Hãy cứu hồ Ba Bể

27/04/2011 23:06 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học và nhà báo trong buổi tọa đàm bảo vệ di sản thiên nhiên hồ Ba Bể được tổ chức ngày 26.4 tại Hà Nội.

Bồi lắng trầm trọng

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà khoa học và nhà báo đã làm rõ thực trạng trong mấy chục năm qua, con người đã tàn phá hết thảm thực vật trên các dãy núi xung quanh hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) để lấy gỗ và canh tác nương rẫy, khai thác các mỏ quặng đã gây nên sự bồi lắng trầm trọng đối với vùng hồ. Đặc biệt gần đây, hàng trăm người dân sống xung quanh hồ Ba Bể (các bản thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn) đã gửi đơn đi nhiều nơi kiến nghị, kêu gọi chấm dứt khai thác các mỏ quặng làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân các dân tộc và nguy cơ bồi lấp hồ Ba Bể.

 
Hồ Ba Bể đã bị xâm hại nghiêm trọng - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Ngay sau đó “Hội những người yêu Ba Bể” đã tổ chức một đoàn gồm các nhà khoa học: GS-TS Chu Hảo, GS-TS Đặng Hùng Võ, GS-TS Phạm Vĩnh Cư, TS Trương Văn Lã… cùng một số nhà báo đến tìm hiểu và khảo sát thực tế tại các mỏ khai thác quặng ở Pù Ổ, Bản Cuôn, Bản Cuôn - Khau Slăm thuộc xã Đồng Lạc và xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn; mỏ đá trắng thạch anh thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.

Làm hồ sơ công nhận di sản thiên nhiên thế giới

Hồ Ba Bể là danh thắng nổi tiếng nằm ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn và là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của Việt Nam. Năm 1995, Hội nghị hồ nước ngọt trên thế giới tổ chức tại Mỹ đã công nhận hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể lại được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Việt Nam đã làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới. Hồ Ba Bể có diện tích mặt nước 500 ha, độ sâu trung bình từ 20 - 25m (sâu nhất là 35m). Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể có 1.268 loài thực vật bậc cao; 553 loài động vật có xương sống (gồm 81 loài thú, 322 loài chim, 27 loài bò sát, 106 loài cá, 17 loài ếch nhái); có một số loài đặc hữu phân bố hẹp ở Ba Bể như vạc hoa, voọc mũi hếch, loài cá cóc.

Ông Nông Thế Diễn - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể, cho biết: “Người ta cấp phép khai thác mỏ ở vùng đệm của vườn quốc gia, nhưng cũng không trao đổi gì với chúng tôi, việc khai mỏ hiện nay đã xâm phạm nghiêm trọng vùng đệm của vườn. Khi mưa lớn, đất đá sẽ theo lũ dồn cả về hồ Ba Bể, rất đáng lo ngại. Chưa hết, ngay trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn còn có đơn vị thản nhiên nổ mìn, khai thác đá thạch anh ở xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Nghe nói, sắp tới còn 2 công ty nữa được cấp phép làm việc “bạo nghịch” kiểu này”.

Xả chất thải xuống hồ

Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Dương Thuấn - Tổng thư ký “Hội những người yêu Ba Bể”, cho biết đoàn khảo sát đã tới các điểm đang bị bồi lấp với tốc độ chóng mặt trên hồ Ba Bể như: Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tổc; khảo sát ba hồ đã bị bồi lấp hoàn toàn trong 40 năm qua là: hồ Pé Tàu (thuộc xã Cao Thượng), hồ Pé Vài và hồ Pé Nản (thuộc xã Khang Ninh). Về diện tích, 3 hồ Pé Vài, Pé Nản, Pé Tàu cũng không kém mấy so với hồ Ba Bể (bao gồm: hồ Pé Lẩm - hồ 3, hồ Pé Lù - hồ 2, hồ Pé Lèng - hồ 1). Tất cả 6 hồ đều thông nhau qua trục sông Năng, các hồ đều chảy ra sông Năng; dòng sông Năng hiện nay đang có nguy cơ bị ngăn lại để xây đập thủy điện.

GS-TS Đặng Hùng Võ cho biết toàn bộ chất thải khai thác các mỏ quặng xung quanh hồ đã xả thẳng vào hồ Ba Bể và với tốc độ này việc khai thác quặng sẽ làm biến đổi môi trường sinh thái, chất lượng nước của hồ và ảnh hưởng lớn đến Vườn quốc gia Ba Bể.

Tại buổi tọa đàm trên, các nhà khoa học và nhà báo đã có lời kêu gọi chung về việc cần thiết phải cứu lấy hồ Ba Bể và môi trường sinh thái ở hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.