Hi hữu tay đua 2 lần áo vàng Cúp truyền hình với 2 tên khác nhau

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
11/05/2020 18:36 GMT+7

Lịch sử 31 năm Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM ghi nhận trường hợp hi hữu có 1 tay đua 2 lần đoạt áo vàng chung cuộc danh giá nhưng với 2 tên khác nhau: Nguyễn Hữu Đức (áo vàng năm 2000), Nguyễn Văn Đức (áo vàng năm 2008).

Xe đạp An Giang từng sản sinh ra những cặp anh em đầy tài năng như Ngô Quốc Dũng-Ngô Quốc Tiến sau đó đến Nguyễn Hữu Đức-Nguyễn Hữu Hiền một thời khuynh đảo đường đua trong nước. Trong đó Nguyễn Hữu Đức (sau đổi tên thành Nguyễn Văn Đức) nổi bật hơn cả với cú đúp áo vàng chung cuộc Cúp truyền hình TP.HCM, 3 lần đoạt áo vàng chung cuộc giải xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long, “ăn cơm tuyển” từ năm 1997 đến 2003 nhưng rồi giải nghệ về làm thợ cơ khí.

Nguyễn Văn Đức (phải) cùng Trịnh Phát đạt một thời trên đường đua

NVCC

Mãnh hổ trên đường đua

Nhắc đến bạn đua cùng thời Nguyễn Hữu Đức, cựu số 1 xe đạp Việt Nam Mai Công Hiếu nhận định đó là tay đua mạnh hàng đầu Việt Nam, đặc biệt giỏi leo đèo. Trong khi đó nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT An Giang Âu Xuân Đôn đặc biệt ấn tượng ở Nguyễn Hữu Đức ở sức chịu đựng, tinh thần thi đấu ngoan cường. “Với đua xe đạp nếu không có tinh thần thép, ý chí quyết tâm cao rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Nguyễn Văn Đức hơn nhiều tay đua khác ở điểm này”, ông Âu Xuân Đôn nói.

Nguyễn Văn Đức một thời lừng danh trong màu áo BVTV An Giang

NVCC

Vì thế cùng thời với rất nhiều tay đua mạnh như Trương Quốc Thắng, Mai Công Hiếu, Nguyễn Nam Cực, Trịnh Phát Đạt nhưng Nguyễn Hữu Đức vẫn không ngán ngại. “Thời đó Trương Quốc Thắng rất mạnh, tôi chỉ ngại mỗi tay đua này còn lại các đối thủ khác đều chơi được”, Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Nguyễn Văn Đức với chiếc áo vàng chung cuộc Cúp truyền hình năm 2008 k

Dư Hải

“Mãnh hổ” Nguyễn Hữu Đức gầm vang ở Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM xuyên Việt năm 2000. Khi đó Nguyễn Hữu Đức 23 tuổi chiếm được áo vàng của của tay đua nổi tiếng Nguyễn Văn Hiệp (Cảng Sài Gòn) ở chặng Quảng Ngãi về Quy Nhơn rồi bảo vệ thành công về tới TP.HCM. Đến Cúp truyền hình TP.HCM năm 2008, khi đã 31 tuổi, Nguyễn Hữu Đức với tên mới Nguyễn Văn Đức vẫn sung sức, đoạt áo vàng của Trần Văn Ngọc Ẩn (Bình Dương) ở chặng đèo Phan Rang-Đà Lạt rồi bảo vệ thành công đến chung cuộc.

Nguyễn Văn Đức (trái) cùng nhà vô địch châu Á năm 2000 Trương Quốc Thắng

VN Cycling

“Trả lại tên cho em”

Trò chuyện với PV Thanh Niên hôm nay, Nguyễn Văn Đức lý giải việc đổi tên như sau: “Năm 2006, khi làm hộ chiếu để thi đấu Cúp truyền hình TP.HCM đua sang Lào, tôi mới biết trong giấy khai sinh mình mang tên Nguyễn Văn Đức. Vậy mà từ trước đến nay đi học tôi, đi thi đấu tôi dùng tên Nguyễn Hữu Đức chưa đúng với giấy khai sinh nên phải đổi lại cho chính xác”.

Nguyễn Văn Đức (ngoài cùng bên phải) thời lên tuyển xe đạp quốc gia

NVCC

Việc Nguyễn Hữu Đức được “trả lại tên cho em”, trở lại với tên Nguyễn Văn Đức là vậy nhưng cũng khiến làng xe đạp lời ra tiếng vào, không ít người nói anh khai gian để kiếm thành tích ở giải trẻ. Văn Đức bỏ ngoài tai bởi không ai nói trước mặt mà có thể do ganh ghét chứ đẳng cấp của anh ra sao trên đường đua mọi người đã biết.

Những kỷ vật áo, cúp của Nguyễn Văn Đức

NVCC

Ngoài 2 chiếc áo vàng chung cuộc danh giá Cúp truyền hình, tay đua có biệt danh Đức “gù” còn 3 lần đoạt áo vàng chung cuộc giải xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long các năm 1997, 2000, 2003. Trong đó năm 2003 anh có màn trình diễn hết sức ấn tượng ở chặng Cà Mau-Sóc Trăng dài 120 km, vừa xuất phát đã tấn công thoát đi 1 mình về đích lấy luôn áo vàng.

Nguyễn Văn Đức làm việc tại xưởng cơ khí gia đình

NVCC

Treo yên nối nghiệp cơ khí gia đình

Sau chiến tích áo vàng Cúp truyền hình năm 2008 đúng dịp kỷ niệm 20 năm của giải, Nguyễn Văn Đức thi đấu đến năm 2010 rồi chính thức treo yên. Cũng khát khao theo đuổi nghiệp xe đạp bằng việc trở thành HLV hòng truyền đạt kinh nghiệm cho các đàn em nhưng Văn Đức ngày càng thấy sự bạc bẽo của nghề nên chủ động dừng lại.

Nguyễn Văn Đức hạnh phúc với hai cô công chúa nhỏ

NVCC

Treo ngay ngắn những chiếc áo vàng đoạt được trong sự nghiệp vào tủ kính trong nhà xem đó như là kỷ vật của một thời vàng son, Văn Đức theo cha học nghề cơ khí ngay tại quê nhà Long Xuyên (An Giang). Đây là cái nghề mà cha mưu sinh, nuôi sống gia đình bao năm qua. Chơi xe đạp dãi nắng dầm mưa gian khổ nên về làm cơ khí cũng không quá khó với Văn Đức. Thấy cảnh không ít VĐV giải nghệ ra phải chật vật trong cuộc sống, Văn Đức càng thêm nỗ lực, yêu lấy cái nghề truyền thống gia đình. Công việc ổn định, anh lấy vợ 6 năm qua, sinh được 2 cô công chúa dễ thương. “Chớp mắt đã 10 năm rời đường đua, thú thiệt tôi vẫn nhớ không khí đua xe lắm”, Văn Đức thổ lộ.

 

Nỗ lực đáng khen của Ban tổ chức Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM

Hôm nay tại Đài truyền hình TP.HCM (HTV) diễn ra lễ công bố Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM lần thứ 32 năm 2020. Trước ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ sự chủ động trong kế hoạch, Ban tổ chức Cúp truyền hình TP.HCM triển khai ngay khi dịch bệnh vừa được kiểm soát tốt và là giải thể thao đỉnh cao đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam sau dịch bệnh. Theo đó giải khởi tranh ngày 19.5 tại Nghệ An và kết thúc ngày 7.6 tại TP.HCM. 84 tay đua của 12 đội trong nước tranh tài 12 chặng đua với tổng lộ trình 2.183 km. Gặp khó khăn về tài trợ nhưng Ban tổ chức cũng gia tăng giải thưởng so với năm ngoái với 200 triệu đồng cho danh hiệu áo vàng chung cuộc. Tất cả các chặng đua đều được trực tiếp trên HTV.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.