Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát quyết 'chăn' đủ 1010 con trâu sơn mài trên gỗ dát vàng

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
10/02/2021 16:30 GMT+7

Để đón tết Tân Sửu 2021 và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, họa sĩ trẻ 8X Nguyễn Tấn Phát đang gấp rút thực hiện dự án 1010 con trâu sơn mài trên gỗ dát vàng.

Theo họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, ý tưởng thực hiện dự án 1010 tượng trâu sơn mài vốn xuất phát từ tác phẩm Trâu hoa Lạc Việt do anh sáng tạo và đoạt giải nhất nhóm sơn mài trong Cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ năm 2020. Và liên tục từ tháng 10.2020 đến nay, với kỹ năng “chăn nuôi” tài tình, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã liên tiếp sáng tác ra được một đàn trâu đông đúc lên tới hàng trăm con với những hình dáng rất độc đáo, khác lạ, hiện đang được trưng bày tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Tượng trâu sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát với tạo hình lưng cong như mái vòm cổng làng

Ảnh: NVCC

Từ các khúc gỗ chơ vơ ở góc vườn, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã biến hình thành những chú trâu phủ sơn mài, dát vàng, bạc, quét màu lên và khảm trai, trang trí hoa văn tỉ mỉ, với bề ngoài giàu truyền thống văn hóa dân tộc, tinh tế. Trong đó có những tượng trâu độc đáo với sắc đỏ son, lưng cong lên tượng trưng cho mái vòm của cổng làng, mái nhà, mái đình và còn được hóa rồng. Qua hoa văn cổ, những chú trâu trở nên có hồn cốt hơn bao giờ hết.

Khảm trai khảm trứng dát bạc, dát vàng... luôn được bắt gặp trên các chú trâu của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát

Ảnh: NVCC

Anh đã có dịp trò chuyện với Thanh Niên về dự án nghệ thuật này.
* Xin anh chia sẻ về dự án 1010 trâu gỗ dát vàng, hiện đã đủ số lượng như anh dự kiến? Việc tự đặt 1 khối lượng công việc khổng lồ đó có làm anh thấy quá áp lực?
- Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát: Với dự án Trâu sơn mài trên gỗ, hiện tôi đã hoàn tất được 500 con. Việc làm đó quả thật khá áp lực, khiến tôi phải tập trung cao độ hết mức sức lực và tài lực trong quãng thời gian từ tháng 10.2020 đến 4.2021.
 

Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát quyết tâm hoàn tất dự án 1010 trâu sơn mài

Ảnh: NVCC

Việt Nam vốn là đất nước có truyền thống lúa nước, “con trâu là đầu cơ nghiệp” vốn gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp bao đời nay của người Việt. Hình ảnh trâu còn tượng trưng cho mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ, no ấm. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê Sơn Tây (Hà Nội), cách làng cổ Đường Lâm 3 km nên có tình cảm mật thiết với làng quê Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh con trâu. Từ nhỏ, tôi đã được theo ông nội đi vẽ tượng, học tượng ở đền chùa nên chất truyền thống và niềm đam mê, yêu mến văn hóa cổ truyền đã ăn sâu vào con người tôi, đặc biệt là ở chất liệu sơn mài. Với tôi, ngoài chất liệu sơn bề mặt, sơn mài còn là vật liệu thuần Việt nhất, mang chất keo được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Cá nhân tôi cũng theo đuổi sáng tác với chất liệu sơn mài hơn 20 năm qua. Vì vậy với đam mê nghệ thuật thủ công và tình yêu tri ân thủ đô 1010 năm, tôi quyết tâm hoàn thành dự án tượng trâu này đủ 1010 con trâu.
* Phần lớn tượng trâu của anh đều sử dụng chất liệu gỗ mít, khảm trai. Với chất liệu đó, giá thành và việc sản xuất có thuận lợi không?
- Nhìn thoáng qua, đàn trâu của tôi như được làm bằng đất nung. Tuy nhiên 90% gỗ được sử dụng làm tượng trâu là từ gỗ mít, đây là một chất liệu truyền thống để làm sơn mài rất thân thiện với người dùng.

Từ những mẩu gỗ vụn nhặt góc vườn, dưới bàn tay tài hoa của họa sĩ, những chú trâu dũng mãnh đã ra đời

Ảnh: NVCC

Các bước làm tượng trâu rất cầu kỳ và không hề đơn giản. Để hoàn thành một tượng trâu, thường thì họa sĩ phải trải qua hàng chục bước. Đầu tiên tôi cần lên ý tưởng và phác họa hình tượng trên giấy, sau đó chính tay tôi phải đục đẽo thành dáng trên chất liệu gỗ, phủ nhiều lớp sơn, đánh bóng, khảm trai và tạo phần hồn cho con vật. Tôi sử dụng nhiều chất liệu độc đáo khác, sẵn có trong tự nhiên, sử dụng mỹ thuật hiện đại vào những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài dân tộc, đặc biệt sử dụng chất liệu khảm như vỏ trứng, vỏ trai, dát vàng dát bạc nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc và thân thiện với môi trường. Đây là yếu tố ghi điểm rất tốt đối với khách hàng, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Cách làm đó đòi hỏi mất nhiều công sức, thời gian và kinh tế. Tôi đặt mục tiêu làm vì đam mê truyền tải tình yêu văn hóa Việt và tôn vinh giá trị của sự sáng tạo, nên tôi tạo dáng 1010 mẫu trâu khác nhau. Tôi chấp nhận khó khăn về kinh tế để làm điều này.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm sơn mài

Ảnh: NVCC

* Không dừng lại ở việc tạo nên các tác phẩm nghệ thuật trâu để ngắm nhìn, anh đã chế tác nhiều tác phẩm trở thành vật dụng mang tính sử dụng cao trong gia đình. Phải chăng hướng sáng tác của anh nhằm đưa mỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống?
- Tôi yêu nghệ thuật thủ công và muốn đưa sâu nghệ thuật vào không gian sống nên tôi sáng tác nhiều sản phẩm trang trí mang tính ứng dụng như: khay, đĩa, lọ hoa... với tạo hình của những bức tượng cách điệu. Tôi may mắn được đón nhận và đoạt nhiều giải thường từ 2010 đến nay.

Mỗi chú trâu đều có tạo hình riêng không đụng hàng

Ảnh: NVCC

* Anh muốn gửi gắm điều gì nhân dịp tết cổ truyền Tân Sửu 2021?
- Qua dự án nghệ thuật 1010 tượng trâu sơn mài độc bản, tôi muốn tôn vinh văn hóa, nghệ thuật thủ công sáng tạo, tạo hứng khởi cho người xem đón một năm mới Tân Sửu với sức lao động mạnh mẽ như hình tượng trâu trong đời sống người Việt.
* Xin cám ơn họa sĩ Nguyễn Tấn Phát, chúc cho đàn trâu sơn mài của anh nhanh chóng sinh sôi nảy nở sớm đạt chỉ tiêu 1010 đã đề ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.