Hé lộ “mảng tối” ở bệnh viện công: Dấu hiệu tiếp tay và bao che sai phạm

23/04/2010 00:01 GMT+7

Những sai phạm trong đấu thầu mua thuốc ở Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM) cho thấy dư luận lâu nay về việc “BV tổ chức đấu thầu thuốc chỉ là hình thức, thực tế công ty nào biết “đi đêm” với BV thì sẽ trúng thầu?!” là có cơ sở.

Ba không vẫn trúng thầu!

Trong năm 2009, tại BV Nhân dân 115 (TP.HCM) có 112 nhà thầu (công ty cung cấp thuốc) tham gia mua hồ sơ, trong đó 94 nhà thầu nộp hồ sơ. Sơ tuyển, có 66 nhà thầu bị loại, còn lại 28 nhà thầu tham gia đấu thầu. Kết quả có 20 nhà thầu trúng thầu. Mặc dù BV cũng tổ chức dự thầu, mời thầu, đấu thầu công khai (theo quy định), nhưng qua thanh tra cho thấy việc BV tổ chức đấu thầu mua thuốc là... để cho có, cho ra vẻ minh bạch. Bởi có hai công ty cùng không đủ tiêu chuẩn (về hồ sơ tham gia dự thầu) giống nhau, nhưng một công ty bị loại, còn một công ty thì lại trúng thầu (cụ thể, công ty bị loại là U.C, công ty trúng thầu là H.Đ). Thực tế này chứng tỏ chuyện giới y, bác sĩ hay bàn tán lâu nay rằng “chuyện BV tổ chức đấu thầu thuốc chỉ là hình thức, thực tế công ty nào biết “đi đêm” với BV thì sẽ trúng thầu?!” là có cơ sở.

Liên quan đến việc các khoa điều trị buộc bệnh nhân điều trị nội trú phải mua thuốc của nhà thuốc BV thì mới được chấp nhận điều trị (Thanh Niên đã thông tin), một nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết: y, bác sĩ của 7 khoa thuộc BV Nhân dân 115 đã xác nhận với đoàn thanh tra đây là chủ trương của ban giám đốc BV từ cuối năm 2008 (thời điểm BV có giám đốc mới)...

Một chi tiết đáng nói nữa là cuộc tiền mở thầu cũng có sự hiện diện của một phó giám đốc phụ trách về dược của Sở Y tế TP, rồi BV cũng đưa ra yêu cầu các công ty tham gia đấu thầu phải có kho đạt chuẩn GSP (kho bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc) là điều kiện tiên quyết để các công ty trúng thầu. Thế nhưng, qua thanh tra các công ty trúng thầu, đoàn phát hiện có rất nhiều công ty không có kho bảo quản theo quy định như Công ty TNHH dược phẩm K.Đ, TNHH K.C, TNHH DP Q.T, TNHH DP và TBYT H.Đ, TNHH DP T.S, TNHH DP H.H, TNHH DP N.A! Phải chăng, BV đưa ra tiêu chí “phải có kho đạt chuẩn GSP” là nhằm buộc các công ty không có tiêu chuẩn này, nhưng không “thân”  với BV tự động rút lui (?!).

Thanh tra đã thử kiểm tra hồ sơ của một trong số các công ty trúng thầu nói trên là Công ty TNHH DP K.Đ, thấy công ty này dự thầu 15 mặt hàng, dù chưa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP - không nộp trong hồ sơ dự thầu), không có biên bản kiểm tra hồ sơ pháp lý kỹ thuật của công ty... nhưng trên bảng điểm kỹ thuật vẫn được BV chấm 5 điểm cho tất cả các mặt hàng do công ty dự thầu.

Với gói thầu số 3, hình thức đấu thầu rộng rãi, nhưng BV phê duyệt luôn kết quả chỉ định thầu! Một chi tiết trái khoáy khác là ở gói thầu thuốc generic (biệt dược gốc), BV đưa ra tiêu chí đấu thầu với các biệt dược có hàm lượng Paracetamol - Dextropoxyphen là 500 mg - 30 mg, nhưng thực tế trên thị trường không có hàm lượng này mà chỉ có hàm lượng Paracetamol - Dextropoxyphen là 400 mg - 30 mg! Do vậy, không lựa chọn được nhà thầu!

Đối chiếu kết quả thầu và thực tế cho thấy, có tình trạng một số thuốc sử dụng ít nhưng BV Nhân dân 115 lại cho mua nhiều; có mặt hàng còn tồn nhưng BV lại đề xuất với cấp trên để mua thêm... Dư luận cho rằng, việc nâng số lượng là nhằm buộc các công ty trúng thầu phải "tài trợ" này nọ (vì thấy số lượng thuốc BV mua nhiều). Qua kiểm tra ngẫu nhiên 63 mặt hàng của 10 công ty, thì có 26 mặt hàng sử dụng với tỷ lệ nhỏ hơn 50% so với số lượng trúng thầu; 11 mặt hàng không sử dụng, nhưng trong đó vẫn có 3 mặt hàng BV xin tăng thêm số lượng. Điều đáng nói, một số mặt hàng này đã được người có trách nhiệm về lĩnh vực dược của Sở Y tế duyệt cho mua!

Nhà thuốc hết hạn giấy phép vẫn đạt... GPP

Đối với các nhà thuốc nói chung, đặc biệt là nhà thuốc tư nhân bên ngoài, để được xét duyệt cấp chứng nhận đạt chuẩn GPP (thực hành nhà thuốc tốt) thì rất khó khăn. Thế nhưng, với nhà thuốc BV Nhân dân 115 thì việc xét duyệt đạt chuẩn GPP rất dễ dàng. Cụ thể, tại BV này có đến 3 nhà thuốc, nhưng chỉ duy nhất dược sĩ Đ.M.P đứng tên, trong khi quy định hiện hành một dược sĩ chỉ được đứng tên 1 nhà thuốc. Trong số 3 nhà thuốc BV, có đến 2 nhà thuốc (số 2 và số 3) không đáp ứng các điều kiện về bảo quản thuốc, vậy mà cũng được gọi là GPP.

Chưa hết, thanh tra còn phát hiện chứng chỉ hành nghề dược của nhà thuốc BV đã hết hạn đến nửa năm (nếu là nhà thuốc bên ngoài sẽ bị xem là hoạt động trái phép). Ấy vậy mà nhà thuốc BV Nhân dân 115 vẫn hoạt động, với doanh thu trong năm 2009 là hơn 113 tỉ đồng.    

Thực tế trên khiến nhiều người đặt vấn đề: phải chăng có sự hậu thuẫn, làm ngơ từ bộ phận phụ trách quản lý, cấp phép về dược của Sở Y tế đối với những sai phạm của BV Nhân dân 115?

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.