'Hiệp sĩ' bị bó buộc?

15/10/2019 06:39 GMT+7

Liên quan đến việc 'hiệp sĩ' Nguyễn Thanh Hải xin ra khỏi Câu lạc bộ phòng chống tội phạm P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét thay đổi “tầm hoạt động” của các câu lạc bộ.

 Tuy nhiên, 'hiệp sĩ' cũng cần giữ vững nguyên tắc tuân thủ pháp luật, không hành động tùy tiện.
Theo quy chế hoạt động của UBND tỉnh Bình Dương: “Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động, các hội viên phải báo ngay cho Ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền tổ chức phối hợp và thông báo cho CLB khác ở địa bàn đó tham gia”.

Tâm sự của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải khi rời CLB phòng chống tội phạm

Để tội phạm chạy vì sợ vi phạm “quy chế”

Liên quan đến quy định này, một “hiệp sĩ” đang làm việc trong CLB phòng chống tội phạm ở một phường trên địa bàn Bình Dương cho biết: “Thực sự chúng tôi bị bó buộc trong quy định về địa bàn hoạt động. Nếu thay đổi được thì sẽ phát huy hiệu quả hơn việc đeo bám, truy bắt tội phạm. Chúng tôi nhiều lần theo dấu vết của tội phạm đến một địa bàn khác, nhưng khi chờ lực lượng ở địa bàn đó ra phối hợp không được nên chúng tôi đành bỏ về”.
Thực sự chúng tôi bị bó buộc trong quy định về địa bàn hoạt động. Nếu thay đổi được thì sẽ phát huy hiệu quả hơn việc đeo bám, truy bắt tội phạm
Một “hiệp sĩ” trên địa bàn Bình Dương
Theo 'hiệp sĩ' này, cách đây không lâu nhóm của anh đã theo dõi, phát hiện được một chiếc xe SH có gắn định vị bị mất trộm ở tỉnh Bình Phước. Sau khi theo dõi định vị và đeo bám theo nghi can chạy xe SH đến một tiệm sửa xe máy trên địa bàn Bình Dương (giáp ranh với TP.HCM), các 'hiệp sĩ' thông báo cho lực lượng chức năng ở địa phương này đến phối hợp để bắt giữ kẻ trộm. Tuy nhiên, do chậm trễ, kẻ trộm đã tháo định vị vứt lại rồi chạy thoát về TP.HCM. “Nghi can vứt thiết bị định vị ngay trước mặt chúng tôi rồi chạy thoát. Tức mà không làm gì được!”, 'hiệp sĩ' này bức xúc.

Cần phương pháp quản lý phù hợp

Trả lời Thanh Niên, một cán bộ hiện đang công tác ở tỉnh Bình Dương, cho rằng tiền thân của các CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương hiện nay (bao gồm cả CLB phòng chống tội phạm Phú Hòa), đều xuất phát từ hoạt động tự phát của một số cá nhân, trong đó có 'hiệp sĩ' Nguyễn Thanh Hải.

'Hiệp sĩ' không được kiểm tra hành chính, người có dấu hiệu phạm tội; không được tự tiện xông vào nhà người khác để kiểm tra tang vật; bắt người chưa có rõ ràng hành vi phạm tội

Ông Trần Văn Hoàng (nhóm hiệp sĩ Q.Tân Bình, TP.HCM)

Trước đây, các cá nhân này hoạt động không bị bó buộc bởi địa bàn; đi đường gặp cướp giật thì đuổi bắt và hoạt động khá hiệu quả. Nhận thấy các cá nhân này hoạt động hiệu quả, tốt cho phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng lại mang tính tự phát nên ngành công an mới đề xuất thành lập các CLB phòng chống tội phạm như hiện nay để dễ quản lý. Việc quản lý còn phòng ngừa những tiêu cực trong hoạt động truy bắt tội phạm.

Nguyên trưởng công an phường Phú Hòa ở Bình Dương nói về “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải đã có nhiều thành tích và đã vượt quá phạm vi ở một xã, phường, do vậy cũng cần phải có phương pháp quản lý, quy chế mới, phù hợp hơn. “Nên chăng cho thành lập theo dạng tổ, hội tự nguyện để các “hiệp sĩ” phát huy hơn vai trò nòng cốt, tích cực của mình”, vị cán bộ này nói.

Không thể tự tiện hành động

Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Hoàng (nhóm hiệp sĩ Q.Tân Bình, TP.HCM), 'hiệp sĩ' là mô hình tự phát trong cuộc sống; những người tham gia nhóm 'hiệp sĩ' trên tinh thần tự nguyện và muốn góp ít công sức vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 'Hiệp sĩ' cũng là người dân như bao người dân khác nên sống, làm việc phải tuân thủ theo pháp luật.
Ông Hoàng nói quy định về 'hiệp sĩ' phường nào hoạt động trong địa bàn phường đó không đúng với tính chất công việc của 'hiệp sĩ'. Theo ông Hoàng, để linh hoạt giải quyết vấn đề này, các lãnh đạo địa phương, người đứng đầu các CLB 'hiệp sĩ' phải ngồi lại để đưa ra những quy chế hoạt động chung. Để từ đó các đội 'hiệp sĩ' chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công tác đấu tranh với tội phạm. Khi theo dõi nghi phạm mà nghi phạm đó di chuyển từ địa phương này qua địa phương khác và phát hiện người khả nghi phạm tội, 'hiệp sĩ' bắt quả tang và bàn giao ngay công an địa phương (nơi xảy ra vụ trộm, cướp) để xử lý; hướng dẫn các nạn nhân về công an địa phương để trình báo.
'Hiệp sĩ' không được kiểm tra hành chính, người có dấu hiệu phạm tội; không được tự tiện xông vào nhà người khác để kiểm tra tang vật; bắt người chưa có rõ ràng hành vi phạm tội”, ông Hoàng nói và chia sẻ thêm trong trường hợp đội 'hiệp sĩ' nhận được thông tin của người dân từ địa bàn khác nhờ hỗ trợ thì phải thông tin cho nhóm 'hiệp sĩ' tại địa phương đó hoặc công an để phối hợp tác chiến, chứ không được tự tiện hành động. 
Liên quan quy chế hoạt động và việc 'hiệp sĩ' Nguyễn Thanh Hải xin rời khỏi CLB, sáng 14.10, PV Thanh Niên tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương để tìm hiểu thêm theo lịch hẹn từ ngày 13.10.
Khi PV đến Công an tỉnh thì được hướng dẫn liên hệ qua phòng tham mưu để làm các thủ tục đề xuất trả lời. Tuy nhiên, khi liên hệ PV được hướng dẫn gửi trước câu hỏi để xem, sau đó gửi bằng văn bản chính thức để có cơ sở làm “đề xuất trả lời” chuyển cho lãnh đạo Công an tỉnh.
Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.