Thời gian giãn cách xã hội, nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ làm MV lan tỏa năng lượng tích cực, tham gia tình nguyện viên..., họa sĩ tranh cát Trí Đức đã có những “món quà” lay động cho tuyến đầu, cho thiếu nhi trong mùa trung thu khác thường vừa qua.

Trí Đức cho biết, lúc đầu khi “hơi giãn” thì anh ở xưởng tạo hình để thực hiện vở múa rối Hạt mầm yêu thương. Đến khi “căng” hơn, anh rút về nhà theo quy định của thành phố, để bảo vệ mình và gia đình. “Tôi có thói quen gạch đầu dòng những việc sẽ làm vào sổ tay. Có cả đống gạch còn tồn. Thế là chọn làm từng việc trong phạm vi trong nhà: thống kê lại bản thảo tranh cát từ lúc “vào nghề” đến giờ (2008 -2021), viết khung hệ thống cổ tích VN, thực hiện những dự án “ủ lâu”, học ngoại ngữ, trồng hành, tỉa cây... và rất nhiều việc không tên”.

Sau tác phẩm tranh cát anh vẽ tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch - bản vọng cổ Tâm sự của mẹ, ca khúc Cảm ơn những chiến binh thầm lặng, Chú Cuội cung trăng anh dành tặng thiếu nhi lại là hình thức mới mẻ hơn?

Đây là vở thuần rối bóng, nhưng vì giãn cách không có sân khấu chuẩn (theo phương đứng) nên tôi dùng bàn tranh cát thay thế. Toàn bộ hệ thống điều khiển con rối chuyển sang phương nằm ngang. Vì đối tượng là thiếu nhi, nên tôi khai thác những động tác ngộ nghĩnh của các nhân vật, hiệu ứng chuyển cảnh, tạo hình giản đơn... để hấp dẫn con nít. Lồng vào hình thức đó là một câu chuyện đầy chất thơ về lòng nhân ái của Chú Cuội cung trăng.

Hình ảnh trong vở rối bóng Chú Cuội cung trăng

Ngoài kênh YouTube của mình, anh có kế hoạch giới thiệu Chú Cuội phiên bản mới này đến các bạn nhỏ một cách rộng rãi hơn?

Năm nay các em thiếu nhi đón một tết trung thu khác biệt, khi đêm rằm không được rước đèn với chúng bạn. Thay vào đó, các em phải ở nhà và xem ti vi hoặc máy tính. Tôi mang câu chuyện về chú Cuội lên YouTube như một món quà gửi đến các em. Rất nhiều trường học và trung tâm thiếu nhi xin phép tôi để trình chiếu cho các em trong dịp này. Lúc nào tôi cũng sẵn lòng. Tôi sẽ tiếp tục với những câu chuyện khác. Nếu các trường thấy thú vị và bổ ích, đưa vào phần ngoại khóa thì tuyệt quá. Hạnh phúc nào hơn khi thấy tác phẩm của mình được nhiều người đón nhận.

Rối bóng Chú Cuội cung trăng có phải là tác phẩm mở đầu cho dự án dài hơi khi cổ tích VN là “kho báu” chờ được khai thác một cách sáng tạo hơn?

Cổ tích VN là đề tài vô tận cho các hình thức nghệ thuật, vì trong mỗi câu chuyện đều chứa đựng những thông điệp của tổ tiên. Tùy theo lĩnh vực, mỗi nghệ sĩ sẽ thể hiện nó theo nhận thức, trình độ và bản lĩnh của riêng mình. Từ lâu, tôi đã ấp ủ những tác phẩm về thần thoại VN, về thế giới quan của người Việt xưa, vì nó là hồn cốt, bản sắc của dân tộc, được ông cha ta truyền từ đời trước cho đời sau. Mình cũng có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ tiếp nối. Tôi thuận tay làm cho thiếu nhi nên sẽ khai thác những tác phẩm của mình theo hướng đó. Còn dài hơi hay không thì phải lấy hơi mới biết (cười).

Sự tâm huyết của anh đối với giáo dục thẩm mỹ cho trẻ thông qua các loại hình nghệ thuật mang tính bản sắc của VN hẳn đã được nuôi dưỡng, vun trồng từ môi trường nghệ thuật của gia đình?

Tôi từng ngạc nhiên và thích thú khi giới thiệu hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc kết hợp các loại hình sân khấu vào một số trường quốc tế. Tôi nhận thấy một điều, họ rất chú trọng giáo dục văn hóa thuần Việt cho học sinh nhỏ tuổi, mặc dù các bé đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi cho rằng đó là cách giáo dục tinh tế và khoa học. Ngay từ bé, các em tiếp cận với những tinh túy của bản sắc dân gian. Một giai điệu hay, một hoa văn đẹp, một món ăn ngon, những chuyện cổ tích thần tiên... Những điều đó sẽ in sâu vào tâm trí các em, để khi lớn lên nhận thức về thẩm mỹ của các em sẽ càng tinh tế và phong phú.

Điều đó làm tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi, do công việc, ba tôi thỉnh thoảng dắt tôi đến những vùng xa để nghiên cứu văn hóa dân gian. Tôi được nghe những cậu hát xưa, ăn những món ăn thôn dã, nghe các cụ già kể cổ tích của một vùng đất... Những kỷ niệm đó in đậm trong ký ức tuổi thơ, là hành trang vô hình cho tôi trên đường đời, thôi thúc tôi tìm tòi tạo ra những tiết mục đủ hấp dẫn đậm bản sắc Việt để mang đến cho các em nhỏ.

Biểu diễn tranh cát tại Tòa thị chính San Francisco (Mỹ) năm 2015 (Ảnh: Frank Jang)

Ngoài công việc sáng tạo, anh sẽ phải làm gì để những dự án trên khả thi, được các trường hay đơn vị du lịch chú ý?

Tôi luôn luôn nghĩ đến điều đó, và chuẩn bị cho điều đó mỗi ngày!

Trở lại với tranh cát - tranh cát động mà anh nổi tiếng với Nhật ký của mẹ (từ hướng dẫn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẽ trong MV đến các tác phẩm biểu diễn của mình), anh đã “khai phá” nó như thế nào khi được xem là người đầu tiên ở VN đưa loại hình này đến khán giả?

Trước khi đến với tranh cát, tôi đã hoạt động trong môi trường trình diễn, ở nhiều vai trò khác nhau: múa rối, kịch, thiết kế sân khấu, tạo mẫu, hóa trang, hậu đài, phụ máy, ánh sáng, múa minh họa... Và khi xem một clip về tranh cát thì tôi ứng dụng vào trình diễn. Lúc đó, kỹ thuật LED và video cũng phát triển nên gặp thời (cười). Tôi áp dụng những điều đã biết: kỹ năng vẽ nhanh, bố cục nhạc, múa, kịch câm, kỹ thuật trình diễn, kỹ thuật quay phim... vào tranh cát để tạo ra một màn trình diễn tổng hợp: hình ảnh, giai điệu và hình thể.

Tranh cát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp(Ảnh trái) vàTranh cát dự án Phật hoàng Trần Nhân Tông(Ảnh phải)

Có sự khác nhau nào giữa tranh cát động của VN mình và thế giới? Trong những lần biểu diễn giao lưu nước ngoài, sự đón nhận, cảm xúc của khán giả là người nước ngoài đối với phần biểu diễn của anh ra sao?

Mỗi nghệ sĩ đều có phong cách và kỹ thuật trình diễn riêng. Mỗi tác phẩm chứa đựng hơi thở, nhịp điệu của vùng đất mà họ đang sống. Dù có sự học tập và kế thừa lẫn nhau nhưng nội dung thì không ai giống ai. Tôi cũng chưa tiếp cận nhiều với các họa sĩ nên cũng không thể nhận xét hơn nữa.

Người trình diễn tranh cát không nhiều nên phần đông khán giả nơi tôi lưu diễn đều xem lần đầu. Họ thích thú và ngạc nhiên vì sự dung dị của cát mà có thể biến thành những hình ảnh đa dạng và chạm cảm xúc đến thế. Họ vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt, có lẽ vì lạ quá mà.

Biểu diễn tranh cát phục vụ sự kiện APEC năm 2017

Với mỗi tác phẩm, anh thường dành bao lâu để nghiên cứu kịch bản, câu chuyện để chuyển tải? Theo thời gian, thách thức đối với họa sĩ tranh cát là gì?

Tùy từng trường hợp. Có khi vừa nghe qua kịch bản là chạm ngay vào tác phẩm, kết cấu tiết mục, động tác, cảm xúc, hình ảnh tuôn ra ào ào. Nhưng có những tác phẩm phải ấp ủ khá lâu, đến lúc chín muồi có khi vài năm. Ví dụ như tác phẩm Như đã biết yêu của nhạc sĩ Võ Lê viết về vùng đất Bà Rịa, tôi phải mất vài năm tìm tư liệu để tái hiện những hình ảnh đặc trưng của vùng đất ấy. Hay như tôi đang thực hiện tác phẩm về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Từ lúc cầm bản thảo, đến giờ là 7 năm. Càng lâu năm thì nét vẽ phải càng điêu luyện, hình ảnh có tinh lực hơn, đó là thách thức lớn. Và mình cũng đối mặt với sự nhàm chán vì làm hoài một việc, vẽ và vẽ...

Trí Đức đạo diễn vở Con muỗi của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam

Vậy anh đã, sẽ phải luyện và giữ đôi bàn tay mình thế nào?

Muốn vẽ đẹp và uyển chuyển thì chỉ có cách tập luyện thường xuyên, tập đến độ nhuần nhuyễn, không cần nhìn vẫn cảm được. Khi tập luyện cùng kết hợp với âm nhạc, để động tác vẽ của mình “hòa tan” vào giai điệu, thú vị lắm. Còn để bảo vệ đôi bàn tay, tôi thường rửa tay bằng xà bông... trước khi ăn (cười).

Anh đã nghĩ đến việc truyền nghề chưa?

Tại TP.HCM có một nhóm cùng hoạt động trong lĩnh vực tranh cát là Câu lạc bộ tranh cát động. Anh em thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như công việc... nên cũng đầm ấm.

Riêng tôi, đã biên soạn tương đối hoàn chỉnh giáo trình Tập vẽ tranh cát biểu diễn dành cho các lớp tập huấn ngắn hạn. Clip Dạy vẽ tranh cát động thì vẫn đang nằm trong giai đoạn kịch bản và phân cảnh. Nhưng sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.

Báo Thanh Niên
03.10.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.