Họa sĩ Thành Chương tung phác thảo chứng minh bức 'Trừu tượng' của mình

17/07/2016 14:21 GMT+7

Họa sĩ Thành Chương ngày 16.7 đã đưa ra bản phác thảo chứng minh mình là người vẽ bức tranh Trừu tượng , đồng thời cũng viết thư gửi truyền thông quốc tế tố cáo vụ mạo danh tranh của ông.

Đây chính là hành động “phản pháo” ngay sau khi bức ảnh chụp có tranh Trừu tượng trên cửa được cho là của chuyên gia Pháp Jean-François Hubert cung cấp cho trang nghethuatxua.com từ ngày 15.7 được công khai để chứng tỏ họa sĩ thực sự của bức tranh là Tạ Tỵ, chứ không phải là Thành Chương. Tuy nhiên nhiều họa sĩ, giới phê bình mỹ thuật Việt đều đồng loạt lên tiếng rằng đây là bức ảnh ghép vụng về. Đồng thời gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái (người có xuất hiện trong bức ảnh) đã công bố lại tấm hình trên mà không hề có bức tranh nào treo trên cửa.
Trong lá thư gửi truyền thông quốc tế bản tiếng Anh ngày 16.7, họa sĩ Thành Chương viết: “Ngày 14.7.2016 tôi có đến xem một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM giới thiệu những tác phẩm của một số họa sĩ Việt trong nửa đầu của thế kỷ 20. Triển lãm này chỉ gồm những bức tranh trong bộ sưu tập cá nhân của ông Vũ Xuân Chung.
Triển lãm này đã thu hút nhiều bình luận của báo chí nghi ngờ về gốc tích của nhiều tác phẩm. Ông Vũ Xuân Chung, người tham dự tại cuộc triển lãm này cho rằng không có nghi ngờ gì về nguồn gốc của các tác phẩm tại triển lãm vì ông có giấy chứng nhận xác thực của mỗi bức tranh.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một bức tranh trong triển lãm là tranh do tôi vẽ trong giai đoạn 1970 - 1975, nhưng chữ ký lại là của nghệ sĩ "đàn anh" Tạ Tỵ và ghi năm 1952. Ngay lập tức, tôi đã khiếu nại với những người tổ chức triển lãm. Tôi cũng nhận được một bản sao của giấy chứng nhận liên quan đến bức tranh có chữ ký của ông Jean François Hubert, thành viên của Hiệp hội Chuyên gia Pháp, thành viên của Hiệp hội Chuyên gia Quốc gia và chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie Hồng Kông".
Lá thư họa sĩ Thành Chương gửi truyền thông quốc tế ngày 16.7
Họa sĩ Thành Chương cũng ghi rõ “bức Trừu tượng thực tế là bức chân dung của một người mẫu mà tôi đã vẽ nhiều trong giai đoạn 1970 - 1975 với phong cách vẽ của tôi vào thời điểm đó. Và cô ấy vẫn còn sống”.
Trong thư, họa sĩ Thành Chương cũng nhấn mạnh: “Mối quan tâm đặc biệt của tôi là các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tính xác thực của tác phẩm nghệ thuật được duy trì đúng cách. Nó đưa ra trước mắt của tôi về danh tiếng của chuyên gia M. Jean-Francois Hubert và Hãng đấu giá Christie Hồng Kông. Nó cũng liên quan đến chủ sở hữu của bộ sưu tập và giá trị bộ sưu tập mà ông ta sở hữu. Tôi sẽ không đưa ra bình luận nào thêm về vấn đề này cho tới khi những người có liên quan có thể tiến hành thống nhất và có một số chứng lý khoa học để làm căn cứ bình luận thêm. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có một sự phân tích độc lập được mời đến bởi các bên liên quan như là cách giải quyết vấn đề một cách khoa học".
Theo họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, người vào tối 15.7 đã gửi email cho nhà đấu giá Christie's hỏi về chuyên gia Pháp Jean-François Hubert và đã nhận được trả lời từ Christie's ngay sau nửa giờ đồng hồ rằng Jean-François Hubert không còn làm việc ở đó nữa, họ hiện không có chuyên gia nào về Việt Nam để thẩm tra các bức tranh này.
Việc đưa ra kết luận cuối cùng về bức tranh Trừu tượng thực sự là của họa sĩ Thành Chương hay Tạ Tỵ vẫn đang bỏ ngỏ.
Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi nhanh với họa sĩ Thành Chương về tình tiết mới này
* Ông có bất ngờ không khi chuyên gia Pháp Hubert, người vừa cung cấp bức ảnh có hình các họa sĩ và bức tranh Trừu tượng treo phía sau? Ông nhìn nhận sự việc này ra sao?
- Họa sĩ Thành Chương: Đầu tiên thì bất ngờ nhưng khi nhìn kỹ bức ảnh thì còn bất ngờ hơn nữa vì không thể nghĩ rằng ông chuyên gia Hubert lại có thể sử dụng một bức ảnh tệ đến như thế. Bức ảnh được chỉnh sửa và ghép bức tranh Trừu tượng lên cánh cửa một cách hết sức ngô nghê vụng về. Tôi không hiểu vì sao ông lại có thể coi thường mọi người đến thế.
* Ông nói gì về việc ông Hubert cho biết bức tranh Trừu tượng xuất xứ từ bộ sưu tập của ông Trần Anh Tuấn, con trai nhà làm phim Trần Quý Thịnh (trong ảnh) và bà Thẩm Thị Đôn Thư? Và gia đình bà Thư xác nhận về việc bức tranh trên là của Tạ Tỵ?
Tôi có quan hệ khá thân với vợ chồng ông Trần Thịnh (còn gọi là Thịnh râu) và bà Đôn Thư khi ông bà còn ở Hà Nội. Đó là một gia đình tử tế, danh giá và vô cùng yêu quý nghệ thuật. Tất cả mọi người đều quý mến và kính trọng ông bà. Tôi không tin là gia đình ông Trần Thịnh và bà Đôn Thư làm cái việc bậy bạ này.
* Ông có bất kỳ lưu giữ hình ảnh nào chứng minh rõ hơn về việc ông mới là người vẽ bức Trừu tượng với một kỷ niệm đẹp? Chẳng hạn hình ông chụp với tranh hoặc người mẫu chụp với tranh hoặc các phác họa cũ nếu còn lưu giữ? 
- Chắc là còn. Nhân tiện việc này, tôi đang tiếp tục lục tìm lại trong số tư liệu lưu trữ. Tôi tin là sẽ tìm được. Nhưng nếu không thì cũng không phải là vấn đề. Khi có khoa học, điều tra vào cuộc nghiêm túc, sẽ xác định rất dễ dàng chỉ để nhằm có bằng chứng khoa học. Còn về nghệ thuật, các nhà mỹ thuật sẽ dễ dàng chứng minh. Hơn thế, thì nguyên mẫu vẫn còn sống đây. Dù đã hơn 40 năm đừng nói đến nguyên mẫu mà đến cháu của nguyên mẫu khi đưa ảnh bức tranh ra còn nhận ngay ra bà dì ruột của mình. Năm 1952 thì người mẫu này lúc đó còn chưa ra đời.
* Nếu bên ông Vũ Xuân Chung và ông Hubert tiếp tục đưa ra các chứng cứ về việc người sở hữu bức tranh trên là họa sĩ Tạ Tỵ, ông sẽ có những động thái gì để chứng minh điều ngược lại?
- Tôi và mọi người đang chờ đợi phía họ đưa ra chứng cứ và lời giải thích. Việc chứng minh tôi là tác giả đích thực đến bây giờ không còn là vấn đề nữa. Mà vấn đề là ở phía họ. Tôi sẽ có thông cáo báo chí chính thức đầy đủ về sự việc này. Nếu không có gì thay đổi tôi và vợ sẽ bay vào TP.HCM tham dự cuộc họp do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức sắp tới, đồng thời có đơn đề nghị Bảo tàng giữ lại bức tranh để điều tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.