Hiểu thế nào về hiện tượng “thần đồng” ?

24/11/2006 00:01 GMT+7

Mặc cho những cặp mắt đổ dồn vào mình, đứa trẻ có khả năng đặc biệt, một cậu bé xinh xắn, có đôi mắt tròn to, vừa nhảy trong lòng bà, vừa hồn nhiên đọc to tờ báo Khoa học và Đời sống bằng cái giọng ngọng nghịu thơ trẻ nhưng khá rành rọt, khiến tất cả mọi người đều bật cười...

Hai trong số 3 "thần đồng" ở Hà Nội được Báo Khoa học và Đời sống "phát hiện" được thời gian gần đây là cháu Lê Bá Hoàng Việt, 33 tháng tuổi và cháu Trần Như Tùng, 7 tuổi đã đến dự buổi tọa đàm ngày hôm qua 23.11. Lê Bá Hoàng Việt là một bé trai rất đáng yêu, cháu sinh ngày 17.2.2004. Bố cháu là bác sĩ, còn mẹ công tác tại Viettel Mobil. Bố mẹ bận, bé Việt được giao cho bà nội chăm sóc.

Tròn 20 tháng tuổi, Việt đã bộc lộ khả năng biết nhận dạng mặt chữ và các con số. Đến bây giờ thì Việt có khả năng đọc được khá trôi chảy các tài liệu, văn bản mà người lớn đưa cho cháu đọc. Theo bố bé Việt thì Việt có trí nhớ rất tốt. Có những chương trình vô tuyến, cháu nhớ người ngồi ở các vị trí, lần sau xem lại chương trình đó cháu chỉ đúng đâu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... Tại buổi tọa đàm, có lẽ thích được mọi người chú ý đến mình, cậu bé điệu nghệ cầm micro đọc ngọng nghịu tên cuộc tọa đàm, tuy nhiên chỉ đọc được vài chữ. Những từ phát âm khó, bé đọc trệch cả mồm, cái mồm xinh đầy dãi rất ngộ nghĩnh.

Trần Như Tùng là một cậu bé rất hiếu động. Ngồi cạnh mẹ mà bé vẫn luôn chân luôn tay. Một lần chị Trần Thúy Lan - mẹ bé Tùng đang đọc báo, chị hết sức bất ngờ khi  thấy con trai cũng ngồi đọc mặt bên kia tờ báo. Khi ấy Tùng mới 2 tuổi rưỡi. Lúc đầu bé chỉ đọc được những chữ viết to, sau đó 2, 3 tháng, bé đọc được tất cả các loại chữ, kể cả chữ viết tay thường. Trước đó chị Lan chưa hề đọc truyện cho con nghe. Sở thích của Tùng là thích xem phim hoạt hình và quảng cáo. Theo lời chị Lan, năm Tùng vào lớp 1 do biết đọc sớm nên cháu học rất nhanh. Học toán cũng tương đối nhanh. Tùng là học sinh giỏi của lớp. Sang lớp 2, khả năng cháu vẫn như trước, không tỏ ra đặc biệt nổi trội.

"Thần đồng" thứ ba mà Báo Khoa học và Đời sống "tìm được" là một bé trai 5 tuổi. Cậu bé có khả năng tra từ điển Hán - Việt, đọc được nghĩa từ và vẽ từ đó trên máy tính, nhưng bố mẹ không muốn báo chí tiết lộ danh tính cháu bé.

Trên thực tế, bé Lê Bá Hoàng Việt, Trần Như Tùng và rất nhiều em bé có khả năng biết đọc, biết làm toán sớm đã được báo chí phát hiện. Một đặc điểm chung của những em bé này đều là bé trai. Phân tích về khả năng của những em bé có khả năng đặc biệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho rằng: "Yếu tố môi trường có vai trò rất quan trọng. Ở thời kỳ này, trẻ được làm quen rất sớm với các phương tiện truyền thông như vô tuyến, máy tính. Các chương trình ti vi bao giờ cũng có lời, khi các em xem vô tuyến, các em đã làm cái việc nhận dạng chữ theo nhóm từ. Những nhóm từ này được lặp đi lặp lại. Óc các em đã làm cái việc phân tích: hễ dạng chữ như thế thì đọc như thế này. Có lẽ chúng ta chỉ nên nói: các em bé này có khả năng nhận dạng chữ tốt thì đúng hơn, vì các em đọc chữ một cách máy móc mà không biết ý nghĩa chữ đó là gì".

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải nói thêm: "Chúng ta còn biết đến thuyết "thai giáo", thuyết này cho rằng khi mang thai, người mẹ tư duy mạnh mẽ và đã ảnh hưởng đến thai. Bộ não những đứa trẻ này phát triển hơn những đứa trẻ khác. Ngoài ra có thể có một số nhân tố hóa học trong thực phẩm, dược phẩm có tác dụng kích thích sự phát triển của bộ não. Người mẹ đã dùng khi mang thai, hoặc trẻ dùng trong quá trình được nuôi dưỡng... Đó là những giả thuyết cần phải được tìm hiểu".

Phải thừa nhận những đứa trẻ biết đọc, biết làm toán sớm rất thông minh, nhưng khả năng của các cháu kéo dài được bao lâu phụ thuộc nhiều vào môi trường gia đình và xã hội.

Các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều hy vọng để áp đặt làm khổ các cháu. Thấy các cháu đọc vanh vách đã mừng, các cháu chỉ đọc một cách máy móc nhưng đầu óc không hiểu gì lại là một thói tật nguy hiểm.

Bố mẹ nên cho các cháu đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, hướng dẫn trẻ hiểu những gì cháu đọc. Nên cho các cháu được thử sức toàn diện ở tất cả các lĩnh vực. Sự hiểu biết phiến diện sẽ không thể đem lại một phông văn hóa toàn diện, sâu sắc. Người ta nói ranh giới giữa thần đồng và bệnh tâm thần rất mong manh. Phải tạo cho trẻ một cuộc sống bình thường, với những niềm vui bình thường của con trẻ. PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết - Trường ĐH Sư phạm HN

KS Bùi Duy Tảo đưa ra một thông tin đáng chú ý: Việt Nam đang xúc tiến tham gia tổ chức những người có chỉ số IQ cao (MESA). Hiện đã có 50 nước trên thế giới đứng trong tổ chức này. Vừa qua, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam đã làm trắc nghiệm đối với 220 học sinh ở Hà Nội, Vũng Tàu, hiện đang đưa sang Bỉ chấm theo những quy chuẩn mà MESA quốc tế đưa ra. Thông tin này của KS Bùi Duy Tảo thực sự làm "an lòng" không chỉ các bậc phụ huynh mà cả những người nghiên cứu lâu năm trong ngành giáo dục về hiện tượng "thần đồng".

Từ nhiều năm nay, nhiều nhà giáo dục đã kiên trì đề nghị Bộ GD-ĐT có chính sách phát triển những học sinh có khả năng đặc biệt, ví dụ đề nghị cho những em này được "nhảy" lớp, nếu các em hoàn thành tốt chương trình có thể cho các em tốt nghiệp THPT hoặc thi đại học trước độ tuổi. Tuy nhiên, đã từ lâu Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan hữu quan chưa hề có một công trình nghiên cứu về hiện tượng "thần đồng", cũng như những giai đoạn phát triển tiếp theo của những em bé có khả năng đặc biệt. Chính vì vậy mà trong cả một thời gian dài, những em bé này không hề nhận được một sự quan tâm nào của xã hội.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.