Hạt thóc 3.000 năm vẫn nảy mầm: Các nhà khoa học vào cuộc

19/05/2010 00:35 GMT+7

Hôm qua 18.5, nhiều nhà khoa học đã đến hiện trường các hố khai quật tại Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) để nghiên cứu về hiện tượng hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. Nghe đọc bài

Trong số các nhà khoa học đến Thành Dền có các ông Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, một trong những chuyên gia đầu ngành về lúa, GS Ngô Thế Tuấn, PGS-TS Nguyễn Lân Cường - Phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và một số chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết, trước khi đi khảo sát thực tế, ông rất nghi ngờ về câu chuyện hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. “Mấy ngày qua, tôi rất nghi ngờ, nói đúng hơn là lưỡng lự trước thông tin hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm. Cả đời làm khảo cổ của mình, đến nay đã trên 43 năm nhưng tôi chưa bao giờ nghe, hoặc chứng kiến chuyện này cả. Là người yêu thích sinh học, đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập đến chuyện nào tương tự như thế này cả. Tôi rất sợ đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống”, ông Cường nói. Vì thế, đến hiện trường, ông Cường kiểm tra rất kỹ lưỡng các hố khai quật và cho rằng, đất ở đây bị nén rất chặt, không có dấu vết hang chuột. Thêm vào đó, ông Cường còn tự tay đào bới và phát hiện có các hạt thóc bị cháy, vỏ hạt thóc, xương cá... trong các hố rác bếp nữa. “Bây giờ tôi tin rồi, mặc dù về mặt sinh học thì vẫn phải đợi kết quả thí nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp. Tôi rất ngạc nhiên về phát hiện này và hoàn toàn bị thuyết phục về niên đại của hạt thóc nảy mầm là cách đây từ 3.000 năm”, ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bộ đề nghị các nhà khảo cổ lấy mẫu gửi sang nước ngoài làm thí nghiệm theo phương pháp AMS  (một phương pháp xác định niên đại của các hiện vật hiện đại và chính xác nhất hiện nay) để khẳng định chắc hạt thóc này có từ 3.000 năm trước hay không. Theo ông Bộ, hiện tại Việt Nam chưa thể làm được AMS trong khi sử dụng phương pháp đồng vị carbon thì phải cần rất nhiều mẫu và vẫn có sai số.

Trước câu hỏi tại sao những hạt thóc đặc biệt này lại có được một sức sống mạnh mẽ và kỳ lạ đến thế, ông Nguyễn Văn Bộ nói: “Về mặt sinh học thì không ai tin được lại có chuyện hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm nằm dưới lòng đất. Vì hạt thóc là vật chất hữu cơ, trong điều kiện bình thường nó sẽ bị phân hủy ngay. Nhưng không thể loại trừ được khả năng, những hạt thóc này được bao bọc bởi một môi trường đặc biệt, có thể là yếm khí hoàn toàn mà con người chưa biết đến. Đây là một hiện tượng hy hữu, cũng giống như trường hợp mộ kết, hay chuyện một người không ăn uống trong mấy chục năm trời vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường mà khoa học vẫn chưa giải thích được”.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.