Hãy làm cho người tài tin và phục

06/08/2013 03:00 GMT+7

Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” là cơ hội tốt để gắn kết cộng đồng khoa học Việt Nam với thế giới; nhưng thành quả không thế đến một sớm một chiều.

Các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị đều có chung nhận xét trên. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Marek Karliner (Viện trưởng Viện Vật lý lý thuyết, Đại học Tel-Aviv, Israel) và tiến sĩ Kwek Leong Chuan (Đại học Quốc gia Singapore) xung quanh chủ đề này.

Theo ông, đâu là đánh giá chính xác và tỉnh táo nhất về tầm quan trọng và ý nghĩa của “Gặp gỡ VN lần 9”?

GS Karliner: Không ai có ảo tưởng là ngay buổi sáng sau hội nghị, khoa học VN sẽ đạt được bước nhảy thần kỳ. Nhưng theo tôi, ý nghĩa quan trọng nhất của việc quy tụ các tên tuổi quốc tế hàng đầu tại hội nghị lần này là: Đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học VN, đặc biệt là giới trẻ, có cơ hội tương tác với các nhà vật lý hàng đầu thế giới và tiếp cận với những tri thức mới nhất trong lĩnh vực này. Tôi tin chắc là các bạn trẻ sẽ vô cùng hứng khởi khi được tiếp xúc với các nhà bác học Nobel bằng xương bằng thịt.

Điều quan trọng thứ hai là dấu ấn của hội nghị này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho các sự kiện tương tự trong các lĩnh vực khác sẽ diễn ra tại VN. Hãy hình dung sau hội nghị, các nhà khoa học trở về nước và kể lại cho đồng nghiệp của mình: “Hội nghị ở VN vừa diễn ra hết sức hữu ích, ở một nơi tuyệt vời và mô hình này cực kỳ thú vị. Tại sao chúng ta không nhân rộng nó?”.

 
Giáo sư Marek Karliner - Ảnh: nhân vật cung cấp

TS Kwek Leong Chuan: Cần xem hội nghị này là một bước khởi đầu quan trọng và rất cần sự đầu tư hỗ trợ lâu dài từ chính phủ. Đừng chỉ hỗ trợ hội nghị này như một lần trình diễn rồi thôi. Khoa học cơ bản là xương sống của công nghệ nhưng rất cần đầu tư lâu dài. Như Singapore, chúng tôi phải mất hàng chục năm để xây dựng nền khoa học của mình và chỉ thực sự phát triển trong lĩnh vực này cách đây 15 năm.

Vậy thì sau khi hội nghị kết thúc và thành công trong việc tạo được hứng khởi cho người trẻ, việc tiếp theo cần làm là gì, thưa ông?

GS Karliner: Xác định ngay những người tài giỏi nhất trong mỗi lĩnh vực cơ bản (như vật lý chẳng hạn) và cho họ đi học ở những nơi tốt nhất ở các nước có nền khoa học cơ bản tiên tiến nhất. Song song với việc cho người tài đi học ở nước ngoài, cần phải thỏa thuận với họ để họ có nghĩa vụ phải quay về nước phục vụ sau khi học xong. Và do vậy, VN cần tạo ra những điều kiện tốt nhất để những người tài này không có cảm giác quay về nước phục vụ đồng nghĩa với việc sự nghiệp của họ đi vào ngõ cụt.

Kinh phí hạn hẹp dành cho nghiên cứu có phải là trở ngại lớn nhất ngăn cản người tài về nước, thưa ông?

GS Karliner: Không bao giờ. Kinh phí đầu tư cho khoa học thực nghiệm đúng là rất cao - một phòng thí nghiệm chỉ cho một nhà khoa học có thể ngốn đến hàng tỉ đô la. Nhưng khoa học cơ bản như vật lý, toán học, hay hóa học ít tốn kém hơn rất nhiều. Theo tôi yếu tố quan trọng nhất để lôi kéo người tài về nước không phải là tiền, mà chính là thành ý trọng dụng người tài. Làm sao một nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản chính quy ở nước ngoài có thể chấp nhận về làm việc ở một môi trường mà họ không có tự do nghiên cứu, bắt đầu từ dưới đáy ở một cơ quan mà họ chịu sự chi phối của những cái đầu thủ cựu và luôn muốn chứng tỏ quyền lực?

Giải quyết xong vấn đề cơ chế, bước tiếp theo để giữ được cầu nối với người tài là gì, thưa ông?

GS Karliner: Cần lập ra một ủy ban cố vấn trong đó các nhà khoa học Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài (trong lĩnh vực vật lý, GS Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago) là một ví dụ điển hình). Ủy ban này sẽ giúp Chính phủ nhận diện chính xác người tài hiện đang ở đâu. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là phải trao thực quyền cho ủy ban này. Tức là, phải lắng nghe ý kiến của họ ở mức tối đa có thể, nếu không sẽ là một sự lãng phí tài năng rất lớn.

Theo ông thì mô hình “Gặp gỡ VN lần 9” có nên nhân rộng sang các lĩnh vực khác không?

GS Karliner: Rất nên với điều kiện tiên quyết là nó phải được khởi xướng và dẫn dắt bởi những người biết họ nên làm gì. GS Trần Thanh Vân là một tên tuổi uy tín trong cộng đồng vật lý quốc tế; ông ấy biết cần mời những ai để mang lại kết quả tốt nhất.

5 giáo sư đoạt giải Nobel dự lễ khánh thành ICISE

Ngày 5.8, UBND tỉnh Bình Định và Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam họp báo giới thiệu về Gặp gỡ Việt Nam 9 và lễ khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE).

Theo chương trình, lễ khánh thành ICISE (tại P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn) diễn ra sáng 12.8 với sự tham dự của 300 đại biểu, trong đó có 5 giáo sư đã nhận được giải Nobel: David Gross (Mỹ, Nobel 2004), Georges Smoot (Mỹ, Nobel 2006), Sheldon Lee Glashow (Mỹ, Nobel 1979), Klaus von Klitzing (Đức, Nobel 1985) và Jack Steinberger (Thụy Sĩ, Nobel 1988). Ngoài ra có nhiều nhà bác học rất nổi tiếng khác như Rolf Heuer (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu u), GS Jean Loup Puget (Giám đốc chương trình nghiên cứu Planck)...

Cũng trong ngày 5.8 tại TP.Quy Nhơn, GS Klaus von Klitzing đã chủ trì Hội nghị vật lý quốc tế có chủ đề “Vật lý nano: Từ cơ bản đến ứng dụng”, diễn ra đến ngày 10.8.

Hoàng Trọng

An Điền
(thực hiện)

>> Giáo sư đoạt giải Nobel chủ trì hội nghị vật lý nano tại Bình Định
>> Nhà khoa học đoạt giải Nobel chủ trì Hội nghị vật lý nano
>> Nhà vật lý đoạt giải Nobel Klaus von Klitzing đến Bình Định
>> Nhà khoa học đoạt giải Nobel đầu tiên đến ‘Gặp gỡ Việt Nam’
>> Chủ nhân giải Nobel Y học năm 1965 từ trần
>> EU đau đầu vì Nobel Hòa bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.