Họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng: Chưa thể tâm đắc với tác phẩm nào!

Tố Tâm
Tố Tâm
15/05/2018 14:00 GMT+7

Với mỗi vở diễn, họa sĩ Doãn Bằng thường bắt đầu bước vào thiết kế sân khấu trong tư thế… phá hết, tìm cách bước qua những niêm luật của bài bản và của cả bản thân để đi tìm sự sáng tạo mới cho tác phẩm.

Đã thiết kế sân khấu cho hơn 200 vở diễn nhưng họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng nói rằng anh chưa tâm đắc với vở nào bởi trong hơn 200 vở đó, gần như không vở nào giống vở nào. Mỗi cách trang trí đều có một diện mạo khác nhau, có thể hay hoặc không hay nhưng tuyệt đối không thể giẫm vào vết đi trước. Thế nên hiện tại anh không thể nói mình tâm đắc với tác phẩm nào nhất vì biết đâu sắp tới, anh sẽ làm một vở mới và lại có một sáng tạo mới khiến mình thích thú hơn.
*Anh thường bắt đầu thiết kế sân khấu cho một vở diễn như thế nào, sẽ cùng đạo diễn trao đổi ý tưởng trước hay muốn tự mình quyết định?
- Họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng: Cái đó còn tùy thuộc vào việc mình sẽ làm việc với đạo diễn nào. Ví dụ làm việc với anh Đỗ Kỷ, Sỹ Tiến, Chí Trung hay Lê Khanh… chúng tôi sẽ trao đổi với nhau trước; còn như làm với anh Trần Ngọc Giàu, Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai… thì họ lại để tôi tự sáng tạo. Như vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi Trẻ), tôi cùng anh Sỹ Tiến làm việc với nhau và đưa ra một không gian sân khấu trung tính, mang tính ước lệ cao, gần như không có sự thay đổi. Không gian sân khấu chỉ thay đổi theo ngôn ngữ của đạo diễn và vẫn sẽ liên hoàn giữa các cảnh, có sự ước lệ chứ không minh họa một cách cụ thể.
* Anh đã thiết kế sân khấu cho nhiều vở cải lương theo xu hướng ước lệ cảnh trí, kiểu thiết kế sân khấu này liệu có thích hợp với cải lương và được khán giả chấp nhận?
- Tôi rất thích làm sân khấu cải lương vì cải lương vốn không thuần nhất, bản thân nghệ thuật cải lương là chấp nhận cho mang rất nhiều cái ngôn ngữ vào, vậy tại sao mỹ thuật lại không mang cái mới vào? Tại sao nhất định cứ phải tả thực, tại sao không dùng ước lệ? Hoặc chúng ta có thể hòa trộn cả hai hình thức đó vào với nhau, kết hợp cùng ngôn ngữ đạo diễn, miễn sao cải lương vẫn ngọt ngào, thú vị là được chứ không phải cải lương là cứ phải tả thực.
* Vậy theo anh xu hướng thiết kế sân khấu hiện đại phải thế nào?
- Có rất nhiều nhà thiết kế sân khấu, mỗi người có một quan điểm của mình. Thiết kế sân khấu không phải là trào lưu mốt bên ngoài mà đó tùy thuộc vào đòi hỏi thẩm mỹ ngày càng cao của khán giả đối với tác phẩm.
Với tôi chỉ có sáng tạo là tối thượng. Vở này mà giống vở trước là không ổn, còn lại tôi đều… phá hết, tìm cách bước qua những nêm luật của bài bản và của cả bản thân cho một tác phẩm mới. Chỉ có điều nếu khả năng của mình trong từng thời kỳ không đủ hoặc làm những tác phẩm ở những thời đoạn mà giữa sự nhận thức và cách thể hiện của mình chưa đủ thuyết phục thì sẽ có những lúc sẽ thất bại, bên cạnh những thành công. Nên vấn đề không phải là xu hướng mà là sự sáng tạo.
Thiết kế sân khấu trong vở 'Romeo và Juliet' ẢNH:NVCC
Thiết kế sân khấu trong vở 'Ni sư Hương Tràng' ẢNH: NVCC
Thiết kế sân khấu vở 'Sau lưng là cả bầu trời' (Nhà hát Tuổi Trẻ) ẢNH: NVCC
* Anh thường sáng tạo theo phong cách nào?
Tôi là người không có phong cách, phong cách của tôi là… không có phong cách. Quan trọng là cảm quan về không gian để ra thủ pháp nghệ thuật. Vở này tôi sẽ dùng biểu tượng, vở kia dùng ước lệ, tả thực… Ví dụ với vở cải lương Ni sư Hương Tràng (Nhà hát Cải lương Việt Nam), tôi thiết kế sân khấu theo hình thức biểu tượng, có thể tách ra thành các không gian khác nhau nhưng cái nền chung vẫn là lá đề và văn hóa đời Trần. Vở Romeo và Juliet (Nhà hát Kịch Việt Nam), tôi đặt toàn đao, kiếm, rìu trên sân khấu, đó là một cách lồng tư tưởng mình vào, biểu tượng về một xã hội mà ở đâu anh cũng có thể tìm được vũ khí, ở đâu cũng có thể giết người được. Đó cũng là một cảnh báo cho xã hội không nên để xảy ra như trên sân khấu, cần ngăn chặn tính bạo lực, tiện đâu giết đó.
Ngược lại có những vở tôi lại làm theo kiểu hiện thực như vở Tất cả là con tôi của đạo diễn sân khấu người Mỹ Neil S. Fleckman (Nhà hát Tuổi Trẻ), tôi làm theo đúng phong cách hiện thực Mỹ, từ bàn ghế, cột kèo đến từng cái lá trên sân khấu. Hay khi làm với anh Trần Ngọc Giàu vở Trên cả trời xanh (Nhà hát Kịch Việt Nam), tôi làm hiện thực đến nỗi diễn viên cảm được cái thực đó để diễn.
* Anh nghĩ gì về công việc thiết kế sân khấu hiện nay?
- Nghề thiết kế sân khấu đang mai một nhiều, thế hệ tiếp nối rất ít, dù nghề này rất thú vị. Tôi vẫn mong có một thế hệ trẻ đam mê lĩnh vực này dù làm thiết kế mỹ thuật sân khấu rất khó, phải hiểu về văn học, về đạo diễn, về diễn viên, âm nhạc, hội họa, thiết kế sân khấu, kiến trúc, đồ họa… Ở các nước phương Tây có cách dạy rất hay là họ dạy nghĩ, chứ không phải dạy làm. Còn ở nước mình vẫn theo kiểu là dạy làm, như vậy không hiệu quả vì ý tưởng sáng tạo phải xuất phát từ cái gốc trong suy nghĩ. Ý đồ cho vở diễn không ở trên bề mặt câu chữ, nội dung mà phải tìm ra được chủ đề tư tưởng, từ đó mới chuyển sang hình thức mỹ thuật; sau khi đặt một biểu tượng lên sân khấu thì sẽ phải dùng phong cách mỹ thuật gì: ấn tượng hay trừu tượng… Muốn có được những điều đó thì đòi hỏi các bạn trẻ phải nạp đủ kỹ năng nếu muốn đi xa, tạo được dấu ấn trong nghề.
* Xin cám ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.