20 ngày Trường Sa

27/01/2008 22:35 GMT+7

Hành trình 20 ngày trên biển của chúng tôi đã kết thúc. 3 con tàu đi 3 cánh đã hẹn nhau cùng về bến cảng Cam Ranh một ngày. 20 ngày, đi hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thăm hỏi, động viên và chúc Tết những người giữ đảo đã qua nhanh như một giấc mơ...

1. Những cảm giác của lần đầu tiên nhìn thấy đảo sau mấy ngày sóng và gió thật lạ. Là sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngọn hải đăng của đảo Song Tử Tây, là cảm động khi nhìn những bóng áo lính hải quân trắng bên cầu cảng đứng đón đoàn. Sự thanh bình, yên ả của hòn đảo khiến người ta như chợt quên đi rằng đang ở rất xa đất liền mà ngỡ như đang ở một thị trấn ven biển nào đó. Cái khác có chăng là không có tiếng động của phố xá, chỉ có tiếng gió hun hút thổi, tiếng sóng biển ầm ào ngỡ như không bao giờ dứt, và trên đảo toàn là bóng dáng đàn ông.

Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi được tham dự lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây, mặt trời đang mọc lên ở phía ngọn Hải đăng. Những con chó ngồi thật bình yên dưới chân các chiến sĩ. Đảo nhỏ, nên các con vật nuôi cũng luôn quấn quýt bên con người. Song Tử Tây là đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa có nuôi bò, những con bò ăn rau muống biển, ăn lá cây mù u và mùa khô chúng ăn cả giấy báo, bao xi măng, thậm chí là quần áo nếu vớ được. Cùng với Nam Yết, đây là hòn đảo mà chúng tôi được ở lại trên đảo một đêm, được sống một cuộc sống với những người giữ đảo ở đây, để biết thêm những điều bằng chính cảm giác của mình chứ không còn là nghe kể...

2. Biển bình yên, bình yên đến hơn 10 ngày đầu của cuộc hành trình. Một sự lạ hay điềm lành của thiên thời địa lợi khi mùa này vốn là mùa biển động? Đảo chìm 3 điểm Đá Lớn lẽ ra là tuyến cuối của hành trình đã được đổi lên trên. Và chúng tôi đã được đến cả 3 điểm đảo, vốn là chuyện xưa nay hiếm vì do địa thế, thường thì tàu chỉ ghé điểm A. Đảo chìm còn khó khăn lắm. Nỗi khổ của thiếu nước ngọt, của sự chật chội, của gió biển quanh năm vi vút thổi, của những bất thường thời tiết, đảo chìm dường như luôn gánh nặng hơn đảo nổi nhiều phần. Mâm ngũ quả nhựa, cành mai nhựa đặc trưng của Trường Sa, ở đảo chìm cũng nhỏ hơn đảo nổi. Người lính đảo chìm cái cười cũng khắc khổ hơn, màu da sẫm hơn và niềm vui khi gặp người từ đất liền đến đảo cũng rưng rưng hơn. Chó ở đảo chìm rất nhiều, nhiều như cộng những nỗi cô đơn của người giữ đảo lại. Và thân thiết như bạn, như một trong số những nhân khẩu chính thức của đảo. Ở Đá Tây, mỗi khi xuồng của các đoàn ghé đảo, cả đàn chó thường bơi ra đón xuồng, rồi theo xuồng lên đảo. Rau xanh ở đảo chìm cũng như đảo nổi y như những bồn hoa, luôn được chăm chút và nâng niu. Những thau nước ngọt trong veo dành cho khách đất liền rửa mặt, rửa tay xếp thành dãy ngay ngắn. Khách đất liền vốc nước ngọt lên để xoa đi những giọt nước mắt nghẹn lại vì thương người ở đảo chìm xiết bao. Chị Thu Thủy - biên tập viên của VTV6 và tôi không bao giờ quên bắt tay rồi đọc tên bất cứ người lính nào chúng tôi gặp, và không bỏ sót ai.

3. 10 ngày sau của cuộc hành trình biển không còn dễ dàng bình yên. Tuân theo quy luật của thời tiết, những đợt cao áp lạnh tràn xuống từ phương Bắc gặp khí ấm từ biển tạo thành những cơn áp thấp nhiệt đới trên biển. Cơn nọ tiếp cơn kia. Biển luôn động ở cấp 5, cấp 6 có lúc trên cấp 7. Những người lính trong đợt chuyển quân say sóng ngất ngây. Có lẽ vùng 4 rất cần ít ra là một chiếc tàu chuyển quân có đủ giường nằm cho các chiến sĩ, để họ không phải nằm võng ngoài trời suốt chuyến hành trình dài. Biển động mãi. Có những đảo chúng tôi neo tàu vài ngày trên biển mà không sao vào đảo được vì sóng cả, gần đảo, sóng dữ hơn ngoài khơi xa. Cứ đứng trên mạn boong tàu mà nhìn vào đảo xa, để hôm sau vào, nghe các anh kể, các anh cũng nhìn thấy tàu của chúng tôi, cũng biết trên tàu có con gái vì thấy bóng tóc dài.

Các chiến sĩ phơi báo và thư bị ướt (ảnh: Thái Hòa)

4. Bao nhiêu những chuyện vốn nghe kể như những huyền thoại thì đến đảo được chứng kiến tận mắt, mà ngỡ ngàng vẫn còn nguyên. Cậu quay phim trẻ Vũ Anh khoe với tôi tờ 10 ngàn và kể: "Em ở trên đảo Sơn Ca hôm trước, vừa tắm xong vào nằm trong giường thì có chú lính mang tiền vào nói, các anh đánh rơi tiền phải không? Em nói không, nhưng chú lính cứ khăng khăng đưa tiền cho em nói, tiền này ướt, các anh lại vừa tắm ở bể, mà ở trên đảo, bọn em không tiêu tiền nên không bao giờ có tiền rơi đâu!". Những nhà báo cũng đi tìm những mầm cây bàng vuông, mong về đất liền có thể trồng làm kỷ niệm. Những trái bàng vuông to, xanh ngắt, những cây nhàu - một loại trái cây có thể làm thuốc, ngâm rượu hay uống thay trà cũng được trồng rất nhiều trên đảo. Báo Thanh Niên mang ra các đảo nổi hạt giống cây Moringa, còn gọi là cây chùm ngây, có thể dùng thay rau xanh, vừa là thức ăn vừa là dược liệu quý, chịu được thổ nhưỡng cát và gió sa mạc. Mong sao cây Moringa hợp thổ nhưỡng của những hòn đảo nổi ở Trường Sa, để lần sau nếu tôi có dịp quay lại, sẽ thấy được sinh thái ở đảo có thêm một loại cây mới mà người ở đảo có thể khoe với khách đất liền!

5. Những hồi còi tàu chào đảo khi đến và khi đi bao giờ cũng da diết đến cay mắt. Đảo nhỏ thế, chắc hẳn những người ở đảo ở bất cứ vị trí nào cũng nghe rõ tiếng còi tàu. Ước mong làm sao từ xa có thể nhìn thấy cột mốc chủ quyền của VN trên đảo. Ở Nam Yết, tôi tình cờ tìm thấy một cột trụ ghi năm 1956, phái bộ quân sự đã đến thăm đảo và công nhận tính hợp pháp của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, một phần không thể tách rời của Tổ quốc VN. Nhưng những cột mốc chủ quyền ở các đảo còn nhỏ, còn chưa xứng và chưa đặc trưng hồn cốt VN. Tại sao chúng ta không xây những cột mốc bằng vật liệu bền vững, bốn mặt với 4 thứ tiếng khẳng định chủ quyền của VN? Để những con tàu khi đi ở phạm vi cho phép ngoài khơi kia, bằng ống nhòm họ có thể đọc được? Mong sao hy vọng ấy chóng thành hiện thực, để thêm một lần ở Trường Sa, ở biển Đông mà tự hào Việt Nam.

Ngay khi chưa rời đảo Nam Yết, chặng dừng chân cuối cùng của con tàu HQ936, chúng tôi đã chạm mặt với cơn áp thấp nhiệt đới đầu tiên. Cơn áp thấp nhiệt đới báo hiệu bằng những cơn mưa xuống đảo. Mưa như không ngớt, mưa cũng là mong ước như may mắn đến cho sinh thái của đảo xa này. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Sửu thì đầy lo lắng vì với kinh nghiệm của người đi biển, anh biết, áp thấp đã hình thành ở vùng biển này. Sau bữa cơm trưa và buổi chia tay vội vã, con tàu quay mũi hướng về đất liền. Nghe là vậy nhưng cũng phải đi mất hai ngày hai đêm, và đó là những ngày chúng tôi biết mùi sóng dữ. Sóng trào ướt hết trên mặt boong dưới, đôi khi hắt lên cả boong trên. Ngồi trong phòng nhìn ra ô cửa tròn bé xíu, thấy tàu nghiêng ngả trong sóng gió để thấy cùng lúc cả trời và cả mặt biển. Mong nhìn thấy cá heo dù đã thấy vài lần ở ngoài biển khơi. Nếu cá heo xuất hiện lúc biển đang động có nghĩa là biển sắp bình yên.

6. Rồi cũng bình yên sau những ngày sóng gió, khi 3 con tàu đã nối đuôi nhau bỏ neo trong vịnh Cam Ranh. Trước đó khi nhìn thấy đất liền, là hiển hiện những rặng núi xa xa của Nha Trang, là tiếng reo hò không dứt của những người lính đảo có mặt trên tàu được về ăn Tết quê nhà mùa xuân này. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng chạy ra boong tàu để được là những người đầu tiên nhìn thấy núi dù mới chỉ đi xa chưa tròn 1 tuần trăng. Đất liền là thiêng liêng, là khao khát như thế đó với những người sống dài ngày trên biển, trên đảo xa. Và tôi chợt hiểu, với những người lính đảo đã chấp nhận một cuộc sống xa nhà, chịu nhiều gian khổ, nhiều thiếu thốn để giữ biển đảo quê hương chính là một sự hy sinh đáng để nghiêng mình như câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo mà tôi cứ nhớ mãi: "bởi anh biết: nếu lòng mình đổi khác, giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!".

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.