Học sinh lớp 5 viết phần mềm trò chơi

29/09/2011 19:14 GMT+7

Đam mê khám phá môn tin học và trò chơi dân gian, Nguyễn Kỳ Anh, lớp 5A, trường Tiểu học Yên Hòa (Hà Nội) đã sáng tạo thành công phần mềm nhằm hệ thống hóa và giới thiệu quảng bá loại hình trò chơi truyền thống.

Phần mềm được tích hợp 22 trò chơi tiêu biểu trên khắp các vùng miền đất nước. Ngoài giao diện trình bày ấn tượng, cậu học trò này còn lập bảng hướng dẫn chi tiết cho từng trò bằng hình ảnh và video minh họa. Đặc biệt, Kỳ Anh cất công tìm kiếm, lồng ghép bài hát đồng dao để mỗi trò chơi thêm phần vui nhộn, hấp dẫn. Phải mất hơn 2 tháng, Kỳ Anh mới hoàn thiện sản phẩm với rất nhiều công đoạn tìm kiếm thông tin, hình ảnh rồi lập trình viết phần mềm, có sự cố vấn kỹ thuật của thầy giáo dạy tin học.

Kỳ Anh biết đến các trò chơi dân gian nhờ có ông bà nội hướng dẫn cách chơi từ nhỏ. Nhưng ý tưởng làm phần mềm lại bắt nguồn từ những lần bạn mày mò khảo sát bằng công cụ tìm kiếm trên mạng internet. Trò chơi dân gian có nhiều nhưng lại tản mạn, chưa có phần mềm hay trang web hệ thống bài bản các trò chơi dưới dạng thư viện điện tử để thuận tiện tìm hiểu và truy cập. Quan sát bạn bè xung quanh, nhiều người chẳng biết chơi ô ăn quan hay bịt mắt bắt dê là như thế nào ngoài những trò chơi điện tử trong máy tính. Thế nên, Kỳ Anh quyết tâm sáng tạo ra phần mềm để giới thiệu với mọi người xung quanh về những trò chơi này.

Kỳ Anh cho rằng trò chơi dân gian không cầu kỳ, có thể chơi mọi lúc mọi nơi, dụng cụ chơi đơn giản, dễ tìm (có khi chỉ là chiếc khăn, vài ba viên sỏi). Bên cạnh đó, sự phong phú trong kho tàng trò chơi dân gian giúp người chơi trải nghiệm, rèn luyện nhiều kỹ năng khác nhau. “Nếu như bịt mắt bắt dê, cướp cờ, rồng rắn lên mây thiên về rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn, tinh thần đoàn kết thì kéo co giúp rèn thể lực, học hỏi tinh thần thượng võ còn chơi ô ăn quan, chơi truyền lại trau dồi  kỹ năng tính toán, sự khéo léo của đôi bàn tay…”, bạn nêu dẫn chứng.

Không chỉ giỏi lý thuyết, trong gian nhà ở nằm sâu trong ngõ 68 trên đường Cầu Giấy, Kỳ Anh sưu tập nhiều dụng cụ chơi các trò chơi dân gian; đồng thời là người có kỹ năng thành thạo nhất, thường đứng đầu trò tổ chức trò chơi. Vào cuối buổi chiều, ngôi nhà giống như câu lạc bộ thu nhỏ, trẻ em trong các gia đình thường tụm năm tụm ba vui chơi, thi đấu bằng các trò chơi dân gian.

Nhà trường dùng phần mềm của Kỳ Anh

Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Hòa, bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết, trò chơi dân gian được lồng ghép trong giờ ra chơi và giáo dục thể chất từ gần hai năm nay. Trên thực tế, học sinh tỏ ra hào hứng với các trò chơi này, nhờ đó số vụ tai nạn thương tích đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Ngoài tập huấn kỹ năng cho giáo viên về hướng dẫn cách chơi và quản trò, nhà trường sử dụng phần mềm của Kỳ Anh làm tài liệu tham khảo nhờ tính trực quan, sinh động.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Kỳ Anh mở trang web riêng quảng bá sản phẩm đến với nhiều người hơn. Cá nhân tôi cho rằng đây là sản phẩm độc đáo, có thể sử dụng làm tài liệu để phổ biến trò chơi dân gian trong các trường học”, bà Loan nói.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.