Họa sĩ Trí Đức: Tranh cát của tôi ‘duyên nợ’ với Báo Thanh Niên

Hoàng Kim
Hoàng Kim
21/06/2020 02:00 GMT+7

Ở Việt Nam, họa sĩ Trí Đức là người đầu tiên khai phá thể loại tranh cát, và cho đến bây giờ, loại hình nghệ thuật này vẫn rất hiếm người làm được, cũng đồng nghĩa Trí Đức vẫn giữ vị trí hàng đầu lão luyện.

Những buổi trình diễn của họa sĩ Trí Đức đã "đốn tim" biết bao nhiêu người. Còn bản thân người họa sĩ ấy thì lại lặng thầm, dễ thương vô cùng.
Khán giả nào từng xem những vở kịch của Nhà hát Thế Giới Trẻ của “bà bầu” NSND Hoàng Yến, như Âm binh, Cát trắng như gạo, Dưới cát là nước, và năm ngoái là vở cải lương Linh hồn của đá, thì chắc hẳn ấn tượng mạnh với những bức tranh cát tuyệt đẹp cứ liên tục xuất hiện trên màn hình làm nên một thế giới huyền ảo. Có một bàn tay uyển chuyển lướt nhẹ từng nét, rồi xóa đi mất tăm, tạo một cảm giác tiếc nuối lạ lùng. Bàn tay của Trí Đức - một họa sĩ lặng thầm tạo ra tác phẩm, rồi xóa đi như cõi vô thường… Và năm nay là cột mốc đúng 12 năm anh theo đuổi nghệ thuật tranh cát.

Tranh cát của họa sĩ Trí Đức trong vở kịch 'Âm binh'

Ảnh: H.K

Cơ hội từ Duyên dáng Việt Nam của Báo Thanh Niên

* Xin anh cho biết duyên nợ nào anh lại tìm đến thể loại tranh cát này?
- Họa sĩ Trí Đức: Đúng hơn, phải gọi nó là “tranh cát động” để phân biệt với “tranh cát tĩnh” mà mấy em nhỏ thường chơi, rắc cát lên tấm giấy để thành bức tranh. Tranh cát động đã có trên thế giới, nhưng ở nước mình thì chưa có. Tôi nhớ năm Báo Thanh Niên làm chương trình Duyên dáng Việt Nam thứ 19, cũng là năm cuối cùng đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thực hiện, thì tôi có tham gia làm đạo cụ. Trong lúc tôi ngồi nghỉ giải lao buổi trưa, thì có một anh đến cho tôi xem cái clip tranh cát của nước ngoài. Anh ấy nói: “Mầy xem nè, mầy nhắm vẽ được không?”. Tôi thích quá, không dám trả lời, nhưng về nhà tự mày mò làm thử.
Sô diễn đầu tiên của tôi là quảng cáo sản phẩm ti vi màn hình phẳng. Loại ti vi này hồi đó mới xuất hiện, hot lắm. Công ty sự kiện đi kiếm một người hoặc một tác phẩm lạ, thế là ông anh đó giới thiệu tôi. Họ chấp nhận ngay vì cái này mới toanh, nếu có hư thì người ta cũng… không phát hiện. Ai ngờ khán giả khen quá trời. Từ đó các công ty khác liên tiếp ký hợp đồng với tôi.
Nhưng tôi vẫn chỉ làm trong thầm lặng. Đến Duyên dáng Việt Nam lần 20, đạo diễn Đinh Anh Dũng săn tìm hình thức mới, tôi mạnh dạn đề nghị anh cho tôi thực hiện tranh cát. Anh hỏi: “Tranh cát là cái gì? Làm thử cho tôi coi mới được”. Tôi làm ngay, và anh ấy chấp nhận liền. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được báo chí nhắc đến, khen ngợi. Nói thiệt, thường thì báo chí chỉ khen ca sĩ, đạo diễn thôi, chứ mấy khi nhắc tới những người phía sau hậu trường, vậy mà lần đó tôi được “chường mặt ra”, cho nên tôi cảm ơn Báo Thanh Niên vô cùng.
* Theo nghề tranh cát mà không hề có ai hướng dẫn, anh có gặp khó khăn không?
- Tất nhiên có khó khăn chứ. Hồi đó đâu có những dụng cụ kỹ thuật "xịn" như bây giờ, từ camera cho tới màn hình và các thứ khác. Vì vậy mỗi tiết mục tôi phải tập dợt không dưới 30 lần mới sáng tạo vừa ý và thuộc lòng các nét vẽ. Bởi vẽ xong là xóa mất rồi, nếu quên thì không thể khớp với câu chuyện. Mãi cho tới năm 2012, tôi mới biết quay lại quá trình thực hiện tác phẩm để lưu, ổ cứng của tôi giờ có hơn 3.000 clip. Bây giờ tuy dụng cụ máy móc có tối tân hơn, nhưng tôi vẫn tập dợt khoảng 30 lần như thế, chứ không cẩu thả, chủ quan.
* Đúng là khi anh xóa bức tranh đi, khán giả ngồi bên dưới cứ xuýt xoa tiếc nuối...
- Dụng ý của tranh cát là ở cảm giác tiếc nuối. Nó vừa như thật mà vừa như ảo, thấy đó rồi mất đó, không nắm giữ được, một cảm giác mất mát khiến người ta càng phải tập trung để “giữ” nó trong ký ức, dù rất mong manh.
* Nó như cái đẹp và hạnh phúc trên đời, phải biết nắm lấy trong Here and Now (Ở đây và Bây giờ) thôi, rất gần với tinh thần thiền?
Tôi cũng thấy vậy. Một nghệ thuật không ồn ào, phải im lặng và tập trung mới thưởng thức được. Tuy nhiên, nó không đến nỗi quá tĩnh, mà nó kết hợp với nhạc, tôi phải vẽ theo những giai điệu. Khi giai điệu nhẹ nhàng thì bàn tay tôi di chuyển khác, nét vẽ cũng khác; còn khi giai điệu mạnh mẽ, cuồng nộ thì bàn tay tôi cũng “diễn” khác hơn. Tôi sử dụng bàn tay như một “diễn viên”, bởi tôi có quá trình làm kịch câm, biết sử dụng cơ thể để diễn. Có thể nói, trong quá trình biểu diễn tranh cát có sự kết hợp giữa nhạc, vẽ, và múa.

"Tôi từng đi biểu diễn chung với họa sĩ Trí Đức ở nhiều nước, trong các chương trình giao lưu văn hóa. Tôi phụ trách thời trang, còn Trí Đức diễn tranh cát. Nói về tranh cát thì tôi cảm giác anh ấy như "phù thủy", khi bàn tay đưa lên mờ mờ sau lớp kính là mọi đường nét hiện ra và rồi…biến mất. Anh ấy mê hoặc chúng tôi bằng những vũ điệu trên cát. Và ngoài đời là một Trí Đức rất khiêm tốn, thân thiện vô cùng, đồng nghiệp đều yêu mến".

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng

Tích lũy đủ thứ để có 'trái ngọt' hôm nay

* Anh có thể chia sẻ thêm về những nghề anh đã trải qua, chúng có phục vụ cho nghề tranh cát bây giờ không?
- Những gì mình tích lũy đều có ngày sử dụng. Hồi nhỏ tôi học múa rối, rồi tham gia trong Câu lạc bộ kịch học sinh Q.3, thời mà anh Hải Đệ và anh Lê Bình còn xông pha phụ trách. Đúng ra, Hải Đệ, Tất My Loan, Đoàn Khoa đều là học trò học múa rối với mẹ tôi, nhưng sau này họ phát triển theo kiểu tạp kỹ chung nhóm với anh Thanh Bạch, và tôi học ở nhóm này rất nhiều, đặc biệt là Hải Đệ. Quan điểm của họ bước lên sân khấu là phải đa năng, sáng tạo đủ thứ, vì vậy chúng tôi biết cả ca múa nhạc kịch, rối, kịch câm, vẽ, khiêu vũ… Tôi cũng tham gia biểu diễn trong chương trình Những người thích đùa của Thanh Bạch - Xuân Hương. Rồi nhờ rối mà tôi biết làm đạo cụ luôn, cho nên sau này tôi bôn ba khắp làng phim và sân khấu, hoặc các show ca nhạc, sống nhờ đạo cụ, tự gọi mình là “thợ đụng”, ai kêu gì cũng làm để vượt qua thời nghèo khó. Tôi cũng thuộc đội phản ứng nhanh, ai cần những hiệu ứng đặc biệt thường hay nhờ tôi làm.
* Nhưng anh cũng từng học qua trường sân khấu và mỹ thuật?
- Tôi thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM năm 1989, đậu á khoa, còn thủ khoa là anh Trường Long (hiện làm cho VTV9 ở phía Nam). Hai đứa tôi được chọn đi Tiệp Khắc học khoa đạo diễn, nhưng mới ra tới Hà Nội thì các nước Đông Âu tan rã, đành quay về. Lúc đó trường chưa có khoa đạo diễn, nên năm 1990, tôi thi vào trường Đại học Mỹ thuật. Đến 1991 thì trường mở khoa đạo diễn, nhưng lỡ học mỹ thuật rồi thì học luôn. Mà trong lúc học phải chạy show để nuôi thân, cho nên công việc nào cũng trải qua, nào làm rối, âm thanh, hậu đài, ánh sáng, đạo cụ, diễn vai quần chúng…. Có thời gian 15 năm tôi làm biên tập truyện tranh bên NXB Trẻ. Ngoài ra thì tôi tiếp tục làm “thợ đụng”. Nhớ có lần đi bộ phim suốt gần hai tháng trời dọc mấy tỉnh miền Trung, vậy mà về tới nhà lãnh cát sê chỉ vừa đủ mua hai cuốn sách. Đó là sách ngoại văn, một thời đắt như vàng, nhưng tôi đã mê nó, ngày nào cũng ra săm soi, có tiền là mua ngay. Cuốn tự điển về cơ thể học rất cần cho giới mỹ thuật, cho đến nay tôi vẫn dùng nó để sáng tạo ra các mẫu rối.
Tôi quên nói một chuyện, chắc duyên số đưa đẩy, khi học mỹ thuật, tôi chọn ngành vẽ lụa, là kiểu vẽ nhanh, tốc họa, ra ngay sản phẩm. Nó rất hợp với tranh cát sau này, vẽ là ra tác phẩm liền. Ngẫm lại, ông trời đều sắp đặt sẵn cho mình.

"Trái tim của họa sĩ và trái tim diễn viên phải hòa quyện thì vở kịch của chúng tôi mới chinh phục khán giả. Trí Đức không phải vẽ chỉ để minh họa cho câu chuyện, mà anh ấy vẽ như diễn, thổi hồn vào cát, truyền mọi cảm xúc cho cát để cát truyền lại cho người xem. Rung động lắm. Nhưng anh ấy không bao giờ tính toán vật chất khi làm nghệ thuật, chỉ lãnh cát sê bằng đúng cát sê của anh em trong đoàn, mà cứ dốc sức ra làm hết mình".

NSND Hoàng Yến

NSND Hoàng Yến và Trí Đức trong vở Cát trắng như gạo (ảnh: H.K)

NSND Hoàng Yến và họa sĩ Trí Đức trong vở Cát trắng như gạo

Ảnh: H.K

Sống được bằng nghề tranh cát

* Và bây giờ anh đã tự tin sống được bằng tranh cát?
Tôi cho rằng mình may mắn. Thực ra, ở nước ngoài đa số họ làm tranh cát để minh họa cho nhạc cổ điển thôi, còn ở Việt Nam thì tôi làm đủ thứ, ví dụ minh họa cho nhạc lẫn kịch, quảng cáo sản phẩm, hoặc các sự kiện (event) như tiệc cưới, lễ kỷ niệm, họp mặt công ty... Mấy năm nay đã có thêm 6 họa sĩ tranh cát, chúng tôi thành lập Hội tranh cát, và tôi là Hội trưởng. Chúng tôi chia show cho nhau, không sợ cạnh tranh.
* Các sự kiện (event) thường thuê ca hát nhộn nhịp chứ ai lại biểu diễn tranh cát trong im lặng như thế? Và anh phải viết luôn kịch bản cho mỗi event chứ?
Dĩ nhiên tôi tự viết kịch bản rồi. Tôi học tạp kỹ mà, phải biết làm nhiều việc. Gu thưởng thức của khán giả bây giờ phong phú lắm. Event cũng có nhiều loại, và khi họ chọn tranh cát thì tất nhiên họ có khán giả riêng của họ. Mọi người dường như nín thở dõi theo từng nét vẽ của tôi, rồi vỗ tay vang cả khán phòng. Tôi rất hạnh phúc. Kiếm tiền bằng event thì nhiều đó, nhưng niềm vui của nghệ thuật cũng nhiều không kém. Sợ nhất là kiếm tiền mà người ta rẻ rúng nghệ thuật của mình.
* Và bây giờ anh đã có một xưởng sản xuất riêng cho mình?
- Tôi dành dụm tiền mua miếng đất 200m2 ở tuốt Nhà Bè cho nó rẻ. Ở đó tôi làm xưởng để sản xuất đạo cụ. Tôi vừa nhận một hợp đồng làm con gấu cho phim, hôm nọ tôi mặc thử vào và đi ra xóm, bà con cô bác hốt hoảng vì giống như thiệt. Vụ này là do tự ái nghề nghiệp. Hôm nọ anh đạo diễn định nhờ Holywood làm con gấu này. Tôi nói: “Mắc gì phải nhờ tới nước ngoài, ở trong nước mình cũng làm được vậy”. Anh ấy hỏi: “Ai làm?”, “Tui nè”. Thế là anh đưa tôi làm luôn. Nhờ cuốn tự điển cơ thể học mà tôi đã hoàn thành con gấu. Tôi thích thử thách trong những cái mới như thế, chứ đi hoài một lối cũng chán.
* Hóa ra cái gien múa rối của cha mẹ anh vẫn còn rất đậm trong anh?
- Đúng rồi. Học múa rối là biết làm con rối và đạo cụ luôn. Nhưng tôi cho rằng làm nghề gì cũng phải hết mình, tổ nghiệp không bao giờ bỏ mình. Tôi chỉ mong góp chút sức vinh danh cho nghề. Giữ nghề đã khó, phát triển nó càng khó hơn. Nhưng mình cứ cố gắng thì sẽ có kết quả.
* Cảm ơn anh. Chúc anh tiếp tục thành công với những ước mơ về rối và tranh cát.
Họa sĩ Trí Đức sinh năm 1971 tại Hà Nội. Cha anh là NSƯT Đặng Lợi, dân Bến Tre tập kết ra Bắc, người đầu tiên được Nhà nước chỉ định thành lập Đội Múa rối T.Ư -  tiền thân của Nhà hát Múa rối Việt Nam bây giờ. Mẹ anh là nghệ sĩ rối Hồng Liên, cùng công tác chung với cha anh. Sau 1975, cả gia đình anh trở vào Nam, và NSƯT Đặng Lợi được giao nhiệm vụ phát triển múa rối với vị trí Trưởng đoàn Múa rối TP.HCM, nay là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (chung với xiếc). Từ nhỏ, Trí Đức đã theo các lớp học rối, và sau này tiếp thu thêm nhiều bộ môn khác như: tạp kỹ, mỹ thuật, sân khấu, tranh cát..., nhưng rối vẫn là niềm đam mê chưa dứt trong anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.