Người ta không ngạc nhiên khi biết rằng có những vị lãnh đạo ở một số thành phố, cố nắn làm sao cho con đường đừng xuyên qua nhà mình để khỏi phải di dời, bất chấp con đường cong quẹo thế nào; người ta cũng không ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều “dự án ma” mà các vị lãnh đạo vẽ ra để lấy đất của dân rồi tự cấp cho mình; người dân cũng không cảm thấy bất ngờ khi biết ông cán bộ X, bà cán bộ Y xà xẻo công quỹ hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng… Vì vậy, việc hiến 200 m2 đất có giá trị rất lớn so với đời sống thực tế của ông Bút trên đây đã thành chuyện hiếm. Càng hiếm hơn khi biết rằng, ông là người lãnh đạo cao nhất trong xã, một xã toàn người Hrê, ông cũng là người Hrê. Một vùng quê nghèo nhất của một huyện nghèo nhất, trình độ dân trí thấp nhất lại xuất hiện một con người giàu nhất về sự hào hiệp, hết lòng vì cộng đồng như thế, thật không có từ ngữ tốt đẹp nào để diễn tả hết.
Địa danh Ba Điền đã nóng lên từ hơn một năm qua với căn bệnh quái quỷ mà cho đến nay, để gọi đích danh căn bệnh ấy thì ngành y tế cũng phải bó tay. Định danh duy nhất để chỉ căn bệnh ấy là “bệnh lạ”. Hàng trăm người đã mắc bệnh, hàng chục người đã tử vong. Bộ Y tế đã loay hoay trong việc dập dịch bằng đủ các loại phương tiện y tế hiện đại nhưng cái chết vì căn bệnh này vẫn cứ rình rập người dân Ba Điền.
Để chữa căn bệnh này, người bệnh đã phải di chuyển hàng trăm cây số về Quảng Ngãi hoặc vô Quy Nhơn trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Cần phải có các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị y tế để “dập dịch tại chỗ”! Đó là lời khẩn cầu từng vang lên trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào Hrê nơi này. Một trong những “điều kiện” đó là phải có trạm y tế xã. Ba Điền là xã miền núi, tìm được mặt bằng khả dĩ để xây trạm y tế là rất khó khăn. Trong lúc ngành y tế và huyện Ba Tơ chưa tìm ra lời giải cho mặt bằng ấy thì ông Bút, không một chút đắn đo, hiến luôn 200 m2 đất vườn nhà mình.
Nếu nói lãnh đạo phải là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân thì vị bí thư kiêm chủ tịch xã ấy là một “đầy tớ” nghĩa hiệp, một “công bộc” tận tụy hết lòng vì “ông chủ” là nhân dân xã mình. Căn “bệnh lạ” ở Ba Điền chưa chắc sẽ được dập tắt hoàn toàn nhờ vào “mặt bằng” của ông Bút để xây trạm y tế xã, nhưng nghĩa cử của người lãnh đạo ấy ít ra cũng an ủi người dân phần nào. Đó là một hành động xả kỷ rất “lạ” trong thời buổi hiện nay. Ông Bút xứng đáng làm hậu duệ của các bậc cách mạng tiền bối ở Ba Tơ - nơi ra đời đội quân du kích lừng danh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cánh mạng tháng Tám ở miền Trung từ 67 năm trước.
Trần Đăng
Bình luận (0)