Hở mà không hở

20/02/2010 09:53 GMT+7

(TNTT>) Muốn ăn mặc “tiết kiệm vải” thì phải có nguyên tắc mới có thể coi được. Đó là một nghệ thuật hẳn hoi.

Bây giờ nhiều người (nhất là người có tuổi) hay kêu, cánh trẻ bây giờ ra đường ăn mặc hở hang lố lăng quá (cánh trẻ ở đây ý là chỉ nhắm vào các thiếu nữ, còn bọn con trai ăn mặc hở hang ai để ý). Chưa bàn chuyện “hở hang” đối diện với “truyền thống”, chưa bàn chuyện ăn mặc phô da phô thịt đối diện với “vẻ đẹp tinh thần, cái nết đánh chết nọ kia”, chưa dám bàn chuyện “Váy em ngắn đến mini/ Ngẫm thơ tứ tuyệt có khi còn dài” trong văn chương... Ở đây, tôi chỉ xin bàn một chút về cái chuyện “hở hang” khi ra đường, nguyên tắc thế nào là đẹp, là không đẹp.

Giữa hai cực âm-dương

Nếu lấy “cực âm” về sự ăn mặc kín đáo khi ra đường, thì phụ nữ Hồi giáo Ả rập phải chiếm ở đầu mút cực âm. Còn “cực dương” thì chắc chắn là phụ nữ ở Mỹ. Có một bang nọ ở nước Mỹ, có luật cấm phụ nữ để trần...đầu ngực (đầu vú chứ không phải cả bộ ngực nhé) khi ra tắm ở bãi tắm nude để tránh “khiêu khích”!

Người đẹp thì mặc kín cũng đẹp, phong phanh một chút lại càng đẹp. Chứ còn xấu thì "lộ hàng" đến thế nào cũng xấu

Ở giữa hai cực âm –dương về ăn mặc ấy, thì tất cả những chuyện ăn mặc “hở hang” thế nào ngoài đường là chuyện của tất cả các nước khác. Có những cách ăn mặc chẳng hở tí nào mà vẫn khiêu khích thậm tệ. Ví dụ như cái áo dài tân thời đây này, chỉ hở ra một tý cái khoảng “nầm” (tức là eo bụng bên sườn) chứ còn thì kín mít từ đầu đến chân đấy chứ, có hở tay hở đùi như cái áo “xường xám” đâu? Thế mà khách tây đến đây ngẩn tò te khen gái Việt mặc áo dài “gợi cảm” hết chỗ nói! Hoặc như quần bò áo phông bó, là trang phục thanh niên phổ biến ở cả thế giới, thường thì cũng có hở tý da thịt nào đâu. Nhưng cũng không kém gợi cảm. Tôi đọc một câu nói vui của một nhà văn lớn, rằng nếu ông tóm được cái tay nào phát minh ra cái quần bò bó sát cho phụ nữ, thì ông sẽ lấy cái quần bò đó treo cổ cái tay ấy lên, bởi tội nó làm phụ nữ mặc vào cứ “lồi” hết cả ra, nhỏ thì thành to, to thì thành... đại, làm cánh đàn ông bị điên mắt hết cả.

Những nguyên tắc

Nói gì thì nói, nguyên tắc đầu tiên ai cũng biết là "tốt đẹp phô ra”. Người đẹp thì mặc kín cũng đẹp, phong phanh một chút lại càng đẹp. Chứ còn xấu thì “lộ hàng” cho đến thế nào thì cũng xấu. Tây Thi đau dạ dày nhăn nhó càng đẹp, Đông Thi bắt chước nhăn nhó thì cả làng chạy mất dép. Nhà thơ dân gian nuôi chó nổi tiếng Bảo Sinh có câu vừa cười cợt vừa thích thú, “lẩy” thơ Nguyễn Bính như thế này: "Hôm qua em đi tỉnh về/ ... Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi/ Bây giờ quẫn trễ, rốn lồi/ Khổ tôi khổ cả bố tôi đang Thiền...". Một cô gái xinh xinh đi đường quần trễ rốn lồi thì làm khổ vài người. Chứ còn một ngôi sao ăn mặc hở hang thì làm khổ cả vạn người. Chẳng thế mà ở Tây sinh ra một ngành nhiếp ảnh của các paparazzi (thợ săn ảnh) là chuyên đi chụp lén “sao hở” đấy thôi.

Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Nguyên tắc thứ hai của việc “hở hang” thì nó giống như “binh pháp” vậy, gọi là “bảy thực ba hư”. Ăn mặc thì cũng phải “bảy kín, ba hở” mới đẹp. Những “điểm hở” theo phân tích trang phục, thì tựu trung ai cũng biết nó gắn với những “cơ quan sinh nở” tiềm năng. Đó là ngực, là eo bụng, là “bàn tọa”, là đùi vế, những bộ phận dễ “hút mắt” đám đông (cái đám đông ở đây chủ yếu là đàn ông). Chứ còn cái mặt người ta, xấu cũng như đẹp, phơi trần ra cả ngày có ai trách cứ gì đâu? Cái chính là liều lượng của cái nguyên tắc “bảy thực ba hư” đó trên mỗi bộ trang phục. Cái nguyên tắc này có lẽ nên để dành cho thẩm mỹ của những tay phó may, chuyên nghề “xẻ ngực, rọc eo, xén vế” làm thế nào cho nó đừng đến mức “váy mini dài 22 phân cả cạp”...

Nguyên tắc thứ ba tối quan trọng mà không phải ai cũng để ý biết. Đó là yếu tố không gian –thời gian, ánh sáng và hơi nước. Tôi được dự một cuộc sơ loại người đẹp thi hoa hậu ở tầng trên cùng tòa nhà báo Tiền Phong vào giữa buổi sáng (hoa hậu năm đó là Nguyễn Thị Huyền). Ngoài màn áo dài ra, còn có màn áo tắm đi bộ trong phòng, giữa ánh sáng chói chang ban ngày. Trời ơi, xem mới biết là ban tổ chức “thâm” thật. Những thí sinh dự thi mặc hai mảnh mà bị phơi ra giữa ánh sáng ngày, nhìn gần thì “lộ hết vở”. Ngoài chuyện dáng đi (có thể tập luyện) và da mặt (có thể nhồi mỹ phẩm, phẫu thuật) thì nước da toàn thân không phải cô nào cũng có “làn da châu Á”  mịn màng, đều đặn. Đẹp xấu phơi ra hết. Để sơ loại thì buộc phải “tàn bạo” như thế. Sau đó thì BTC lôi đám thí sinh vào chung kết ra biển thi và chụp ảnh, quay phim để lên đài lên báo. Ảnh những người đẹp có dính tý nước vào nó khác hẳn, đẹp mẩy lên, mờ ảo long lanh ngay...

Hở hang và thời đại

Cách đây vài chục năm, tất cả những gì “hở hang khoe của”, gợi tình... đều bị cho là “văn hóa đồi trụy”. Họa sĩ  cao niên Thẩm Đức Tụ có kể với tôi chuyện hồi còn là sinh viên, ông có vẽ một bức tranh cô gái mặc quần sa-tanh đen như tất cả phụ nữ thời ấy, riêng gấu quần và cạp trong có lấp loáng mầu đỏ (là những thiếu nữ làm điệu một tý). Vẽ xong tranh, ông bị đoàn trường mời lên phê bình.

Thế nhưng sau đổi mới đến giờ, tình hình mở cửa ảnh hưởng rất nhanh đến các loại hình văn hóa cũng như ăn mặc. Cái chuyện ăn mặc “mát mẻ” ra đường nó cũng bớt khắt khe dần cùng với sự thay đổi và phát triển của đất nước. Cứ nhìn trang phục của phụ nữ (nhất là các thiếu nữ) thì thấy dấu ấn của thời đại được thay đổi rất rõ rệt. Hay nói ngược lại là có thể đếm bước chân thời đại qua trang phục phụ nữ (chứ không phải trang phục đàn ông).

Người phát minh ra bộ quần áo tắm hai mảnh đã lấy tên hòn đảo xảy ra vụ thử bom nguyên tử để đặt tên cho loại phục trang nữ ít vải nhất này là Bikini – và bikini đúng là quả bom nguyên tử trong trang phục nữ. Nhưng dù thế nào thì so ra với đàn ông, nó vẫn thừa một mảnh... Và dù cách tân cách mạng đến mấy, đã là con người văn hóa, thì người ta cũng không ai “truổng cời” đi ra đường!!! Tôi phát hiện ra những bộ trang phục “hở hang gợi cảm” luôn gắn với hình tròn. Cái vòng tròn thiếu nét luôn gợi ý cho con mắt người ta “điền nốt”. Còn những bộ trang phục nghiêm túc luôn vuông và kín. Những chỗ khoét thủng trên quần áo với mục đích khiêu khích cũng không mấy khi dùng hình vuông...

Để tạm kết cái đề tài hấp dẫn không bao giờ có hồi kết trong một bài viết ngắn này, tôi xin kể một câu chuyện có thật – tạm gọi là “hở với thuần phong mỹ tục”.  Có một nước châu Phi giao lưu nghệ thuật biểu diễn với Bulgaria. Đoàn vũ công châu Phi sang Bun nhảy rất bốc, tất cả các vũ công nữ đều mặc váy lông chim thưa xòe ra và để lộ ngực trần, nói chung là khán giả hoan hô nhiệt liệt. Các cán bộ của Bộ Văn hóa Bulgaria chướng mắt, gửi công văn yêu cầu sang Bộ Văn hóa của nước châu Phi kia, yêu cầu nữ vũ công châu Phi sang Bun biểu diễn phải che ngực lại bởi nó không phù hợp với “thuần phong mỹ tục”. Bộ Văn hóa ở nước Phi châu kia gửi công văn phản hồi rằng, nhảy múa mà để ngực trần là “thuần phong mỹ tục” của nước chúng tôi. Nếu như các nước bạn yêu cầu các nữ vũ công của chúng tôi phải che ngực lại cho hợp với thuần phong mỹ tục của các bạn, thì chúng tôi yêu cầu các nữ vũ công của các bạn khi sang đây cũng phải lộ ngực cho hợp với “thuần phong mỹ tục châu Phi”.

Lê Minh Nghĩa (SV HV An ninh nhân dân): Nói thật, mình là con trai,
thấy hở càng nhiều càng... thích. Tuy nhiên, công bằng mà nói, cũng có cô mặc hở nhìn đẹp và quyến rũ nhưng không ít cô chẳng mê được.

Sợ nhất là có cô mặc áo lưng trần hở rốn, quần gọi là soóc nhưng chẳng khác nào chiếc quần trong, chỉ khác chất có dày hơn. Đã thế lại còn cố tình lượn cho mọi người nhìn. 

Phạm Thanh Hải (SV năm thứ 4 khoa Viễn thông, HV Bưu chính viễn thông): Đừng nghĩ chỉ con gái mới thích mặc hở. Tôi đã có lần thấy những chàng trai trông rất sành điệu, keo tóc bóng bẩy, đi xe đẹp thích hở. Mà cái sự hở của con trai nhiều khi thấy ớn.

Một lần tôi chứng kiến có anh đi SH, cố tình kéo cái áo phông lên ngang bụng để lộ hẳn chiếc đai quần “chíp” bên trong. Hắn còn lấy tay kéo chiếc quần đó lên cao hơn để mọi người chú ý.

Phạm Thu Hạnh (25 tuổi, nhân viên Viện Hóa học): Tôi không quan trọng chuyện hở hang hay kín đáo nhưng mặc thế nào thì tiêu chí đẹp phải đặt lên đầu tiên. Có nhiều người vì một lý do nào đấy, thấy người khác ăn mặc hở hang liền bĩu môi chê bai ngay lập tức mặc dù thấy cũng đẹp và hấp dẫn.

Tôi thích hở… vừa. Tức là có hở nhưng chỉ ở mức độ vừa vừa để người đối diện mình còn cảm thấy tò mò muốn khám phá. 

Lê Anh Hoài (nhà văn, nhà báo): Ở Việt Nam, những trường hợp về vấn đề ăn mặc kín, hở luôn luôn có một chuẩn mực mờ, chuẩn mực ảo.

Nhưng ở mình chuẩn mực ảo đó rõ hơn ở những nơi khác, bởi xã hội mình đang biến động rất mạnh nên chuẩn mực đó không ổn định. Văn hóa mặc của giới trẻ Việt Nam bây giờ đang tạp nham, nhiều chiều hướng, nhiều kiểu dáng, phong cách… thể hiện sự rất tạp nham, hỗn độn của thời đại hiện nay. _Đỗ Hiền (ghi)

Ý kiến...

(Nhân đọc bài Mặc kín mặc hở - Xem TN TT&GT 19.2.2010)

* Sếp ở cơ quan tôi rất buồn cười. Nếu bạn mặc một cái áo cổ có hở hơi sâu một chút, lập tức ông ấy đánh tiếng ngay với hàng loạt những thắc mắc là tại sao có thể hở hang đến thế, cái áo đó có đẹp đẽ gì đâu… Thế nhưng ngày hôm sau nếu bạn diện một chiếc váy mini jupe đi làm, ông ấy lại hết lời ca ngợi. Chúng tôi thường đùa nhau với sếp của mình thì trên phải kín chứ dưới thì có thể hở… vô tư. Nói đùa vậy chứ hở hang cũng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, nơi chốn làm việc nữa._Đào Thương Huyền (Kỹ sư thiết kế công ty JGC Nhật Bản)

* Đúng là ăn mặc thế nào là quyền tự do của mỗi người, nhưng vì mình sống trong cộng đồng nên cũng cần phải có thái độ tôn trọng nhất định. Tôi thấy có nhiều người mặc áo hai dây đi chùa, trong thật ngứa mắt. Hoặc có những phụ nữ tuổi đã không còn "hồn nhiên" được nữa nhưng vẫn có kiểu mặc hở rất ...hồn nhiên. Tiếp xúc với những người mặc hở kiểu ấy, tôi mất hết cả sự tự tin, thoải mái, nói được dăm ba câu là lại phải "giả đò ngó lơ"._Hoàng Thuận (32 tuổi, hoangan_thyan@....com)

(Nhân đọc bài Văn hóa xếp hàng: Không là chuyện nhỏ - Xem TN TT&GT 3.2.2010)

* Bài viết của quý báo phản ánh rất đúng về tình trạng xếp hàng hiện nay ở những nơi công cộng như đi mua sắm, mua vé tàu… Tuy nhiên, theo tôi nên thay cụm từ “văn hóa xếp hàng” thành “thói quen xếp hàng” thì sẽ phù hợp với ngữ cảnh này hơn. Ở những nước phương Tây, chẳng hạn như nước Úc mà tôi đang sống, người dân thường có thói quen phải xếp hàng khi đi mua sắm hay vào bất cứ một nơi công cộng nào. Theo họ, người nào tới trước thì sẽ được phục vụ trước vì đó là sự công bằng (fair). Và điều này cũng tương tự ở những nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Nhật Bản._Nguyễn Ngọc Quý (Australia, quytm1@yahoo.com)

Vũ Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.