Học kiểu mới - Kỳ 2: Gặp khó khi thực hiện đại trà

22/10/2013 00:00 GMT+7

Sĩ số đông, cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên không đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp… là những vấn đề mà ngành giáo dục phải đối mặt khi thực hiện mô hình trường học VN mới sẽ áp dụng đại trà sau năm 2015.

Học kiểu mới
Nhiều trường đã triển khai mô hình trường học VN mới nhưng vẫn chưa có các góc học tập theo đúng chuẩn của các nước - Ảnh: Tuệ Nguyễn

Chưa đúng mô hình khi áp dụng ở Việt Nam

Trong năm học 2012-2013, Hà Nội chỉ có một trường thực hiện mô hình trường học VN mới (VNEN). Đến năm học này, Hà Nội quyết định triển khai ở 50 trường. Tuy nhiên, nơi áp dụng nhiều chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực ngoại thành.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Những trường được chọn là sĩ số học sinh (HS)/lớp không quá đông, cơ sở vật chất phải đảm bảo. Những nơi sĩ số lên tới 50-60 HS/lớp thì rất khó để áp dụng mô hình này hiệu quả”. Cũng chính vì rào cản này mà theo ghi nhận của Thanh Niên, những trường “điểm” ở thủ đô hầu như chưa có trường nào thực hiện theo mô hình VNEN vì ở những trường này sĩ số HS/lớp thấp nhất cũng là 50. Những trường như Kim Liên, Nam Thành Công, Kim Đồng, Hoàng Diệu… đều lên tới 60 HS/lớp.

Những nơi sĩ số lên tới 50-60 HS/lớp thì rất khó để áp dụng mô hình này hiệu quả

Ông Phạm Xuân Tiến
(Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội)

Bà Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường tiểu học Tả Thanh Oai (H.Thanh Trì, Hà Nội), nơi đầu tiên thí điểm mô hình VNEN, cho biết: “Nếu lớp học quá đông thì rất vất vả đối với cả giáo viên lẫn HS, giáo viên cũng rất khó quan sát bao quát hết các nhóm nên đôi khi HS rất mất trật tự. Lớp học chật thì việc trang trí các góc cũng gặp khó khăn”.

Chính vì điều kiện phòng học thiết kế theo kiểu cũ chưa tương thích với mô hình mới nên theo ghi nhận của phóng viên, những góc học tập theo mô hình của VNEN dường như chưa thực hiện đúng khi áp dụng ở Việt Nam. Đồ dùng và tài liệu học tập nghèo nàn khiến những góc học tập này chưa thu hút được HS; thậm chí có nhiều lớp chưa có góc học tập này. Bà Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ, TP.Rạch Giá, Kiên Giang, cho hay năm nay trường có 16 lớp thực hiện VNEN nhưng kinh phí được đầu tư cũng chỉ được như trường có 1-2 lớp thí điểm. Do vậy không có kinh phí trang trí lớp, làm đồ dùng học tập như đúng mô hình.

Có những nơi phải thu hút từ nguồn đóng góp của phụ huynh để trang bị góc học tập. Chẳng hạn phụ huynh Trường tiểu học Thị trấn và Tiểu học Diễn Kỷ (H.Diễn Châu, Nghệ An) tự nguyện góp thêm bình quân mỗi lớp 11 triệu đồng và ngày công để đầu tư trang trí, mua sắm, thiết kế phòng học.

Khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế

Do có thể lựa chọn nơi phù hợp nhất để thực hiện nên mô hình này khi thí điểm chưa bộc lộ hết những khó khăn về điều kiện dạy học. Song, khi triển khai đại trà mọi việc lại phức tạp hơn nhiều. Để áp dụng được mô hình VNEN, nhà trường buộc phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với nhiều địa phương, điều này vẫn còn là mục tiêu khá xa vời.

Ông Mai Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trần Văn Thời, Cà Mau, cho biết: “Cả huyện mới có 20% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Mục tiêu phải tăng nhưng thiếu phòng học và có những trường HS phải đi học xa quá, nếu học 2 buổi/ngày thì đi lại cũng rất khó khăn”. Ông Lê Hoàng Dự, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thới Bình, Cà Mau, thông tin cả huyện có 25 trường nhưng chỉ mới một trường HS học 2 buổi/ngày.

Chính vì vậy, gọi mô hình VNEN là mô hình trường học mơ ước, phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang lại cho rằng vấn đề đặt ra là kinh phí để thực hiện. Bà Giang nhận định: Ngân sách đầu tư cho giáo dục có hạn trong khi đó lại có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra. Khi tập trung cho học 2 buổi/ngày, cho xây trường chuẩn quốc gia thì sẽ không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho các điểm lẻ. Trong khi đó, với đặc thù của Kiên Giang, một điểm trường chính có khi có tới 6-7 điểm lẻ. Toàn tỉnh có 624 trường học thì có tới 1.831 điểm trường. Nếu dồn sức cho điểm trường chính được học 2 buổi/ngày, xây trường chuẩn thì sẽ thiệt thòi cho điểm lẻ.

Ông Châu Văn Tín, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Bình C, H.Thới Bình, Cà Mau cũng cho rằng, khó khăn nhất là cơ sở vật chất, bàn ghế cũ, chưa có góc học tập. “Khi đi tập huấn, Bộ GD-ĐT nói sẽ có máy in, máy photo cho các trường thực hiện thí điểm, nhưng năm học mới vẫn chưa thấy có. Trong khi đó, mô hình này yêu cầu phải photo rất nhiều phiếu bài tập. Trong 3 tháng mà trường tôi đã phải chi tới hơn 20 triệu đồng cho việc photo tài liệu học tập, phiếu khảo sát HS”, ông Tín nói.

Ngoài ra, theo bà Trần Thị Liên, cái khó còn chính là từ giáo viên. Bà Liên cho biết: “Có thực tế là HS quen rồi nhưng giáo viên lại chưa quen được với mô hình mới, cách thức dạy học mới. Bao nhiêu năm thực hiện theo cách: cô nói, trò nghe. Giờ có khi HS lại nói nhiều hơn cô và cô phải nghe để cùng trao đổi nên một số giáo viên còn bỡ ngỡ”.

Năm học tới sẽ áp dụng ở cấp trung học

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ khuyến khích các trường nếu không có điều kiện triển khai toàn bộ mô hình trường học mới thì có thể triển khai từng phần. Ví dụ, những góc học tập chưa xây dựng được thì vẫn có thể cho HS tự học từng phần bằng sách của mô hình này. Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu để áp dụng thực hiện thí điểm mô hình này với cấp trung học từ năm học tới.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.