Ban lãnh đạo Waste Management thừa nhận việc đăng bản đồ như vậy là trái với nguyên tắc trung lập, khách quan và không tham gia vào các vấn đề chính trị mà tập san này chủ trương.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc một số người Việt ở nước ngoài phát hiện bài báo có tấm bản đồ xúc phạm tới chủ quyền Việt Nam nói trên. Sau khi Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc lên tiếng, người Việt khắp nơi, trong đó có nhóm của anh Nguyễn Hùng, đã cùng nhau gửi thư tới tập san Waste Management yêu cầu cải chính.
Đây không phải là lần đầu tiên anh Nguyễn Hùng gửi cho tôi những thông tin đấu tranh vì chủ quyền đất nước. Đầu năm 2010, từ phát hiện của một số người Việt ở nước ngoài về việc Hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) ghi chú sai về quần đảo Hoàng Sa, phương hại tới chủ quyền Việt Nam, nhóm của anh Nguyễn Hùng (gồm những người Việt sống ở New Zealand, Úc, Mỹ, Canada…) đã gửi tới Báo Thanh Niên thông tin này. Để rồi từ đó, báo chí, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, cơ quan chính quyền tại Việt Nam đã đồng lòng lên tiếng, và kết quả là NGS đã phải điều chỉnh những bản đồ sai trái. Cách đây ít lâu, anh Nguyễn Hùng còn gửi tới tôi thông tin về sáng kiến của nhiều người Việt ở nước ngoài về việc hỗ trợ những ngư dân bị cướp tài sản khi đang hành nghề trên biển kiện thủ phạm ra tòa án quốc tế. Nỗ lực này hiện vẫn đang được tiến hành.
Tôi nhớ trong một bức thư, anh Nguyễn Hùng viết: “Chúng tôi ngày phải đi “cày” kiếm cơm, tối về mới có thể làm gì đó cho đất nước được”.
Rời Tổ quốc trong hoàn cảnh éo le của lịch sử và giờ đã chọn một quốc gia khác làm nơi sinh sống, nhưng những người như anh Nguyễn Hùng vẫn không nguôi ý thức rằng mình là con dân đất Việt. Với ý thức ấy, họ luôn đau đáu về chủ quyền Tổ quốc. Hồi cuối năm ngoái, khi trở về miền Trung để viếng mồ mả ông bà, anh đã tranh thủ ra đảo Lý Sơn gặp gỡ bà con ngư dân bị nạn cũng như được đến gần hơn với Hoàng Sa thân yêu vốn đã tạm rơi vào tay ngoại bang.
Một lần, khi trao đổi vấn đề người Việt trong và ngoài nước cùng lên tiếng vì chủ quyền đất nước, anh Nguyễn Hùng nói với tôi: “Người Việt ở đâu cũng coi đất nước này là Tổ quốc. Dù xa quê hương đã lâu, chúng tôi vẫn luôn hướng về. Để đấu tranh cho chủ quyền đất nước, cần gác lại những lấn cấn bên này, bên kia”.
Không phải hô hào suông, “gác lại lấn cấn” hay “đấu tranh vì chủ quyền đất nước” đã được những người mang dòng máu Việt khắp năm châu, mà anh Nguyễn Hùng chỉ là một ví dụ nhỏ, thực hiện mỗi ngày và đã thu được nhiều kết quả cụ thể: chẳng hạn buộc NGS, Google Maps… sửa bản đồ, hay vụ việc liên quan tới tập san Waste Management nói trên.
Chúng ta hay nói tới huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền đất nước. Mà, sức mạnh tổng hợp của dân tộc này không chỉ giới hạn trong đường biên giới quốc gia.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)