Hoàng Anh Gia Lai phản pháo lại cáo buộc

18/05/2013 03:50 GMT+7

Hôm qua 17.5, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã tổ chức buổi gặp gỡ trao đổi thông tin về các hoạt động đầu tư của mình tại Lào và Campuchia để giải đáp tất cả những thắc mắc từ cáo buộc của Tổ chức phi chính phủ Global Witness .

Global Witness "không chịu" qua Lào, Campuchia kiểm tra 

Hoàng Anh Gia Lai phản pháo lại cáo buộc

Rất nhiều cơ quan báo chí trong và nước ngoài có mặt tại buổi gặp gỡ của HAG - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo Chủ tịch Tập đoàn HAG Đoàn Nguyên Đức, cáo buộc HAG “chiếm đất”, hủy hoại sinh kế của người dân Lào, Campuchia của Tổ chức phi chính phủ Global Witness (GW) được phát đi đã khiến nhiều người hoang mang. Có ngày, ông nhận hàng trăm cuộc  điện thoại của cổ đông, đối tác, các tổ chức đầu tư, báo chí... hỏi về vấn đề này. Rất nhiều tiết lộ trong buổi gặp gỡ khiến câu hỏi về động cơ của các cáo buộc càng thêm nóng bỏng.

"Đòi" gặp riêng

 

GDP bình quân của tỉnh Attapeu đã tăng gấp 3 lần khi HAG đầu tư vào đây, từ 300 USD lên 1.000 - 1.100 USD/năm. Hiện thu nhập trung bình của công nhân làm cho chúng tôi vào khoảng 250 - 300 USD/tháng. Nói chúng tôi chiếm đất, dân không có việc làm là hoàn toàn bịa đặt

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAG

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, 18 giờ ngày 16.5 ông đã nhận thư trả lời chính thức của GW về việc sẽ không qua Việt Nam theo lời mời của HAG. Điều đáng nói là trước đó tổ chức này gửi thư đòi gặp đích danh ông Đoàn Nguyên Đức vào đầu tháng 6. Do thời điểm này ông Đức phải qua khởi công dự án ở Myanmar nên chuyển lời mời GW và các hãng thông tấn báo chí mà tổ chức này đã gửi cáo buộc nói trên như BBC, AFP, Reuters... vào tháng 5 tại Việt Nam. Sau đó, tất cả sẽ cùng bay qua Lào, Campuchia, tới tận nơi mà GW cáo buộc HAG "cướp đất" để kiểm tra. Tuy nhiên, GW không đồng ý qua Lào, Campuchia và cũng không đồng ý gặp chung với các cơ quan truyền thông. "Họ đòi gặp riêng tôi và chỉ gặp tại văn phòng của HAG" - ông Đức nói.

Khi không đạt được mong muốn "gặp riêng và chỉ gặp tại trụ sở của HAG" thì GW đã gửi thư từ chối qua Việt Nam như nói trên. "Tại sao phải gặp riêng tôi? Tại sao không gặp chung cho minh bạch bởi đó là những hãng thông tấn báo chí mà họ gửi bản cáo buộc chúng tôi? Họ cáo buộc chúng tôi "chiếm đất, hủy hoại sinh kế" ở Lào, Campuchia nhưng lại không chịu tới tận nơi để kiểm chứng? Nói thật tôi hơi thất vọng và đến lúc này tôi đang suy nghĩ, có nên gặp họ nữa không. Tôi muốn mọi cái công khai, minh bạch nhưng không phải họ yêu cầu gì mình cũng phải làm theo" - ông Đức nói.

GW không qua nhưng ngay sau khi cáo buộc trên được đưa ra, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (trực thuộc Ngân hàng Thế giới - WB), tổ chức có đầu tư vào một quỹ giữ cổ phần của HAG đã bay từ Hồng Kông sang Gia Lai để thẩm định hoạt động của tập đoàn này mà không cho ông Đức được tham gia. Sau khi thẩm định, kết luận của IFC là "tốt, không có vấn đề gì" - ông Đức cho biết.

Không lấy gỗ, không chiếm đất

Ông Đức cũng tiết lộ một thông tin "chưa bao giờ" công bố, đó là khi HAG tài trợ 19 triệu USD để Lào tổ chức Sea Games 25 năm 2009, đến ngày trả nợ, chính phủ Lào đã đề nghị thanh toán bằng gỗ nhưng HAG không chấp nhận mà chỉ đồng ý lấy tiền mặt. Thời điểm đó, rất nhiều công ty muốn "mua lại quota gỗ này" của HAG nhưng tập đoàn kiên quyết nói không. Cho đến nay, khoản nợ này đã được chính phủ Lào trả gần hết. Thậm chí, dù được phép nhưng HAG cũng không tham gia đấu thầu khai thác số gỗ trên diện tích đất khai hoang mà tập đoàn đã làm thủ tục thuê để trồng cao su. Kể những câu chuyện này, ông Đức một lần nữa khẳng định, từ trước tới nay, HAG không hề mua bất kỳ một khối gỗ nào của Lào. Vì vậy, hình ảnh đốn rừng, chở gỗ về Việt Nam trong video clip mà GW công bố là hoàn toàn sai sự thật.

Tương tự, đối với cáo buộc "chiếm đất" ông Đức khẳng định, việc cấp đất ở các nước này cực kỳ chặt chẽ, lắm thủ tục và phải thông qua rất nhiều bộ, ngành các cấp. Chỉ riêng việc này, cũng mất cả năm trời. Đầu tiên, Bộ Nông nghiệp của nước sở tại sẽ xuống "khoanh vùng" đất của dân và bộ có thẩm quyền tiến hành cấp sổ đỏ cho các hộ dân này. Số đất còn lại mới tiếp tục xem xét có nằm trong quy hoạch hay không, có được trồng cao su không... Sau đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục thẩm định năng lực của nhà đầu tư. Rồi họp liên ngành nhiều lần để đánh giá, bàn bạc... nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sẽ trình thủ tướng ký quyết định cho phép khai hoang nhưng không được lấy gỗ. Gỗ là của chính phủ và chính phủ đứng ra tổ chức đấu giá số gỗ này. HAG được phép đấu thầu này nhưng tập đoàn không tham gia. "Nói như vậy để thấy, chúng tôi không chiếm và cũng không thể chiếm được đất của dân" - ông Đức nói và khẳng định "từ trồng cao su cho đến làm việc trong các nhà máy, trung tâm... của chúng tôi đều là người dân địa phương. GDP bình quân của tỉnh Attapeu đã tăng gấp 3 lần khi HAG đầu tư vào đây, từ 300 USD lên 1.000 - 1.100 USD/năm. Hiện thu nhập trung bình của công nhân làm cho chúng tôi vào khoảng 250 - 300 USD/tháng. Nói chúng tôi chiếm đất, dân không có việc làm là hoàn toàn bịa đặt".

Khẳng định 99,9% cáo buộc của GW là sai sự thật song ông Đức cho biết, cáo buộc này đã "thức tỉnh" HAG trong việc hoàn thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới (chứ không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của nước sở tại như hiện nay) về vấn đề môi trường. Hiện HAG đã mời các tập đoàn, các tổ chức tư vấn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này để đánh giá lại toàn diện hệ thống môi trường cho tập đoàn; HAG cũng sẽ thực hiện chứng chỉ rừng bền vững (FSC) để "không bao giờ có chuyện tương tự xảy ra nữa" - ông Đức nói.

Mai Ka

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.