TNO

Hiểu về Cà phê (Kỳ 05): Brazil - Thực Ảo nguồn gốc cà phê

19/12/2012 16:25 GMT+7

Brazil là nước đứng thứ nhất thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê (Việt Nam thứ hai).

Brazil là nước đứng thứ nhất thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê (Việt Nam thứ hai).

Brazil là tên loại cây và gỗ cẩm (brasa= hổ phách) mọc nhiều ở bờ biển dài 7.500 km dọc Đại Tây Dương, rất quý trong công nghệ nhuộm vải từ thế kỉ 16 xuất khẩu sang châu Âu. República Federativa do Brasil là tên chính thức của Cộng hoà liên bang Brazil, nước lớn nhất ở Nam Mĩ Châu tức Châu Mĩ Latin. Tên của quốc gia này chính thức viết là Brasil trong ngôn ngữ chính thức Bồ đào nha, và phát âm là Brazil vì chữ s nằm giữa hai nguyên âm, cho nên thế giới thông dụng viết là Brazil để phát âm không bị sai lạc.

Brazil là quốc gia duy nhất ở Châu Mĩ sử dụng tiếng Bồ Đào Nha, các nước còn lại ở Trung và Nam Châu Mĩ đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha.

Đứng thứ sáu toàn cầu về kinh tế, nông nghiệp Brazil chỉ chiếm 1/10 tổng sản lượng quốc nội, trong đó cốc loại (các loại lúa ngô) chiếm 1/3 diện tích canh tác. Brazil là nước đứng thứ nhất thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê (Việt Nam thứ hai), các đặc sản khác còn có đường mía, bột khoai mì, đậu nành, chuối,...

Thế kỉ 17 Brazil phát triển đường mía xuất khẩu và tăng cường việc mua nô lệ da đen từ châu Phi. Thế kỉ 18. nước này khai thác vàng, lực lượng lao động trông cậy vào người Da đỏ bản địa và lao động da đen thặng dư khi kĩ nghệ đường suy thoái. Khác với Bắc Mĩ với chính sách chinh phục và tận diệt người Da đỏ bản địa và kì thị chủng tộc với người nô lệ da đen, Brazil chung sống và hoà hợp chủng tộc trong hôn nhân nên tạo thành những đa sắc tộc, đa văn hoá đặc sắc hơn. Người Brazil hoà hợp ba giống: Da đỏ, Da đen, và Da trắng để trở thành Da nâu (pardo hoặc moreno trong tiếng Bồ). Người ta ví Da trắng như màu sữa, Da đen như màu càphê nguyên chất, thì Da nâu là màu cà phê sữa.


Lịch sử cây cà phê chuyền tới châu Mĩ Latin là một hành trình
rất kì thú - Ảnh: Café Culture
 

Đất rộng trải qua ba múi giờ, Brazil có khí hậu nhiệt đới giống Việt Nam. Đặc biệt có cây cà phê liên kết giữa Brazil và Việt Nam như hai quốc gia đứng đầu về sản lượng xuất khẩu toàn cầu.

Lịch sử cây cà phê chuyền tới châu Mĩ Latin là một lịch sử rất kì thú. Cà phê đầu tiên được khám phá tại Ethiopia rồi được lái buôn người A rập đưa về Yemen  đầu thế kỉ 12. Cây cà phê phát triển thịnh vượng trong các đồi núi ở đây và cung cấp cho toàn vùng rồi lan khắp thế giới của tín đồ đạo Islam. Cà phê lúc đó được bảo vệ rất kĩ lưỡng, chỉ những hạt càphê được rang hoặc luộc lên mới được xuất khẩu để giữ độc quyền. Đầu thế kỉ 17, Bababudan, một tín đồ Muslim hành hương từ Ấn Độ tới thánh địa Mecca đã lấy trộm được bảy hạt cà phê còn sống, cột vào bụng và  mang về Ấn Độ, trồng ở Miso. Nhờ bảy hạt giống này mà Ấn Độ có cà phê.

Người Hà lan cũng lấy trộm được hạt giống từ hải cảng Mocha, trên Biển Đỏ (vì thế có cà phê Mocha cao cấp lừng danh).  Họ mang về trồng ở thuộc địa là Batavia (Jakarta),và Java (Indonesia). Điều này phá vỡ độc quyền về cà phê nhập sang Châu Âu kéo dài tới 300 năm. Từ Java, người Hà Lan gây giống và gửi tặng một cây con cho viên thị trưởng Amsterdam. Năm 1712 cây này cho hạt và lứa đầu tiên được gửi tới thuộc địa ở Nam Mĩ là Surinam. Những cây con này rất quý báu chỉ làm quà tặng cho các triều đình ở châu Âu. Thị trưởng Amsterdam tặng một cây cho Hoàng đế nước Pháp là Louis XI và cây đó được trồng trong vườn Bách thảo của hoàng gia để du khách thưởng lãm.

Một viên sĩ quan trẻ tuổi ban đêm trèo tường vào ăn trộm được hạt giống của cây này. Ngay sớm hôm sau, anh ta xuống tàu đi sang đảo Martinique. Từ hạt giống này sinh ra mười tám triệu cây trên đảo và hạt giống lại truyền sang Guyane thuộc Pháp. Một trung tá người Brazil thăm viếng vùng Guyane và vì viên thống đốc không chịu cho hạt giống cà phê nên trung tá này tán tỉnh bà vợ của viên thống đốc. Bà vợ giấu cành cây cà phê có hạt trong bó hoa đưa tiễn người tình trung tá và bảy mươi lăm năm sau Brazil thống trị việc xuất khẩu cà phê.

 

Bình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.