Hoàng Công Lương: Bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/01/2019 19:15 GMT+7

Bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng, nguyên nhân gây chết người là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, còn bản thân mình không thể là nguyên nhân gây chết người.

Cuối phiên xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chiều 15.1, bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) lần đầu được tòa gọi lên bục khai báo. Trả lời câu hỏi về việc có ý kiến gì về nội dung truy tố trong cáo trạng mà Viện kiểm sát đã công bố hay không, bị cáo Lương khẳng định: Không đồng ý về cáo buộc của Viện kiểm sát về tội danh đối với mình tội Vô ý làm chết người.
“Nguyên nhân gây chết người là do tồn dư hóa chất trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, bị cáo không thể là nguyên nhân gây chết người. Những hành vi của bị cáo mà Viện kiểm sát mô tả trong cáo trạng không theo một quy định pháp luật nào và không đúng”, bị cáo Lương nói, và cho biết ngay từ khi nhận được cáo trạng đã có khiếu nại đối với các nội dung bị truy tố.
Bị cáo 33 tuổi cũng cho biết, bản thân chỉ được đào tại 2 tháng về kỹ thuật lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai vào cuối năm 2010 và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Bệnh viện Bạch Mai cấp. Tuy nhiên, khi học chỉ được giới thiệu tổng quan về nước trong lọc máu và bản thân không chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong quy trình chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
“Theo quy chế của Khoa (Hồi sức tích cực - PV) thì trách nhiệm này thuộc về trưởng khoa, nhưng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thì trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm, vì đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư chịu trách nhiệm nên trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này thì kỹ sư của Phòng Vật tư thiết bị y tế là người phải chịu trách nhiệm”, bị cáo Lương nói.
Theo bị cáo, là bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, tại Khoa Hồi sức tích cực, bị cáo được phân công công tác với chức danh bác sĩ điều trị. Còn Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực và các bác sĩ được phân công luân phiên nhau xuống làm việc.

"Không biết sau khi sửa chữa cần phải làm gì trước khi vận hành"

Liên quan trực tiếp tới sự cố chạy thận ngày 29.5 khiến 9 người tử vong, khi tòa hỏi có biết việc trước đó, ngày 28.5, hệ thống lọc nước RO số 2 được sửa chữa không, bị cáo Lương khai bản thân mình và tất cả nhân viên đều biết có việc sửa chữa hệ thống RO. Khi tòa hỏi sau khi sửa chữa cần phải làm gì trước khi đưa vào vận hành, thì Hoàng Công Lương cho rằng việc này không biết vì không phải trách nhiệm của mình.
Tòa tiếp tục hỏi: Trước khi ra y lệnh, có ai nói cho bị cáo biết là hệ thống hoạt động được chưa không? Bị cáo Lương trả lời, sáng 29.5, điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường. Khi tòa hỏi điều dưỡng có trách nhiệm phụ trách, quản lý chất lượng nguồn nước RO số 2 không, thì bị cáo Hoàng Công Lương khai không biết, nhưng khi điều dưỡng Điệp thông báo đã sửa chữa xong nên bản thân tin là đã xong và vận hành được.
“Phòng Vật tư bàn giao cho đơn nguyên sử dụng thì đương nhiên nước đã được an toàn”, bị cáo Lương nói và cho hay, việc bàn giao này được thực hiện bằng miệng thông qua thông báo của các điều dưỡng, sau khi phòng vật tư thông báo cho người của Đơn nguyên thận nhân tạo là hệ thống đã sửa xong và an toàn.
Tòa tiếp tục hỏi, Trưởng phòng Vật tư có thông báo không, bị cáo Lương khai Trưởng phòng Vật tư không thông báo cho bị cáo nhưng nhân viên phòng vật tư là bị cáo Trần Văn Sơn đã thông báo cho điều dưỡng Điệp. Theo bị cáo, từ trước đến nay khi Phòng vật tư bàn giao cho đơn nguyên thì đơn nguyên sẽ tiếp tục sử dụng chứ Trưởng phòng Vật tư và ngay cả Trưởng khoa, Phó khóa Hồi sức tích cực phải thông báo trực tiếp cho bác sĩ.
Theo cáo trạng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình cho rằng, bị can Hoàng Công Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, là người thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, nên biết rõ nội dung và thời gian sửa chữa.
Ngày 29.5.2017, bị can Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận, đồng thời, chính y lệnh lọc máu chạy thận của bị can Lương cũng như việc bị can này ký xác nhận vào y lệnh của bác sĩ Linh, bác sĩ Huyền có hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân.
Do đó, Viện kiểm sát cho rằng, bị can Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29.5.2017, ngày xảy ra tai biến.
Bên cạnh đó, với trình độ và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, sáng 29.5.2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc bị cáo Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị khiến 9 người chết.
Từ đó, Viện kiểm sát cho rằng, có đủ căn cứ để truy tố bị cáo Lương tội Vô ý làm chết người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.