'Hò Xự Xang Xê Cống' rộn ràng miền sông nước

22/06/2015 05:39 GMT+7

Từ ngày 21.6, vòng chung kết cuộc thi Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống lên sóng Đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu vào 20 giờ chủ nhật hằng tuần, với sự tranh tài của 14 thí sinh xuất sắc nhất.

Từ ngày 21.6, vòng chung kết cuộc thi Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống lên sóng Đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu vào 20 giờ chủ nhật hằng tuần, với sự tranh tài của 14 thí sinh xuất sắc nhất.

Bé Nguyệt Thu ngoài ca hay còn biết chơi đàn bầu, tranh, piano và bé Lan Tường (phải) - Ảnh: N.T - T.C
Bé Nguyệt Thu ngoài ca hay còn biết chơi đàn bầu, tranh, piano và bé Lan Tường (phải)
- Ảnh: N.T - T.C
Người dân nói chung và khán giả xem đài tại địa phương nói riêng quan tâm không chỉ vì 28 thí sinh (cùng người thân) vào bán kết về quê mình sinh hoạt, học tập, ghi hình trong “ngôi nhà chung” là Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu; mà còn bởi họ muốn biết loại hình âm nhạc gắn liền với miệt sông nước Nam bộ nghe có “ra” không, có “ngọt” không khi lần đầu tiên được ca bởi các “nghệ sĩ” nhí.
Chính vì thế, sau khi vòng bán kết phát sóng, bà Lê Thị Thái Tâm, Giám đốc ý tưởng chương trình (do Đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu cùng Công ty truyền thông và giáo dục Mặt Trời Hồng thực hiện), cho biết: “Dẫn các em thí sinh đi tham quan hay ra chợ đều được bà con nhận ra và gọi tên, bắt chuyện, thăm hỏi”.
Không chỉ có tài năng ca hát
Ở vòng bán kết vừa qua (phát sóng ngày 7.6, 14.6), các thí sinh đã thể hiện những bài lý nổi tiếng nhất của dân ca Nam bộ với phần lời mới được biên soạn phù hợp lứa tuổi các em. Trong đó, có thí sinh duy nhất phía bắc, quê Nam Định, là Nguyễn Thị Phương Thanh. Em đã sống ở chùa Bồ Đề từ nhỏ và rất thích hát dân ca, thể hiện dân ca Nam bộ rất sống động. Thí sinh Trần Khả Ái (An Giang) bốc thăm trúng bài Vâng lời Bác dạy theo điệu Lý ngựa ô bắc, đã òa khóc vì biết được người soạn lời mới cho bản lý này (Trần Duy) chính là ông nội mình.
Nhiều em còn có thể chơi được nhạc cụ, gây bất ngờ cho chính những nghệ sĩ là ban huấn luyện chuyên môn, hội đồng bình luận cuộc thi. Đáng kể có bé Nguyệt Thu (TP.HCM) chơi được đàn bầu, tranh và piano, bé Mỹ Dung (Long An) chơi đàn kìm và đờn được nhiều bản tổ, Thanh Trúc (Cần Thơ) chơi đàn tranh, Ngọc Sơn (Bình Phước) chơi được guitar...
Giá như được “tiếp sức”...
“Lẽ ra cuộc thi nên mở rộng tuyển sinh nhiều hơn thay vì chỉ 21 tỉnh thành”, “Giá như chương trình nhận được sự tiếp sức của nhiều nhà hảo tâm, tài trợ”, “Ước gì các cơ quan giáo dục, các quỹ về phát triển học đường hay ca nhạc tài tử chung tay với cuộc thi này”... là những câu mà nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng lặp đi lặp lại khi nói về sân chơi theo chị “rất thiết thực và lý thú” này.
Theo Hải Phượng, các em được huấn luyện, hướng dẫn đi sâu vào những bài/bản của đờn ca tài tử nên ca rất chắc. Điều này dẫn đến dàn đờn cũng phải ôn luyện để trau dồi kỹ thuật, kỹ năng của mình; rồi bạn bè đồng nghiệp của họ cũng luyện theo, và học trò của những thầy đờn này vì vậy cũng được học căn bản một cách đầy đủ hơn. Vô hình trung, tạo được một phong trào học mà chơi, chơi mà học sâu rộng từ cuộc thi này. Với riêng Hải Phượng, chị còn rủ cả đồng nghiệp cùng về Bạc Liêu để “săn đệ tử” từ những giọng ca nhí này.
Giải thưởng cho quán quân là 200 triệu đồng và một học bổng toàn phần, dự kiến ở Khoa Âm nhạc dân tộc (Nhạc viện TP.HCM) hoặc Khoa Kịch hát dân tộc (ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.