Hậu Giang: Sức bật cho công nghiệp Châu Thành

29/09/2012 10:16 GMT+7

Huyện Châu Thành (Hậu Giang) với vị trí giáp TP.Cần Thơ, không chỉ có tuyến giao thông QL 1A đi qua mà còn có sông Hậu, tuyến giao thông thủy huyết mạch của ĐBSCL chảy dọc địa bàn. Đây được xem là lợi thế hiếm có để địa phương này phát triển KT-XH, nhất là lĩnh vực công nghiệp.

Mũi nhọn công nghiêpTừ khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ) vào năm 2004, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã xác định H.Châu Thành là cửa ngõ quan trọng của tỉnh, là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH. Vì vậy, việc quy hoạch đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, trong đó lấy định hướng phát triển công nghiệp (CN) làm trọng điểm. Từ định hướng đó, thời gian qua nhiều khu, cụm CN đã được ưu tiên đầu tư tại đây; trong đó đáng kể nhất là Khu CN Sông Hậu, Cụm CN Phú Hữu A...

 
Trung tâm thương mại H.Châu Thành - Ảnh: Công Hân

Với nhiều chính sách ưu đãi, đến nay huyện đã thu hút hơn 10 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 30.000 tỉ đồng. Lĩnh vực thương mại dịch vụ (TM-DV), CN-TTCN đã có những bước tiến vượt bậc. Nếu như năm 2005, huyện chỉ có 228 cơ sở sản xuất CN-TTCN thì nay tăng thêm 454 cơ sở, qua đó mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động. Dự kiến khi các cụm CN đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Phấn khởi trước những thành tựu trên, ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch UBND H.Châu Thành chia sẻ: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay Châu Thành đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu KT. Tốc độ tăng trưởng KT đạt 27-28%. Cơ cấu KT được chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng CN, TM-DV, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; trong đó khu vực 1 (Nông – Lâm – Thủy sản) chiếm 45%, khu vực 2 (CN-TTCN) chiếm 43% khu vực 3 (TM-DV) chiếm 38%.

Có thể nói huyện đã tạo được những tiền đề quan trọng nhất để trở thành huyện công nghiệp của tỉnh Hậu Giang. Nông nghiệp – hậu phương vững chắcĐể đạt được mục tiêu trở thành huyện CN thì vai trò của nông nghiệp trên địa bàn huyện rất quan trọng. Do vậy, trong quy hoạch phát triển KT –XH của huyện, nông nghiệp vẫn được chú trọng như một hậu phương vững chắc để tạo sức bật cho CN đi lên.

Ngoài việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp thì việc phát triển diện tích vườn cây đặc sản, nhất là bưởi Năm Roi Phú Hữu nổi tiếng và cam sành kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn đang là hướng đi mới của nông nghiệp H.Châu Thành. Hiện tại, huyện có khoảng 8.040 ha vườn cây đặc sản, tập trung ở 2 xã Phú Hữu và Đông Phước. Bên cạnh đó, huyện đã quy hoạch 300 ha nuôi trồng thủy sản tại 2 xã Đông Phước, Đông Phước A; phát triển cây màu ở vùng đất Đông Thạnh, Phú An để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp, hệ thống đê bao khép kín cũng được đầu tư hoàn tất với kinh phí hàng chục tỉ đồng, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích cây trồng trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật canh tác mới cũng được ứng dụng vào nông nghiệp như: kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP, Viet GAP...

Những chứng chỉ nông nghiệp sạch, chất lượng này được xem là “giấy thông hành” quan trọng để nông sản ở Châu Thành vươn xa ra thị trường ngoài nước. Ông Võ Văn Thắng cho biết thêm: “Trong thời gian tới huyện tiếp tục khép kín thêm 3.100 ha vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái và nuôi thủy sản. Song song đó kết hợp phát triển giao thông thủy lợi, lồng ghép các chương trình xây dựng giao thông nông thôn”.

Có thể thấy, với lợi thế quan trọng về vị trí, giao thông, hạ tầng… cùng những quyết sách đúng đắn từ các cấp chính quyền, KT-XH ở Châu Thành đang có những bước đi đúng hướng với mũi nhọn công nghiệp nhưng vẫn duy trì thế mạnh truyền thống là nông nghiệp, thủy sản. Đây chính là tiền đề quan trọng để Châu Thành trở thành huyện CN của Hậu Giang trong thời gian không xa.

Tú Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.