Hãy luôn là chính mình

23/05/2015 06:00 GMT+7

Không ít bạn trẻ thừa nhận chẳng dám sống thật là chính mình . Họ cảm thấy xấu hổ với hoàn cảnh thực tế.

Không ít bạn trẻ thừa nhận chẳng dám sống thật là chính mình. Họ cảm thấy xấu hổ với hoàn cảnh thực tế.

Đừng sĩ diện, hãy sống thật là chính mình để không là người dối trá trong mắt bạn bè - Ảnh: X.P
Đừng sĩ diện, hãy sống thật là chính mình để không là người dối trá trong mắt bạn bè - Ảnh: X.P
Cảm thấy xấu hổ vì nhà nghèo !?
N.T.H, học sinh lớp 11 Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, luôn khoe với bạn bè bố mẹ đang làm việc tại ngân hàng. Thế nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, bố T.H. làm phụ hồ, còn mẹ ngày ngày bươn chải kiếm sống bằng nghề buôn bán ve chai.
Sự thật này vô tình được ban cán sự lớp phát hiện. Và khi được hỏi lý do sao lại giấu đi hoàn cảnh gia đình, T.H mới thú nhận: “Cảm thấy xấu hổ vì nhà nghèo và bố mẹ không nghề nghiệp ổn định. Sợ bị mọi người chê khinh”.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, ta thán có con học lớp 6, vì gia cảnh nghèo khó, phải thuê nhà ở trọ, chồng bị bệnh tai biến nằm một chỗ suốt nhiều năm và cuộc sống gia đình bấp bênh, mọi khoản tiền đều dựa vào tiền công giúp việc nhà của chị. Vì thế, đứa con rất mặc cảm và không muốn bạn bè biết sự thật. “Có lần tôi đến cổng trường đón con bằng chiếc xe máy cà tàng. Nhưng con chạy trốn khi thấy tôi vì sợ bạn bè biết tôi là mẹ nó. Khi bạn bè hỏi, nó bảo tôi là… người chạy xe ôm. Tôi cảm thấy sốc vô cùng, chẳng hiểu sao con tôi lại thốt ra điều ấy”, chị Nhàn buồn bã nói. Kể từ đó, khi đến đón con, chị phải nghe lời con đứng đợi ở đằng xa, chứ không đến trước cổng trường đón nữa.
Nhiều bạn trẻ hết ngày này qua ngày khác, thậm chí suốt nhiều năm “diễn” một vai khác, và gạt bỏ hoàn toàn hoàn cảnh thật. L.N.T, cựu sinh viên của Trường CĐ Nghề TP.HCM, có một thời được bạn bè đặt cho biệt danh là T. đại gia vì cách chơi bời, tiêu tiền như nước. Mặc dù gia đình rất nghèo, nhưng những năm tháng học ở TP.HCM, T. không chấp nhận thực tế mình là con nhà nghèo mà luôn ảo tưởng, luôn tự phong là con nhà giàu có.
Chị Trần Thị Ngọc ngụ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết gia đình mình ở trọ nên con gái rất tự ti không dám dắt bạn bè về nhà. Tháng 4 vừa rồi sinh nhật con gái 16 tuổi, muốn con vui nên chị định tổ chức sinh nhật nhưng con gái không chịu. Con gái nói: “Con không muốn tổ chức sinh nhật ở nhà, vì con không muốn bạn bè biết mình là đứa ở trọ. Mẹ mượn đỡ cho con ít tiền để con tổ chức sinh nhật ở quán mời bạn bè đến dự”. Chị Ngọc cho biết mình phải bấm bụng gom tiền và mượn đỡ người quen 3 triệu đồng cho con tổ chức sinh nhật bên ngoài đãi bạn bè.
Hãy tự hào những gì mình có
Theo chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện này là do giới trẻ phần lớn chưa được học, cũng như chưa được dạy những giá trị quan trọng của bản thân để xây dựng hình tượng trong mắt người khác. “Đánh giá về nhân cách không phải nhắm vào hoàn cảnh, mà là cách bạn đã sống với hoàn cảnh đó như thế nào. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Cái sạch, cái thơm đó mới là điều người khác trân trọng bạn. Và một nguyên nhân nữa chính là chữ sĩ còn quá nặng”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, hiện nay giới trẻ có thói quen bị tập trung bởi những điểm yếu, thất bại, sai lầm, thiệt thòi... của bản thân. “Các bạn trẻ nên hiểu, trong cuộc sống này không thể thay đổi nhiều thứ, như xuất xứ bạn ra đời, nơi bạn sinh ra… Vấn đề là nên nhìn nhận về điều đó như thế nào. Thật ra giữa tự ti và tự hào chỉ là do góc nhìn của mỗi người mà thôi”, ông Dương chia sẻ.
Ông Dương cũng cho rằng không thể nào che đậy mãi mãi sự thật. Che giấu sẽ dễ biến thành những lời nói dối và bản thân người che giấu sẽ trở nên dối trá. Khi bị phát hiện sẽ có hậu quả xấu khi đánh giá con người. “Hầu như những người thành công có quá khứ hoàn cảnh khó khăn đều nói về điều đó một cách tự hào, như một động lực để họ thành công. Người trẻ hãy học hỏi ở những tấm gương thành đạt ấy. Chứ cứ sống hoài cùng những vai diễn, có thể quên mất con người thật của mình”, ông Dương nhắn nhủ. 
BÌNH LUẬN
“Chẳng hiểu nhiều người nghĩ gì mà cứ phóng đại về bản thân. Nghèo nói nghèo, khổ nói khổ. Có gì nói nấy, sống dối với chính mình làm chi cho khổ vậy!”.
Ngọc Quý
(sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
“Nhiều người sai lầm khi nghĩ sống thật với gia cảnh nghèo khó là xấu hổ. Nhưng thật ra, sống không là chính mình mới là đáng xấu hổ”.
Minh Hiền
(sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM).

“Xấu hổ với hoàn cảnh gia đình, xấu hổ vì ba mẹ nghèo khó là bất hiếu”.
Quốc Đạt
(sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.