Hỗ trợ dài hạn, phục hồi sau đại dịch

25/08/2020 08:09 GMT+7

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Chính phủ hình thành các gói hỗ trợ để trợ lực cho người lao động và doanh nghiệp là đúng, vấn đề là làm sao để các chính sách đi vào thực tiễn.

Nhìn lại thực trạng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng lần 1, ông Ngân cho rằng mấu chốt khiến các chính sách hỗ trợ dù đúng, nhưng chưa đủ nhanh, do thủ tục hành chính khó khăn nên người lao động khó tiếp cận được. Với gói hỗ trợ lần 2, phải tăng hậu kiểm thay vì tiền kiểm, gắn với trách nhiệm cá nhân, có như thế tiền mới nhanh đến được tay người lao động và doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, gói hỗ trợ lần 1 chia làm 2 phần là hỗ trợ tài khóa như giãn thuế, gia hạn thời gian nộp thuế; tới gói 2 cần tăng thời gian và lưu lượng hỗ trợ, như giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế VAT. “Thủ tướng nói các chính sách cần khoan sức dân, thì giờ đây cũng cần khoan sức doanh nghiệp”, ông Ngân nhìn nhận. Thứ hai là gói tín dụng, giảm lãi suất, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, nhưng thủ tục phức tạp nên doanh nghiệp cũng khó tiếp cận.

Nỗi niềm "phố Tây” Bùi Viện những đêm dài không nhạc, không đèn vì Covid-19

Ông Ngân phân tích, với gói lần 2, ngoài việc tăng quy mô và liều lượng các chính sách hỗ trợ lần 1, cần bổ sung gói hỗ trợ thể chế, làm sao cho thủ tục hành chính gọn lại. Dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến hết năm 2021, chúng ta phải xác định sống chung với Covid-19 ít nhất 1 - 2 năm tới, vì thế gói hỗ trợ thể chế phải nhanh, gọn, đây là gói phi tài chính nhưng có tác dụng thúc đẩy.
Về đầu tư công, cần điều chuyển sang các dự án có khả năng sinh lời và hiệu quả nhanh. Với ngân hàng cho vay, những lĩnh vực hạn chế tiếp xúc cần được ưu tiên, như hỗ trợ cho vay đầu tư phần mềm cho người lao động làm việc từ xa, giáo dục từ xa… Hiện chính phủ đang đầu tư hạ tầng giao thông rất quyết liệt, nhưng cần rót thêm đầu tư cho hạ tầng số, để phát triển kinh tế số, chính phủ số.
TS Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, tỏ ra thận trọng khi cho rằng về chủ trương thì đã có bàn đến các gói hỗ trợ khác, tuy nhiên vấn đề đặt ra là tỷ lệ giải ngân của gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng đợt 1 mới 1/3 là quá thấp, và nêu mấu chốt cần tập trung thúc đẩy việc giải ngân gói hỗ trợ này để tiền sớm đến đúng tay người cần là rất quan trọng.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, khuyến nghị gói hỗ trợ lần 2 ngoài quy mô lớn hơn, có diện hỗ trợ bao trùm tổng thể (diện) phải có những trọng tâm, lĩnh vực riêng (điểm), và đặc biệt phải nhanh và quyết liệt. Theo ông Thành, gói hỗ trợ cần tính tới xu hướng phát triển bền vững hơn và phải kéo dài ít nhất cho cả năm 2021. Lý do, ngoài “cấp cứu” kịp thời, nền kinh tế cần một chương trình phục hồi đầy đủ và dài hạn, kể cả giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Tổng hợp Covid-19 ngày 24.8: Đà Nẵng, Hải Dương thêm ca bệnh mới, chốt lịch thi tốt nghiệp đợt 2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.