Hoàng Vân Anh 'đệ tử chân truyền' của Ái Như

15/10/2017 06:47 GMT+7

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) có một cô đào trẻ thường đóng vai chính, mà khán giả hay kháo nhau: “Giống như con của nghệ sĩ Ái Như !”. Đó là Hoàng Vân Anh, người kế thừa nội lực của Ái Như một cách lạ lùng.

Thực sự Vân Anh giống Ái Như không thể tả. Khuôn mặt lúc Ái Như còn trẻ cũng na ná như thế, tròn trịa, phúc hậu, hiền lành. Một gương mặt như thế, cộng với vóc dáng mảnh mai như một sợi mây nhẹ vắt ngang bầu trời trong veo, dễ làm người ta bâng khuâng, thương cảm. Vân Anh toát lên sự trong trẻo tinh khôi, hóa thân vào những nhân vật chân thành, hồn hậu cứ như là “không diễn”.
Kiểu như cô Lan của anh Điệp (vở Lan phải sống) vậy. Lan trong chiếc áo dài bằng vải mộc màu trắng tinh, ngây thơ đặt trọn trái tim vào một cuộc tình, nhưng đã thấy dấu hiệu của sự mong manh đổ vỡ. Hoặc như Thà (Bao giờ sông cạn) với nỗi đau mà Nguyễn Ngọc Tư thả vào miền sông nước, chấp nhận rút lui để bảo vệ con mình rồi lênh đênh trên chiếc ghe cũ như một cái bóng dõi theo hạnh phúc của con. Út Trâm (Chuyện bây giờ mới kể) hoặc Bún (Hồi xưa biển ngọt) cũng bị người mình yêu thương nhất phản bội...
Bi kịch phụ nữ mà Vân Anh gánh vác thường mang chữ “tình”, dở dang, tủi hận. Nhưng hình như chưa nhân vật nào “hận” đàn ông cả, chỉ vừa đủ giận thôi đã chuyển sang thương. Bi kịch một chiều, không trả thù, không đấu tranh nội tại, không lên án, không phân bua. Cứ lặng lẽ chấp nhận như con nước trôi xuôi, như những mảnh đời ngày xưa vốn vậy. Thế mới làm khán giả đứt ruột, sụt sùi và tìm đến Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Người ta cũng nhớ Vân Anh là vì vậy.
Tuy nhiên, bước khỏi sàn diễn, Vân Anh khác hẳn. Cô nói: “Tôi không hề giống những nhân vật của mình chút nào. Tôi không chấp nhận bi kịch kiểu đó và muốn làm chủ cuộc đời mình chứ không để người ta nhào nặn như thế. Như nhân vật Bún, chồng có vợ bé thì tôi xử lý kiểu khác. Hoặc như Lan, chắc tôi cũng không vô chùa. Tôi nghĩ phụ nữ bây giờ có sức mạnh về kinh tế và tâm lý hơn xưa, không đến nỗi chấp nhận bi kịch như vậy nữa”.
Vân Anh mồ côi cha từ năm 14 tuổi, mẹ cô phải bươn chải nuôi 3 con. Cô thi vào Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM và tự làm thêm kiếm chút tiền trang trải phụ mẹ. Ra trường thì về ngay Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, nhưng chỉ đóng vai nhỏ nên không đủ sống, cô phải tìm việc làm thêm.
“Tôi học cô Ái Như và thầy Thành Hội suốt 3 năm trong trường, lại về Hoàng Thái Thanh 8 năm nữa, coi như học tiếp với thầy cô, bảo sao mà không giống. Chưa kể, các nhân vật bi kịch đều có cái khuôn na ná như vậy. Tôi nghĩ, mình cứ làm sao cho giống nhân vật là được rồi. Diễn không ra nhân vật mới đáng lo”, Vân Anh tâm sự.
Thật ra, Ái Như - Thành Hội từng đào tạo nhiều diễn viên như Tuyết Mai, Ngọc Duyên, Quốc Thịnh... chuẩn mực từ diễn xuất cho tới ứng xử. Trong đó Vân Anh được gọi là “chân truyền” vì cô có gương mặt và diễn xuất giống Ái Như nhất. Vân Anh ao ước: “Tôi thèm một vai phụ nữ hiện đại với bi kịch thời hiện đại, để tôi diễn đúng con người mạnh mẽ, năng động của hôm nay”.

tin liên quan

'Hồi xưa biển ngọt' lên sàn tập
Tạm chia tay những câu chuyện thấm đẫm tình quê ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ, lần này Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) sẽ đưa khán giả đến với vùng ven biển miền Trung đầy nắng gió với vở kịch Hồi xưa biển ngọt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.