Hiệu quả đồng vốn

04/10/2012 03:15 GMT+7

Trong khi hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang khát vốn, những gói hỗ trợ thuế, lãi suất hết sức khiêm tốn, việc nâng thu nhập của người lao động cũng được cân nhắc kỹ lưỡng thì việc đứng ra trả nợ một số tiền thua lỗ rất lớn cho các công ty xi măng được dư luận quan tâm.

Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào chuyện đầu tư tay trái của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhưng nếu Bộ Tài chính không đứng ra bảo lãnh vay vốn, liệu "tay trái" của họ có vươn dài, vươn xa được như vậy? Rồi việc nhiều công ty không đáp ứng quy định phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở, vẫn được bảo lãnh vay vốn đầu tư là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập trong nợ nần. Có thể thấy, chính việc vay vốn quá dễ dàng đã tiếp tay để các tập đoàn, các công ty đổ xô vào đầu tư nhà máy xi măng và để lại hệ quả như ngày hôm nay.

Theo nguyên lý, khi ký bảo lãnh vay vốn, bên bảo lãnh sẽ phải tính đến hiệu quả của dự án, của người vay để biết được khả năng trả nợ của họ. Điều quan trọng nhất là cân đối cung cầu, nghĩa là phải nhìn thấy đầu ra cho sản phẩm, thì mới đứng ra bảo lãnh vay vốn. Nhưng có vẻ như yếu tố này bị xem nhẹ. Bởi tình trạng "phổ cập" nhà máy xi măng trong khi thị trường tiêu thụ còn yếu đã được cảnh báo nhiều năm nay.

Cụ thể, theo công suất đã công bố, trong năm 2012, tổng công suất của các nhà máy sản xuất xi măng của VN lên đến 77 triệu tấn, thừa khoảng 20 triệu tấn so với mức tiêu thụ chỉ vào 45-50 triệu tấn. Nếu so với công suất thực tế chạy máy, từ 60 -70% của các doanh nghiệp sản xuất hiện tại, nguồn cung xi măng cũng thừa 6-8 triệu tấn, khả năng xuất khẩu lại cũng rất thấp. Vậy khi ký bảo lãnh vốn vay lên tới gần 1,4 tỉ USD cho 16 dự án (tính đến cuối năm 2011), Bộ Tài chính có tính kỹ về đầu ra, cung - cầu thị trường?

Trong khi trước đó chưa lâu, chuyện ồ ạt đầu tư sản xuất thép dẫn đến nhiều hệ lụy đã được coi như một lời cảnh báo. Ngoài những dự án đã được công bố, còn bao nhiêu dự án được bảo lãnh vay vốn đã, đang và sẽ rơi vào tình trạng này?

Tiền được tính từ đâu để trả nợ thay cho các công ty này, trước mắt là lãi, sau đó chắc chắn là gốc? Không thể nói chung chung là "đổ nợ cho ngân sách" bởi đó là tiền thuế của dân. Đã là tiền thuế của dân nên cần làm rõ trách nhiệm  liên quan đến việc này. Bởi lẽ, một dự án từ khi đề xuất, tư vấn, thiết kế... phải được thẩm định rất kỹ qua rất nhiều cấp - ngành. Nếu thấy hiệu quả, mới phê duyệt. Thực tế, các công ty xi măng này, chỉ mới đi vào hoạt động vài tháng, nhiều cũng vài năm... đã thua lỗ, đổ nợ, đối diện với phá sản. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện nay, hiệu quả của đồng vốn luôn phải được đặt lên hàng đầu với sự cẩn trọng cần thiết.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.