa Việt Nam; Khâu âm thanh để phục vụ cho nhu cầu học nghe và nói; Khâu phát triển nội dung số,…

Một quyển giáo trình ra đời không những phải đáp ứng được quy chuẩn quốc tế, tuân thủ khung chương trình do Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam đề ra mà còn phải đáp ứng được nhu cầu thực tại của học sinh, phụ huynh, và đặc biệt là đội ngũ giáo viên Việt Nam.

Tôi thấy ông nhấn mạnh về “đội ngũ giáo viên”, vì sao ông lại nhấn mạnh vai trò của đối tượng này?

Bản thân tôi cho rằng trong hành trình đổi mới giáo dục, bên cạnh việc xác định học sinh là trọng tâm thì cũng cần xem giáo viên là trọng điểm. Chúng ta xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm mục tiêu mang tới nền giáo dục tốt nhất cho học sinh. Cụ thể là giúp học sinh lĩnh hội và làm chủ kiến thức, phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời. Để được như vậy, một bộ sách giáo khoa chuẩn mực, một chương trình giảng dạy hiệu quả là chưa đủ, chúng ta cần phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên – những người trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức và đánh giá năng lực của mỗi học sinh.

Ông đánh giá “giáo viên chính là trọng điểm”, vậy DTP đã làm gì để hỗ trợ cho đối tượng trọng điểm này?

Chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn sách và xây dựng những thành tố đính kèm. Khi một bộ sách giáo khoa của DTP ra đời, nó không ra đời một mình, mà phải kèm với 30 thành tố khác bao gồm: hướng dẫn sử dụng sách, giáo án gợi ý, kế hoạch dạy học gợi ý, bài giảng gợi ý, sách giáo viên, video tham khảo, bài kiểm tra gợi ý, mẫu bài tập,… đặc biệt là những công cụ số hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình giảng dạy. Và những thành tố này, DTP cung cấp hoàn toàn miễn phí cho giáo viên.

Nói như thế có nghĩa từ lâu DTP đã xây dựng công cụ số để hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên. Phải chăng ngay từ đầu, ông đã định hướng cho DTP theo đuổi hành trình số hóa giáo dục không?

Đúng vậy. Như có chia sẻ, tôi có may mắn được làm việc với nhiều nhà xuất bản lâu năm trên thế giới, tham gia các câu lạc bộ EdTech. Từ lâu, khi nhìn hệ thống giáo dục số của nước bạn và những lợi ích mà nó mang lại, tôi đã mong ước Việt Nam ta cũng được như vậy. Ngay từ thời điểm bắt tay vào lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa Tiếng Anh, chúng tôi cũng đã đồng thời vạch ra một lộ trình số hóa các tài liệu một cách bài bản.

Trong giai đoạn 1, định hướng của chúng tôi là tạo ra những công cụ số phục vụ quá trình dạy và học, đón nhận những phản hồi để nắm bắt đúng nhu cầu của người dùng. Trong trong giai đoạn sắp tới, tức giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tiến hành tích hợp, hoàn thiện, khắc phục những khuyết điểm của các công cụ số hiện có và bổ sung thêm những tính năng mới vào một nền tảng số duy nhất – chính là DTP EduHome.

Tôi thấy ông rất tâm huyết với DTP EduHome, nhưng liệu nó có thật sự được đón nhận khi hiện nay đa số trường học vẫn đang lựa chọn giảng dạy theo phương pháp truyền thống?

Có chứ. Vào năm ngoái, chúng tôi đã cho ra mắt nền tảng giáo dục DTP EduHome, và chỉ trong vòng 6 tháng, nền tảng ghi nhận nửa triệu người đăng kí sử dụng. Điều đó đã chứng minh DTP EduHome thật sự mang lại lợi ích cho việc dạy và học, và được đón nhận.

Tôi không phủ nhận, dịch COVID-19 đã góp phần không nhỏ giúp DTP EduHome được đón nhận và thúc đẩy ngành EdTech Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trong tình hình giãn cách, học sinh, giáo viên và phụ huynh bắt buộc phải làm quen, tiếp xúc với giáo dục số để duy trì việc học. Ra đời như một kết quả tất yếu trong bối cảnh này, và trong một thời gian quá ngắn nên hệ thống giáo dục số tại các trường học chưa đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng. Khi tình hình dịch đã ổn định, có thể mọi người sẽ từ bỏ giáo dục số và quay về con đường giáo dục truyền thống.

Tuy nhiên, giáo dục số chính là xu hướng. Không chỉ là xu hướng của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, mà còn là định hướng Bộ Giáo dục  & Đào tạo Việt Nam vạch ra từ lâu và sẽ tiến hành trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi vẫn lựa chọn tiếp tục theo đuổi.

Ông đánh giá DTP EduHome sẽ có những tiềm năng gì để cạnh tranh với các nền tảng giáo dục trực tuyến khác? Và ông có tin tưởng rằng giấc mơ của ông sẽ sớm thành sự thật không?

Lợi thế cạnh tranh của DTP EduHome chính là tính kết nối, đó là một nền tảng giáo dục số giúp kết nối 3 đối tượng giáo viên - học sinh - phụ huynh, kết nối việc tiếp thu tại lớp và việc tự học tại nhà. Thời điểm hiện tại, tôi tự tin vào năng lực và kinh nghiệm phát triển sản phẩm giáo dục của DTP. Chúng tôi biết hành trình đó sẽ rất gian nan, thậm chí gian nan hơn cả việc mang một bộ sách giáo khoa đến với các em học sinh. Tôi cũng nhận định đây là mảng kinh doanh khó có lợi nhuận nhưng chúng tôi sẽ theo đuổi giấc mơ này đến cùng. Vì tôi tin nó chính là giải pháp giúp tinh giản quá trình dạy và học, giúp công tác giảng dạy của giáo viên thuận tiện hơn, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn, giúp phụ huynh dễ dàng đồng hành cùng quá trình học tập của con em mình hơn.

Cám ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: DTP EduHome

Báo Thanh Niên
19.03.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.