Hô biến thành áo thun phao cứu sinh

06/10/2019 08:30 GMT+7

Một chiếc áo thun bình thường trong chốc lát có thể 'biến' thành áo thun phao cứu sinh. Đó là thành quả nghiên cứu hơn 2 năm của nhóm sinh viên tại TP.HCM.

Áo thun phao do nhóm tác giả bao gồm Nguyễn Tiếng Lập, Trịnh Bảo Ngọc (cùng là sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), Nguyễn Phi Phụng (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) và Trần Hòa Bình (sinh viên Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu).
Sản phẩm độc đáo của nhóm cũng vừa xuất sắc giành được giải nhì tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2019” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Trăn trở về nạn đuối nước

Tính ứng dụng và ý nghĩa xã hội rất cao

Trong bối cảnh có quá nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, thêm vào đó thiên tai lũ lụt ngày càng nhiều, thì rõ ràng sản phẩm áo phao của nhóm sinh viên có tác động rất lớn và mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội.
Đây là sản phẩm rất độc đáo, với tư cách là nhà đầu tư, tôi rất thích vì là thành phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học, có tính khoa học và nghiên cứu rất cao.  Hơn nữa lại là sản phẩm của sinh viên nên càng đáng khen ngợi và ấn tượng. Thay vì phần đông chúng ta không thích mặc áo phao hay mặc rất đối phó thì sản phẩm này thay thế sẽ rất tốt. Nên tính ứng dụng của sản phẩm rất cao.    
Nguyễn Quỳnh Anh, thành viên ban giám khảo cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CIC 2019, quản lý Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ
“Mình sinh ra ở Bình Định, lớn lên ở Vũng Tàu, đều có “đặc sản” là biển nhưng mình hoàn toàn không biết bơi. Thay vì sợ những nơi có nước, từ nhỏ mình đã cùng đám bạn thích chơi ở ao, hồ, sông, biển. Và cũng chính sự vô tư trong suy nghĩ của thời trẻ trâu nên rất nhiều lần tụi mình đã phải trả giá vì suýt bị đuối nước. Những lần suýt đối diện với tử thần ấy đã ám ảnh mình đến tận bây giờ”, Lập kể.
Cho đến khi học đại học, lúc được học môn Project Design II, môn học này buộc mỗi cá nhân phải đưa ra những giải pháp cho vấn đề riêng của bản thân và thực tế hóa dự án, thì Lập bắt đầu trăn trở. “Trong thời gian này, mình lại đọc được những bài báo về rất nhiều trường hợp chết đuối của trẻ em, mình thấy hình ảnh của mình và đám bạn trong đó. Từ câu chuyện riêng của bản thân đến vấn đề chung của cuộc sống, mình bắt đầu trăn trở về điều này. Từ đó mình định hướng và phát triển ý tưởng”, Lập cho biết.

Lập và Ngọc cùng chiếc đai phao LIVING

NỮ VƯƠNG

Thế nhưng, việc nghiên cứu và chế tạo ra một sản phẩm mới, vốn không phải là sở trường của những sinh viên chuyên ngành marketing như nhóm của Lập.
“Nhóm lúc đó chỉ có 2 thành viên là mình và Ngọc. Không biết phải làm gì tiếp theo, vì không ngân sách, không lực lượng, tụi mình lúc đó chỉ có ý tưởng, niềm tin và hy vọng. Cố gắng hơn 2 năm, chạy tới chạy lui khắp thành phố, mua từng nguyên vật liệu để về thử nghiệm, khó khăn về nguyên vật liệu, khó khăn về giá cả, rồi sản phẩm lỗi, hết thử chất này đến thử chất kia... Rồi cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với tụi mình khi sản phẩm áo thun phao ra đời”, Lập nhớ lại những tháng ngày đầu vô cùng gian nan.

Sản phẩm độc đáo

Ý tưởng ban đầu là tạo ra một sản phẩm mang đặc thù phao cứu sinh, nhưng nhóm nhận thấy người sử dụng lại chỉ chọn phao trong trường hợp chủ động xuống nước, còn các trường hợp khác thì không.
“Trong trường hợp đi du lịch gần sông, suối, ao, hồ… nhưng họ luôn chỉ nghĩ mình ở trên bờ, không lường trước hoặc không hề suy nghĩ đến việc sẽ rơi xuống nước. Chính vì vậy, họ luôn chủ quan và không bao giờ trang bị phao cứu sinh ngoài những chiếc áo thun đơn thuần họ chọn mặc để đi du lịch. Vì thế, tụi mình quyết tâm để hô biến chiếc áo thun thành áo phao trong trường hợp khẩn cấp”, Lập nói.
Sản phẩm áo thun phao của nhóm mang tên là LIVING. “LIVING vừa là sự sống, là điều mà nhóm luôn muốn đảm bảo cho tất cả mọi người. Không những thế, LIVING còn có nghĩa là sinh hoạt, tức sản phẩm này sẽ đem lại sự thoải mái cho người dùng dù là hoạt động nào trong cuộc sống”, Lập lý giải.
Với dự án này, nhóm cho ra đời một loại phao chứa hợp chất tạo CO2 vô cùng đặc biệt, phao sẽ chỉ hoạt động khi chịu tác động của người sử dụng. Để có thể sử dụng một cách tiện lợi hơn trong mọi sinh hoạt, LIVING đã tích hợp cặp phao này vào hai bên bán cầu vai của áo thun để tạo ra một chiếc áo có khả năng chống đuối nước trong mọi trường hợp dù là chủ động hay bị động. Sản phẩm như một chiếc áo thun bình thường và người sử dụng hoàn toàn có thể mặc trong bất kỳ sinh hoạt hằng ngày nào mà không hề gây cảm giác khó chịu.
Khi người sử dụng mặc áo thun phao, bất ngờ rơi vào môi trường nước, chỉ cần tác động một lực nhất định vào phần vai áo, phao sẽ được kích hoạt và ngay lập tức căng phồng từ 3 - 6 giây để kéo và nâng đầu người sử dụng lên trên mặt nước. “Khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm đã tìm ra hai hoạt chất là a xít citric (C6H8O7) và Sodium Bicarbonate (NaHCO3) khi hai chất này phản ứng với nhau sẽ tạo thành khí cacbonic (CO2) giúp túi khí nằm trong vai áo tự phồng lên chỉ trong vòng 3 - 6 giây”, Lập tự hào chia sẻ.
Áo thun phao còn có một phiên bản khác nhỏ gọn, tinh tế và có thể xem như một loại trang bị du lịch, đó là đai phao. Đai phao được lấy ý tưởng từ sự kết hợp giữa đai chống gù lưng và phao hợp chất tạo CO2 do nhóm sáng chế. Qua nhiều nghiên cứu, nhóm lại cho ra đời thêm một sản phẩm mang tính LIVING hóa, đó là đai phao LIVING. Hiện tại nhóm đã nhận được nhiều lời mời đầu tư để có thể đưa sản phẩm độc đáo này ra thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.