Học sinh nan giải khi thích chọn một ngành nhưng gia đình lại không ủng hộ!

24/04/2021 18:31 GMT+7

Tại chương trình tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại tỉnh Bình Dương, nhiều học sinh cho biết chọn ngành nghề nhưng lại nan giải vì thích một ngành mà gia đình lại không ủng hộ.

Với kinh nghiệm thi và học đại học của mình, các thủ khoa đầu vào và đầu ra của các trường đại học đã có những chia sẻ đầy hữu ích cho học sinh về vấn đề lựa chọn ngành nghề.

 

Khi một học sinh bày tỏ niềm lo lắng lớn nhất lúc này là không biết lúc đi thi có làm bài đạt được kết quả tốt hay không thì Trần Ngọc Đoan, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng học ở ngoài thì tốt nhưng khi vào phòng thi vô tình lại quên đi mất vì chứng mất trí nhớ tạm thời do căng thẳng quá mức, chính vì thế cần tập làm quen với áp lực phòng thi. Khi luyện giải đề không nên giải với tâm lý thoải mái mà nên gây áp lực như lúc đi thi thật, và làm bài đúng với khung thời gian đi thi. Có thể ứng dụng những hệ thống thi thử trên mạng để luyện đề thi, vì ở đó sẽ được bấm giờ đúng như lúc đi thi. Chính vì thế, việc áp dụng công nghệ thông tin để giải đề cũng sẽ tạo được áp lực như lúc vào phòng thi thật.

Thủ khoa Trần Ngọc Đoan chia sẻ tại chương trình

PHẠM HỮU

Còn Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM 2019, cho rằng tâm lý phòng thi gần như ai cũng bị, vì ai cũng lo lắng. Theo Lương có một khoảng thời gian cũng gây rất nhiều áp lực cho thí sinh đó chính là thời gian chờ thầy cô phát đề. Vậy để làm chủ và giữ bình tĩnh được trong khoảng thời gian này để tiến hành làm bài thi thật tốt thì Lương khuyên lúc đó thí sinh có thể uống nước để bớt căng thẳng…

 

“Điều đặc biệt các bạn nên lưu ý là trong vòng 7 ngày hoặc 2 tuần cuối thì không nên học nhiều vì sẽ làm bão hoà kiến thức và chúng ta sẽ không nhớ được gì khi vào phòng thi. Khi làm bài thi có thể vì hoảng loạn mà các bạn đánh sai các câu trắc nghiệm, mình nhớ lúc mình thi môn toán chỉ còn 20 phút là hết giờ, lúc đó mình nghĩ có thể làm được 2 câu cuối nhưng vẫn dành thời gian đó để kiểm tra lại 48 câu đã làm thay vì làm nốt 2 câu cuối, vì như thế sẽ an toàn hơn. Các bạn cũng đừng tham quá là sẽ làm hết tất cả các câu khó mà nên làm câu nào chắc câu đó”, Lương gửi gắm.

Thủ khoa Trần Đức Lương chia sẻ bí quyết ôn thi cho học sinh

PHẠM HỮU

 
Nguyễn Hữu Triết, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Đức, đặt câu hỏi: “Em thích một nghề nhưng ba mẹ không ủng hộ và kinh tế của gia đình cũng không cho phép, bên cạnh đó thì học lực của em cũng không tốt thì em phải làm gì?”
 
Là thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM, với kinh nghiệm của mình Quang Trọng Minh chia sẻ: “Môi trường học đại học và THPT sẽ khác nhau, mình luôn quan niệm khi vào ĐH chúng ta sẽ có cơ hội làm lại, vì trường ĐH không chú trọng quá nhiều về hoàn cảnh bạn xuất thân như thế nào, học lực ở THPT bạn tốt ra sao mà là cách bạn đáp ứng các môn học”.

Quang Trọng Minh chia sẻ về bí quyết học đại học

PHẠM HỮU

Cụ thể hơn về cách học, Minh khuyên: “Trong năm 1 chúng ta đa phần chỉ học những môn đại cương, lúc này các bạn thường hay có cảm giác chán nản rồi tự hỏi mình có đang chọn đúng ngành không, nhưng thực ra năm nhất thì chúng ta chưa vào học các môn cơ sở ngành nên chưa thể đánh giá được gì. Mình khuyên các bạn trong năm nhất, trước khi vào cơ sở ngành thì nên giỏi một ngoại ngữ nào đó để có thể trở thành “mồi câu” cho các giảng viên chú ý, các bạn cũng nên xem ngoại ngữ như một căn cước công dân chứ không phải chỉ học cho có. Đến năm 2 thì các bạn nên kiếm điểm thật cao ở các môn cơ sở ngành và chuyên ngành, vì lúc này bảng điểm của mình quyết định rất nhiều đến việc các nhà tuyển dụng ứng tuyển các bạn sau này. Hãy đầu tư chuyên biệt để giỏi ở một chuyên môn nào đó, khi chuyên môn của mình giỏi thì từ đó chúng ta sẽ tự biết cách gọi giá để các nhà tuyển dụng đầu tư vào mình”.

 
Đỗ Nhật Thịnh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng có 3 yếu tố rất quan trọng quyết định đến việc lựa chọn ngành nghề. Đầu tiên đó là sở thích, nhưng Thịnh khuyên: “Sở thích cần biến thành niềm đam mê, từ đó mới có những nỗ lực và cố gắng để đạt được. Thích thôi thì chưa đủ, vì thích rất nhiều thứ nhưng nên tìm ra cái mình thích nhất và đam mê theo đuổi đến cùng”.

Thứ 2 là mong mỏi của gia đình, nếu gia đình không ủng hộ thì cũng sẽ là một trắc trở tuy nhiên Thịnh cho rằng khi có quyết tâm đủ lớn, đam mê đủ lớn thì mình có thể giải thích để cho mẹ đồng cảm và hiểu hơn. 

 

Thịnh nhớ lại: “Ngày xưa khi mình chọn thi ngành thiết kế đồ hoạ thì tất cả mọi người xung quanh đều ngăn cản, do mình học rất tốt khối B và dành cả 3 năm để ôn thi y dược nhưng 2 tháng cuối lại đổi ý theo đuổi đam mê của mình. Tuy nhiên, quan trong nhất là bản thân mình để làm sao thuyết phục mọi người ủng hộ. Về kinh tế gia đình cũng rất quan trọng nhưng nếu có đủ đam mê thì mọi thứ đều giải quyết được. Vì gia đình mình rất khó khăn, mình vừa đi học vừa kiếm tiền mưu sinh. Ngày đó ngành thiết kế đồ hoạ được ví là ngành nhà giàu, gia đình quá khó khăn, để theo đuổi được ngành này mình phải đi bưng bê dọn dẹp cho đến việc bán kẹo kéo để kiếm tiền mua bút màu vẽ. Chính vì thế, điều kiện kinh tế khá quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc mình có đủ đam mê hay không”.

 

Ngoài ra, Thịnh cũng cho biết hội hoạ là ngành khá đặc thù, ngày xưa theo ngành này mọi người hay bảo làm hoạ sĩ nghèo, nên rất nhiều người ngăn cản, vì ngành này bỏ ra quá nhiều tiền bạc để đầu tư học tập nhưng lại không kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên Thịnh gửi gắm: “Việc kiếm được tiền nhiều hay ít tiền tuỳ thuộc vào khả năng của mình, bất kỳ ngành nghề nào cũng có khả năng kiếm tiền được. Ngày xưa để có tiền đi học, lúc đó chưa đủ chuyên môn thì mình có thể dạy vẽ cho thiếu nhi, khi có đủ khả năng thì có thể nâng cấp dạy trên các bậc cao hơn. Hoặc các bạn vẫn có thể ký hoạ tranh, vẽ tranh chân dung, tranh truyền thần… để kiếm tiền. Vẫn có thể vẽ tranh tường, thiết kế nội thất và hiện nay các bạn cũng thấy được có rất nhiều “đại gia” tranh tường. Nên các bạn học sinh cũng đừng quá lo lắng, tất cả phụ thuộc vào tâm huyết và niềm đam mê của mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.