Học cách khiêm nhường hơn để thành công và hạnh phúc hơn

Tạ Ban
Tạ Ban
29/08/2020 04:10 GMT+7

'Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu', sự khiêm nhường, khiêm tốn giúp chúng ta tăng hạnh phúc, củng cố các mối quan hệ và đạt được thành công trong nghề nghiệp. Nhưng ta phải bắt đầu từ đâu đây?

Tiến sĩ Daryl R. Van Tongeren, giảng viên Trường đại học Hope (Mỹ), chia sẻ trên PT rằng trong xã hội hiện tại, chúng ta cần sự khiêm nhường hơn bao giờ hết.
Các xu hướng gần đây ở Mỹ cho thấy ái kỷ đang tăng đều đặn. Sự bùng nổ trong việc tự đề cao bản thân và quyền lợi đã đầu độc các mối quan hệ, tàn phá môi trường công sở, tạo ra sự chia rẽ ngày càng tăng trong chính trị và thúc đẩy cuộc chiến văn hóa.
Chúng ta quên cách thể hiện sự không đồng ý một cách hiệu quả và lịch sự. Chúng ta tự giam mình với những phản hồi thiên về bảo thủ thay vì tư duy cởi mở, tò mò và tự do tìm hiểu. Chúng ta chứng kiến sự kiêu ngạo ở gia đình, khu phố, nơi làm việc và ngoài xã hội.
Tiến sĩ Daryl R. Van Tongeren phân tích, trong khi đó, sự khiêm tốn cung cấp cho chúng ta cách để thu hút chính ta và những người khác vào sự trung thực, ham hiểu biết và cởi mở.
Khả năng trình bày ý tưởng và quan điểm của mình một cách khiêm nhường, chia sẻ lời khen ngợi và sự khiển trách, để ý đến nhu cầu của người khác, đã được chứng minh là giúp tăng hạnh phúc, củng cố các mối quan hệ và đạt được thành công trong nghề nghiệp, theo PT.

Sự khiêm nhường có sức mạnh biến đổi, giúp thay đổi cuộc sống, các mối quan hệ, công việc và cả xã hội loài người

Ảnh minh họa: Shutterstock

Tính khiêm nhường được ca ngợi như một nhân đức cổ xưa, nhưng nó dần bị coi thường và mất giá trị. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học gần đây đã bắt đầu tiết lộ những điều mà tổ tiên chúng ta đã biết - rằng sự khiêm nhường có sức mạnh biến đổi, giúp thay đổi cuộc sống, các mối quan hệ, công việc và cả xã hội loài người.
Sự khiêm nhường là không đề cao cái tôi của bản thân quá mức, cũng không hạ thấp nó. Khiêm nhường liên quan đến nhận thức - tự nhận thức chính xác về điểm mạnh và điểm yếu của một người; cởi mở - khả năng chấp nhận phản hồi và phê bình khi trình bày quan điểm một cách tôn trọng; sự thấu cảm - mối quan tâm thấu cảm đối với sự khỏe mạnh, hạnh phúc của người khác.
Tiến sĩ Daryl R. Van Tongeren đưa ra 3 bước để chúng ta phát triển tính khiêm nhường, khiêm tốn, theo PT:

1. Tìm kiếm phản hồi

Tìm nhận xét trung thực từ nguồn đáng tin cậy như người thân, bạn đời, bạn thân, đồng nghiệp... Hỏi xem họ thấy bạn khiêm nhường như thế nào, điểm mù của bạn ở đâu và cách để bạn có thể nhận thức, cởi mở hoặc thấu cảm hơn.

2. Đặt sự phòng vệ của bạn sang một bên

Bạn có thể không thích những phản hồi được nghe và phản ứng bằng cách phủ nhận mọi hành vi sai trái, chuyển sự tức giận về phía nguồn phản hồi hoặc kết tội họ kiêu ngạo ra sao. Nếu phòng vệ như vậy thì phản tác dụng mất rồi.
Hãy dành một chút thời gian để chứng thực với bản thân về mọi điều và đón nhận quá trình này như cơ hội để học hỏi và phát triển. Hãy hiểu rằng phát triển tính khiêm nhường đòi hỏi thời gian, nỗ lực và cởi mở để tiếp thu.

3. Tập trung vào sự thấu cảm

Sự thấu cảm gồm 2 phần: khả năng nhìn nhận quan điểm của người khác và sự quan tâm chân thành đến hạnh phúc của người khác. Xây dựng sự thấu cảm giúp chúng ta trau dồi tính khiêm nhường. Trước khi phản hồi quan điểm của người khác, hãy tự hỏi mình 2 câu:
1. Tại sao các quan điểm khác có thể đúng?
2. Tôi sẽ phản ứng thế nào nếu tôi đối xử với người kia như thể họ đã cố gắng hết sức?
Sự thấu cảm có thể giúp phá vỡ khuôn mẫu tập trung vào bản thân và kết nối chúng ta với những người khác.
Ba bước trên đây có thể giúp chúng ta bắt đầu phát triển tính khiêm nhường. Và khi làm vậy, chúng ta sẽ được ngạc nhiên về cách quan điểm của mình được mở rộng và cách các mối quan hệ thăng hoa, theo PT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.