Hậu trường chính trị: Đòn thù phản tác dụng của Trung Quốc

14/11/2020 08:00 GMT+7

Việc Trung Quốc chặn doanh nghiệp nước này mua hàng từ Úc chỉ càng giúp Úc nhận thấy nguy cơ hiển hiện, nên càng có thêm lý do tăng cường hợp tác trong “bộ tứ kim cương”.

Mới đây, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngừng nhập khẩu 7 nhóm hàng hóa từ Úc. Đây được xem là đòn trừng phạt của Bắc Kinh nhằm vào Canberra vì Úc tham gia tập trận Malabar với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ diễn ra trong tháng 11 này. Cuộc tập trận Malabar năm nay mang tính lịch sử khi quy tụ đủ 4 thành viên “bộ tứ kim cương”.
Thực tế, 4 nước trên cùng với Singapore từng tập trận Malabar năm 2007. Khi đó, Bắc Kinh đã chỉ trích dữ dội Canberra vì tham gia tập trận. Và cùng với sự tác động từ chính sách của chính quyền mới ở Úc dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd khi đó dường như đã khiến Canberra rút khỏi các cuộc tập trận Malabar tiếp theo.
Năm nay, “bộ tứ kim cương” dần định hình, đồng thời Canberra bị cho là đã chịu sự “cưỡng bức kinh tế” từ Bắc Kinh vì Úc lên tiếng yêu cầu điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 ban đầu bùng phát ở Trung Quốc. Trước nhiều hành vi của Trung Quốc khi nước này lợi dụng tình hình đại dịch để gây rối, đe dọa các nước khác, Úc đã tham gia tập trận như một sự phản ứng.
Giờ đây, Trung Quốc chặn doanh nghiệp nước này mua hàng từ Úc, thì thực tế cũng chỉ là chiêu trò “cưỡng bức kinh tế” - vốn là một trong các động lực khiến Canberra quyết định tham gia tập trận Malabar. Vì thế, đòn thù này của Trung Quốc chỉ càng giúp Úc nhận thấy nguy cơ hiển hiện, nên càng có thêm lý do tăng cường hợp tác trong “bộ tứ kim cương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.