Hát cho bệnh nhân nghe và nghe bệnh nhân hát

27/09/2024 12:00 GMT+7

Dự án tình nguyện "Một bức tranh – Nhiều hy vọng" với sứ mệnh tạo môi trường điều trị tâm lý, lan tỏa năng lượng tích cực tại bệnh viện cho bệnh nhân ung thư, người nhà, các y bác sĩ đang túc trực hoạt động. Qua đó góp phần xây dựng văn hóa yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm trong cộng đồng và giáo dục thế hệ trẻ bằng nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, sách báo...

Tấm lòng nhân ái, sự tử tế chia sẻ, yêu thương là những từ ngữ để nói đến dự án tình nguyện "Một bức tranh – Nhiều hy vọng" được thành lập năm 2014. Dự án này với mục đích mang lại niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư. Theo đó, những tình nguyện viên liên tục tổ chức nhiều hoạt động như: ca hát, vẽ tranh, đọc sách, báo… tới bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Được khởi điểm từ đầu năm 2014 bởi giảng viên Hồ Dương Đông (Khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng), đến nay dự án này đã hoạt động được hơn 10 năm, thu hút có hơn 15.000 tình nguyện viên, đa phần là những sinh viên nhiệt huyết và đầy năng lượng đang theo học các trường ở TP.Đà Nẵng.

Sở dĩ có cái tên "Một bức tranh – Nhiều hy vọng" vì hoạt động đầu tiên của dự án là hoạt động treo tranh, ảnh trên từng tầng, trên các phòng. Những bức tranh tự vẽ, những bức hình tự chụp để treo ở một số phòng, khoa của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng như một liệu pháp trị liệu tâm lý đến những bệnh nhân giúp họ thư giãn, tránh những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.

Ngay từ khi phát động, dự án nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ sinh viên Trường ĐH Bách Khoa và nhanh chóng lan tỏa đến nhiều trường đại học khác tại TP.Đà Nẵng. Không những vậy, dự án còn thu hút những người trẻ ở các tỉnh thành khác như: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP.HCM.

Để rồi hàng trăm bức tranh, ảnh đầy màu sắc được gửi tặng đến các bệnh nhân ung thư. Những bức tranh, hình vẽ với nội dung phong phú màu sắc vui tươi được treo ở các dãy hành lang, phòng bệnh tạo ra không gian tươi đẹp, đầy sức sống, chuyển tải những thông điệp về tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống…

Hát cho bệnh nhân nghe và nghe bệnh nhân hát- Ảnh 1.

Hình ảnh những tình nguyện viên nhảy cùng nhau tại chương trình chiều chủ nhật tình nguyện

ẢNH: HUỲNH NGỌC HIẾU

Theo các y bác sĩ tại Bệnh viện Ung Bứu Đà Nẵng, cho biết ngay từ khi dự án được triển khai đi vào hoạt động, thì các bác sĩ đã có thêm một phương pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu cho bệnh nhân ung thư. Qua đó giúp cho các bệnh nhân giải tỏa đi những năng lượng tiêu cực, lo âu, tiếp thêm niềm tin và động lực về cuộc sống để các bệnh nhân can đảm, đối mặt với những khó khăn, thử thách chiến đấu tới cùng với bệnh tật.

Và hơn thế nữa, liệu pháp này còn giúp đội ngũ y bác sĩ bớt căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư. Với nhiều ý nghĩa thiết thực, hoạt động này góp phần giúp đỡ ngày càng nhiều cho bệnh nhân trong hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Đều đặn hai tuần một lần, dự án sẽ tổ chức chương trình "Hát cho bệnh nhân tôi nghe và nghe bệnh nhân tôi hát". Đây là phong trào cùng hát ca, cùng múa giữa người bệnh và tình nguyện viên của dự án. Tại sảnh bệnh viện vào chiều chủ nhật hàng tuần, các bệnh nhân, người nhà và các tình nguyện viên cùng bên nhau ca hát, chuyện trò. Chính các bệnh nhân là những "nghệ sĩ" trình diễn những bài ca, câu hát chứa chan biết bao cảm xúc.

Tại đây, họ được hát được giao lưu và được tâm sự trải lòng về cuộc sống, tâm tư chất chứa, được lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Những niềm vui, nụ cười nở rộ trên đôi môi của các cô chú bệnh nhân và cả những giọt nước mắt san sẻ yêu thương đã khiến những con người xa lạ nay trở nên thân thiết và gần gũi như một gia đình hơn bao giờ hết. Chính những phút giây ấm áp tình người ấy đã trở thành niềm khích, một sự cổ vũ mạnh mẽ, niềm mong mỏi của các bệnh nhân vào mỗi chiều chủ nhật, mà với nhiều người đó là buổi chiều của tình yêu thương và chia sẻ.

Hát cho bệnh nhân nghe và nghe bệnh nhân hát- Ảnh 2.

Những tình nguyện viên trong buổi trò chuyện cùng với cô chú bệnh nhân

ẢNH: HUỲNH NGỌC HIẾU

Khi được hỏi về cảm xúc của bản thân, một tình nguyện viên của dự án chia sẻ: "Lúc mới đầu tham gia thì mình rất sợ và ngại lắm. Bản thân mình là người khá trầm ít tham gia các hoạt động xã hội và đây cũng là lần đầu mình tham gia một hoạt động công tác xã hội như thế nên còn rất là bỡ ngỡ. Mình tham gia được ca hát và trò chuyện với cô chú bệnh nhân nhiều câu chuyện từ mấy cái chuyện "trên trời dưới đất". Điều làm mình ấn tượng nhất đó chính là cô chú ở đây rất lạc quan, yêu đời luôn nở một nụ cười rạng rỡ trên môi hay những cái ôm, cái bắt tay ấm áp. Mình luôn muốn góp chút ít sức trẻ của mình nuôi dưỡng tinh thần cho những cho những cô chú đang điều trị tại bệnh viện".

Anh Võ Văn Công (40 tuổi), quê ở Gia Lai là tình nguyện viên rất đặc biệt. Anh Công cho biết: "Mới đầu khi phát hiện bản thân bị ung thư hạch, biết mình mang căn bệnh hiểm nghèo thì rất chi là buồn. Nhưng mà nghe các bạn hát nghe các bạn tâm sự cùng thì cảm thấy tinh thần mình trở nên phấn chấn, lạc quan. Thấy các bạn tình nguyện viên sức sống tràn đầy tôi cũng mong mình có thể khỏe lại. Và vì thế tôi tham gia dự án với tinh thần mong sao mang lại được nhiều giá trị tốt đẹp cho đời".

Sau 10 năm, những người trẻ chung tay xây dựng dự án này hy vọng rằng con số 10 sẽ được tiếp nối mãi qua bao tầng tầng lớp lớp tình nguyện viên. Để từ đó có thể lan tỏa năng lượng tích cực cho bệnh nhân, giúp những bệnh nhân ung thư có thể tiếp tục kiên cường chống chọi với bệnh tật...

Hát cho bệnh nhân nghe và nghe bệnh nhân hát- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.