Hành trình yêu thương

31/12/2014 04:00 GMT+7

Để từng viên thuốc đến với người nghèo là cả một hành trình yêu thương, cảm thông và chia sẻ.

Để từng viên thuốc đến với người nghèo là cả một hành trình yêu thương, cảm thông và chia sẻ.

Phát tờ rơi, tuyên truyền phòng dịch sốt xuất huyết cho người dân - Ảnh: CTVPhát tờ rơi, tuyên truyền phòng dịch sốt xuất huyết cho người dân - Ảnh: CTV
Ở Công ty CP Dược Hậu Giang, tôi có thể dễ dàng làm từ thiện bằng cách bỏ tiền vào “heo đất từ thiện” mà công ty để sẵn. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn thích chọn cách đong đầy cảm xúc hơn: Chân trần xắn quần để tìm đến từng gia đình miền quê heo hút nhất. Bản thân tôi đã lớn lên thêm nhờ trải nghiệm những chuyến từ thiện ấy…

Đến với người dân miền quê hẻo lánh

Những ngày cuối năm 2013, tôi cùng đoàn từ thiện của Hapacol đi khám bệnh và phát thuốc tại một huyện vùng sâu ở Trà Vinh. Sau khi tập trung người dân tại một điểm để khám và phát thuốc, chúng tôi quyết định tách ra từng nhóm nhỏ để chủ động tiếp cận những hộ gia đình ở vùng hẻo lánh hơn.

Ngôi nhà vách lá dừa nước xiêu vẹo bên dòng kênh tù, muỗi vo ve. Người đàn ông đón chúng tôi với ánh mắt đờ đẫn, hình như ông ấy đang say. Bên trong, trên tấm phản cũ, có cậu bé trạc 5 tuổi đang nằm co quắp. Người đàn ông kể vợ ông đã bỏ đi gần một năm. Ở nhà, 2 cha con có gì ăn nấy. Nhưng hôm nay, ông nấu cháo mà đứa con không chịu ăn. Ông thở dài đánh thượt: “Không ăn thì thôi, ngủ cho khỏe”. Ông tiếp tục ôm chai rượu.

Trời đất, thời buổi này vẫn có gia cảnh như trong phim vậy sao? Và tôi cảm thấy có gì bất ổn bởi cậu bé gần như không có phản ứng gì với người lạ. Đặt tay lên trán, tôi mới tá hỏa, nóng như đít nồi mới nhấc xuống. Lay vai người cha, ông vẫn tỏ thái độ hờ hững: “Ba cái cảm cúm lặt vặt đó mà, ngày mai sẽ hết sốt thôi”. Cơn say khiến người cha không cảm nhận được con mình đang sốt nặng như thế nào.

Sau khi cho cậu bé uống thuốc hạ sốt, tôi và người đồng hành quyết định thay phiên nhau cõng cậu bé ra trạm xá bởi chúng tôi không mang đủ y cụ để xử trí. Khẩn trương cõng cậu bé chạy băng đồng, tôi cũng nóng rang lên nhưng không phải vì mệt mà vì cái thân thể nóng hổi mềm nhũn trên lưng. Cấp cứu cho bệnh nhân xong, vị bác sĩ không kiềm chế sự tức giận khi “con đang trong cơn nguy kịch mà người cha cứ vật vờ với chai rượu, sẽ có lúc hối cũng không kịp nữa”. Rồi anh chia sẻ thêm một câu chuyện đau lòng hơn: Có lần, một người cha hớt hải bế con gái hơn 2 tuổi trong tình trạng co giật vì sốt đến 40 độ C chạy đến trạm xá cấp cứu. Bé sốt từ tối nhưng người nhà chỉ chườm khăn và định chờ trời sáng rồi mới đưa đi trạm xá. Người dân vùng sâu đâu biết phải hạ sốt bằng thuốc nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C để tránh các biến chứng. Đến khi bé bị co giật, mắt trợn ngược mới cuống cuồng chống xuồng đưa con đi cấp cứu. May mà đứa bé qua khỏi.

Những viên thuốc “cứu nguy” ở vùng sâu

Nghe câu chuyện ấy, mân mê viên thuốc Hapacol trên tay, nhỏ bé và đơn sơ là vậy nhưng trong trường hợp ngặt nghèo có thể cứu cả mạng người. Với tình trạng sốt cao như cậu bé mà chúng tôi vừa cõng về, nếu không được uống thuốc kịp thời, chuyện gì sẽ xảy ra? Trong những khóm, ấp le lói đèn xa xa kia, mỗi khi có người bệnh, liệu họ có xoay xở kịp?

Kết thúc chuyến từ thiện, chúng tôi thêm tự hào về những chuyến đi đến với bà con sống ở những vùng sâu, vùng xa. Liên tục từ nhiều năm qua, tham gia rất nhiều đợt khám chữa bệnh tập trung đến truyên truyền phòng dịch sốt xuất huyết, rồi tặng “túi thuốc gia đình”…, nhiệt huyết ấy không hề giảm đi mà cứ đong đầy thêm. Để giờ đây, chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.