Hiểu đúng về kháng thể Covid-19

Thanh Lương
Thanh Lương
26/05/2021 04:10 GMT+7

Các chuyên gia cho hay có ít nhất 3 con đường dẫn đến việc hình thành kháng thể chống lại SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19 ): chủng ngừa, từng nhiễm vi rút rồi khỏi bệnh, di truyền từ mẹ sang con.

Con đường hình thành

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể, nhằm nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân xâm nhập, chẳng hạn vi khuẩn hoặc vi rút, theo Trung tâm nghiên cứu y khoa Mayo Clinic (Mỹ).
Đến nay, giới chuyên gia ghi nhận có ít nhất 3 con đường dẫn đến việc hình thành kháng thể chống lại SARS-CoV-2 ở một người, bao gồm: chủng ngừa, từng nhiễm vi rút rồi khỏi bệnh, và di truyền từ mẹ sang con.
Cụ thể, ở những người từng nhiễm Covid-19 và được chữa khỏi, hay người đã được chủng ngừa lần đầu tiên, sau 3 - 4 tuần, hệ miễn dịch của họ hình thành kháng thể. Lúc này, về cơ bản nhóm người trên được an toàn trước sự tấn công của mầm bệnh.
Truyền thông quốc tế cũng đưa tin đến nay ở Mỹ, Tây Ban Nha… đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ sơ sinh có kháng thể chống lại SARS-CoV-2 từ người mẹ được chủng ngừa Covid-19 trong giai đoạn thai kỳ. Đặc biệt, ở Singapore còn ghi nhận trường hợp một thai phụ mắc Covid-19 rồi phục hồi cũng truyền kháng thể cho em bé được sinh ra sau đó.

Người mang kháng thể tự nhiên có cần chủng ngừa?

Như vậy, những người đã hồi phục sau thời gian mắc Covid-19 hay trẻ sơ sinh được di truyền từ mẹ đã chủng ngừa hoặc đã hồi phục đều đã mang kháng thể tự nhiên được bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh.
Tuy nhiên, khả năng bảo vệ này sẽ kéo dài bao lâu, liệu người đã mang sẵn kháng thể tự nhiên có cần phải tiếp tục chủng ngừa?
Hiện các thông tin nghiên cứu ban đầu đều cho biết “lá chắn” này có thể không kéo dài mãi mãi. Tháng 10.2020, các bác sĩ ở Trung Quốc công bố một báo cáo cho thấy mức kháng thể ở nhóm trẻ em nói trên sẽ suy giảm theo thời gian. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tình trạng này có thể diễn ra tương tự ở người lớn đang mang kháng thể từ lần đầu mắc Covid-19.
Trong bài viết đăng trên chuyên trang The Conversation hôm 25.3, tiến sĩ Jennifer T.Grier, chuyên gia miễn dịch học của Đại học South Carolina (Mỹ), đánh giá: Khả năng miễn dịch của một người sau khi nhiễm bệnh là rất khó tiên liệu. Hiệu quả miễn dịch đến từ khả năng ghi nhớ của hệ thống miễn dịch khi bị nhiễm trùng. Loại “trí nhớ miễn dịch” này sẽ giúp cơ thể biết cách chiến đấu khi gặp lại bệnh. Tuy nhiên, chúng không giống nhau và phụ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh cũng như cơ địa từng người.
Bà Grier cho hay giới nghiên cứu đã ghi nhận có đến 91% người từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh có thể phát triển kháng thể. Tuy nhiên, kháng thể được tạo ra ở những ca mắc nhẹ sẽ ít hơn những người mắc bệnh nặng hơn. Do đó, đối với một số người, khả năng miễn dịch tự nhiên có thể mạnh mẽ và lâu dài, với một số khác thì không.
Nhóm khoa học gia thuộc Đại học Yokohama (Nhật Bản) gần đây công bố một kết quả nghiên cứu khẳng định những người mắc Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ không thể kích hoạt phản ứng kháng thể mạnh mẽ như những người từng nhiễm nặng, theo tạp chí Nikkei Asia ngày 22.5.
Hơn nữa, các chuyên gia Nhật cũng cho biết kháng thể tự nhiên chống lại SARS-CoV-2 có thể sẽ suy yếu sau 6 - 12 tháng. Do đó, những người nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu của đại dịch, đặc biệt là những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, vẫn cần được tiêm phòng để giảm nguy cơ tái nhiễm.
Trên trang The Conversation, tiến sĩ Grier cũng nhấn mạnh sức mạnh và thời gian bảo vệ của kháng thể tự nhiên đối với những người từng mắc Covid-19 là rất khó đoán trước. Có tới 5% số người trong nhóm này có thể mất khả năng miễn dịch chỉ trong vòng vài tháng. Nếu hệ thống miễn dịch không được củng cố sau đó (chẳng hạn thông qua tiêm chủng), họ hoàn toàn có nguy cơ tái nhiễm.
Tiến sĩ Grier lưu ý: “9% số người từng mắc Covid-19 không thể tìm thấy kháng thể sau đó. Do vậy, việc mở rộng tiêm chủng cho cả đối tượng này là cần thiết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.