Học sinh thắc mắc: Tiền bảo hiểm y tế đi về đâu?

Lê Thanh
Lê Thanh
08/07/2018 13:32 GMT+7

Đó là câu hỏi do Đặng Thùy An (học sinh lớp 8/6 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đặt ra tại kỳ họp Hội đồng trẻ em TP.HCM, do Thành đoàn TP.HCM tổ chức diễn ra vào ngày 7.7.

Thùy An nêu thực tế: “Em có một người bạn học cùng lớp đang mắc căn bệnh ung thư rất nặng nhưng hoàn cảnh gia đình lại gặp khó khăn trong việc điều trị. Mặc dù học sinh và phụ huynh trong lớp, trong trường đã vận động quyên góp giúp bạn ấy nhưng vẫn không thấm vào đâu, còn căn bệnh của bạn ấy thì vượt quá sự chữa trị, chi trả của bảo hiểm y tế học đường”.
Sau khi đặt vấn đề, Thùy An thắc mắc: “Trong khi tiền bảo hiểm y tế thì học sinh năm nào cũng đóng, nhưng có một thực tế là ở lứa tuổi như tụi em ít khi dùng tới dịch vụ bảo hiểm y tế học đường. Vậy cho em hỏi, số tiền bảo hiểm y tế mỗi năm tụi em vẫn đóng vào khi không sử dụng thì cuối cùng sẽ đi về đầu? Có cách nào để chuyển số tiền của những bạn đã đóng mà không sử dụng dịch vụ y tế để giúp đỡ những trường đang mắc phải căn bệnh ngặt nghèo như bạn em được không?
Học sinh đóng góp tại kỳ họp Hội đồng trẻ em Ảnh: Lê Thanh
 Còn Nguyễn Lan Anh (13 tuổi), học sinh hệ trung cấp 9 năm chuyên ngành piano tại Nhạc viện TP.HCM, cho rằng: “Internet là công cụ rất quan trọng giúp học sinh tìm kiếm thông tin học tập, nơi làm cầu nối chia sẻ với nhiều người. Em mong rằng ngành giáo dục cần có những đầu tư để  giới thiệu những phần mềm học tập miễn phí ở nhiều môn học cho học sinh tiếp cận, mở rộng, nâng cao kiến thức. Em mong muốn Hội đồng trẻ em kết nối được với các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước để có những hỗ trợ về học tập, vật chất, tinh thần cho trẻ em Việt Nam nhiều hơn, bởi rất nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn kể cả điều kiện học tập và điều kiện sống”.
Liên quan đến vần đề học ngoại ngữ, Trần Kim Khánh (học sinh Trường THCS Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú) đề xuất: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và học sinh cần có những kỹ năng giao tiếp với công dân toàn cầu. Chính vì vậy, em mong sao các ban ngành liên quan có sự quan tâm, đầu tư để đa dạng hóa các sân chơi học kỹ năng cho học sinh tham gia. Đặc biệt, cần tổ chức các buổi trại hè học tiếng Anh miễn phí cho học sinh có cơ hội tham gia trải nghiệm, giúp các bạn tự tin hơn khi giao tiếp với người nước ngoài’.
Để phụ huynh kiểm soát con em mình sử dụng, tiếp cận các trang mạng xã hội một cách lành mạnh, Mai Hải Yến (học sinh lớp 9/6 Trường THCS Đoàn Kết, Q.6) nói: “Em mong sao các tổ chức Đoàn-Hội, ngành giáo dục mở được các lớp về kỹ năng sử dụng mạng cho phụ huynh để họ tiếp cận để họ được cập nhật, trang bị kiến thức thực tế để giúp con em mình tốt hơn”.
Học sinh nêu ý kiến Ảnh: Lê Thanh
Tiếp thu các ý kiến của học sinh tại kỳ họp, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa-xã hội (HĐND TP.HCM), kết luận: “Những vấn đề mà các cháu học sinh đặt ra tại kỳ họp này đều có những khía cạnh mới, bám sát cuộc sống. Chúng tôi sẽ tập hợp, ghi nhận tất cả những ý kiến để chuyển đến các bạn ngành liên quan để giải quyết, trả lời thấu đáo”.
Ông Hà cho biết thêm: “Bản thân tôi sẽ đề xuất trong các kỳ họp HĐND sắp tới sẽ cho các  học sinh là đại biểu của Hội đồng trẻ em được dự họp chung với các đại biểu HĐND để các em nêu những tâm tư, ý kiến của mình trực tiếp trong kỳ họp”.
Học sinh tham dự kỳ họp (Ảnh: Lê Thanh)
Thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em ở 5 tỉnh, thành
Hội đồng đội T.Ư đã tổ chức hội nghị sơ kết một năm triển khai thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em cấp, tỉnh thành phố. Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng đội T.Ư, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động mô hình Hội đồng trẻ em thí điểm ở 5 tỉnh, thành giai đoạn 2017-2022 gồm: Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định và TP.HCM đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp các cấp lãnh đạo tỉnh, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình nguyện vọng và nhu cầu chính đáng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về vất chất, tinh thần của trẻ em.
Để mô hình này phát triển hơn trong thời gian tới, chị Duy Trang lưu ý: “Các thành viên trong hội đồng cần tiếp thu, lắng nghe để tổng hợp các vấn đề mà trẻ em trên địa bàn mình được phân công theo dõi để có tác động lên các nhà hoạch định chính sách”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.