Hãy là người tiêu dùng thông minh

03/06/2009 23:47 GMT+7

Những mối nguy từ hàng hóa Trung Quốc không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, trước tiên đó là một sự cảnh báo tối cần thiết dành cho người dân khi chọn lựa hàng hóa tiêu dùng. Nghe đọc bài

Bài học xe máy Trung Quốc

Thật ra, hàng chất lượng kém của Trung Quốc cũng từng làm cho người tiêu dùng Việt Nam thấm thía, "tiền mất tật mang". Đó là bài học xe máy Trung Quốc. Hiện tại 4 chợ xe máy nổi tiếng ở TP.HCM là Lý Tự Trọng (Q.1), Nguyễn Tri Phương (Q.5), ngã tư Phú Nhuận và Lãnh Binh Thăng (Q.11), xe máy Trung Quốc đã không còn chỗ đứng. Một nhân viên của cửa hàng T.L trên đường An Dương Vương cảm thán: "Xe Trung Quốc đã trở thành quá khứ rồi anh ơi!".

Trong khi đó, tại một cửa hàng xe máy trên đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) - một trong những nơi hiếm hoi còn trao đổi mua bán các loại xe Trung Quốc cũ mới - thì một chiếc xe Trung Quốc còn mới (Wave hoặc Dream) đều được thu vào với giá 1,5 triệu đồng. Phần lớn người mua đều khuyên "khổ chủ" mang xe về sửa lại để dành... đi rẫy! Một người mặc quần áo công nhân tên Vũ nói: "Tôi đã hết chịu nổi chiếc xe này rồi". Anh mua chiếc xe Trung Quốc này theo dạng trả góp ở cửa hàng cạnh nơi anh làm việc, chỉ hơn 6 triệu đồng. Ban đầu, xe chạy cũng được, nhưng chỉ vài tháng sau chiếc xe bắt đầu trở chứng. Anh lần lượt thay cặp vỏ ruột mới, rồi đến bình accu, hệ thống điện, đèn... Sau 6 tháng thì máy xe kêu, anh mang đi chỉnh "cò", rồi  thay đầu quy-lap, tới rã máy làm dên... May mắn là sau một năm anh Vũ trả xong tiền mua góp xe nhưng theo anh, tiền sửa xe có lẽ cũng đã bằng nửa chiếc xe!

Người tiêu dùng cẩn trọng hơn

Trao đổi với Thanh Niên, Ban quản lý chợ Bình Tây (TP.HCM) đánh giá rất cao loạt bài của Thanh Niên phản ảnh tình trạng hàng Trung Quốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay. Nhiều tiểu thương chợ Bình Tây cũng cho hay, từ những bài viết cảnh báo về nguy hiểm khi sử dụng hàng Trung Quốc nhập lậu, người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua hàng.

Nhiều tiểu thương tại chợ Bình Tây cho rằng, để hàng nhập lậu Trung Quốc không còn tràn vào thị trường Việt Nam thì đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải ngăn chặn thật hữu hiệu từ biên giới Việt Nam với Trung Quốc; các cơ quan truyền thông đại chúng cần thông tin nhiều hơn nữa về những tác hại của hàng Trung Quốc có chất lượng kém đến người dân; các cơ sở sản xuất trong nước cũng phải tự nâng cao mình, đầu tư liên tục cho ra sản phẩm mới với giá bán hợp lý nhất.

Ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM nói: "Không phải đến bây giờ mà đã từ lâu người tiêu dùng rất hoang mang và lo sợ trước những hiện tượng như sử dụng chất phụ gia, bảo quản trong thực phẩm, trong rau quả củ...; những chất xúc tác có hại trong mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ chơi...  được cho là xuất xứ từ Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn có những hàng hóa và thương hiệu  đáng tin cậy với những ưu điểm như mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp, đặc biệt là khâu phân phối rất rộng rãi phổ biến. Tuy nhiên, gần như phần lớn hàng được cho là xuất xứ từ Trung Quốc đều được người tiêu dùng đánh giá là "rẻ nhưng không bền", lạm dụng nhiều hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đều không ghi rõ xuất xứ, không hạn sử dụng... và phần lớn là nhập lậu. Bởi thế, mỗi người dân hãy là "người tiêu dùng thông minh" bằng cách mua và sử dụng những hàng hóa đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp trong nước hãy xem đây cũng là một cơ hội tổ chức sản xuất, rút kinh nghiệm, giành lại thị phần trong nước...".

Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang - Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc nhựa - cao su Việt Nam: Hàng Trung Quốc từ trước đến nay, đặc biệt là đồ chơi trẻ em chủ yếu nhập khẩu vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Vì vậy phải tăng cường kiểm soát hơn nữa việc nhập khẩu đó. Còn các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình và điều này đã làm được, nhất là trong xuất khẩu nhiều hàng hóa của Việt Nam hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc về chất lượng. Đặc biệt việc cải tiến mẫu mã sản phẩm, cắt giảm chi phí giá thành để hạ giá bán phải được thực hiện không ngừng.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam: Sản phẩm may mặc của Trung Quốc chủ yếu được tiêu thụ thông qua tiểu thương phân phối nhỏ lẻ, có giá quá thấp do sử dụng từ nguyên phụ liệu trôi nổi, chất lượng kém. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam không thể thực hiện như thế. Quan trọng nhất là đại đa số người dùng Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến chất lượng hàng hóa như thế nào mà chỉ quan tâm đến mức giá thấp. Điều đó là cơ sở cho nhiều loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng có mặt tràn lan trên thị trường Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM: Quan trọng nhất là Việt Nam phải xây dựng được hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Việc này không khó vì châu u hay Mỹ, Nhật... đã có những bộ tiêu chuẩn chất lượng và được áp dụng khá hữu hiệu. Việt Nam không cần phải xây mới mà có thể học tập họ để áp dụng. Điểm thứ hai là Chính phủ phải tuyên truyền mạnh mẽ, đưa ra khuyến cáo về tác hại của hàng hóa kém chất lượng để người dân có ý thức tự bảo vệ mình.

Mai Phương (ghi)

Cẩm Nhi - Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.