[VIDEO] Trở lại Toa Roa, tạm biệt những đôi chân trần trong giá rét
|
Chỉ một ngày sau khi bài báo Thương những đôi chân trần ở Toa Roa được đăng trên Thanh Niên ngày 20.12.2018, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) đã liên lạc với PV Thanh Niên với lời hứa: “Chúng tôi sẽ đến Toa Roa”.
Sau gần 2 tuần chuẩn bị, ngày 5.1, vượt hơn 1.000 cây số, 15 thầy cô giáo ở ngôi trường tiểu học “có điều kiện” của TP.HCM đã lặn lội lên với điểm trường Toa Roa (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc), điểm trường vùng khó ở miền núi Quảng Trị.
Tạm biệt những đôi chân trần
|
Điểm trường Toa Roa vẫn vậy, vẫn nằm trên mô đất cao, cơ sở vật chất cũ mèm với những mảng tường loang lổ. Học trò vẫn còi cọc, lóc nhóc trong những bộ quần mỏng manh và những đôi chân trần hoặc những đôi dép tả tơi, cáu bẩn bùn đất…
Nhưng hôm nay, có một hình ảnh chắc chắn sẽ chấm dứt… đó chính là những đôi chân trần. Bởi theo thông tin mà cô giáo Hồ Trịnh Kim Ngọc, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cung cấp thì với 12 bao tải, số dép giày mang tới Toa Roa lên tới hàng trăm đôi, trong khi sĩ số học sinh ở đây chỉ là 130. “Số giày dép này cũ có, mới có, là do chúng tôi vận động học sinh trong trường đóng góp, ủng hộ và mua ở bên ngoài. Chúng tôi tính mang nhiều để các bạn nhỏ có thể có 2 - 3 đôi… mang luân phiên”, cô Ngọc nói.
Ban đầu, ban tổ chức tính sẽ mang dép cho từng em, nhưng do thấy số lượng dép khủng, nên đã “xả hàng” để tụi nhỏ thoải mái chọn lựa như đi… shopping. Có bạn lựa tận 2 - 3 đôi, trong khi có bạn lại lấy những đôi giày lớn hơn hoặc nhỏ hơn chân của mình với lời giải thích: “Mang về cho anh, cho em…”.
Màn “lựa dép” kết thúc cũng là lúc lũ học trò chịu quay trở lại, ngồi vào ghế ngay ngắn. Những đôi chân trần ám ảnh đã biến mất, thay vào đó là những đôi giày, đôi dép đủ sắc màu. Dép thì được mang ở dưới chân, nhưng lạ thay, có một nụ hoa cũng cười trên môi tụi nhỏ…
Cuộc hạnh ngộ của những người đồng nghiệp
Chuyến trở lại Toa Roa cũng đã tạo nên một cuộc hạnh ngộ đầy xúc động của những giáo viên mà nói như cô giáo Mai Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thì đây là cuộc gặp của những người làm nghề có quá nhiều điều kiện tốt ở giữa lòng Q.1 (TP.HCM) và những người gặp nhiều khó khăn khi theo nghề ở vùng cao Quảng Trị.
“Ở môi trường nào cũng có những khó khăn. Nhưng đến đây, chúng tôi tự thấy mình sung sướng hơn quá nhiều so với các thầy cô ở đây. Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ bởi các thầy cô quá gian nan vất vả. Hẳn các thầy cô yêu nghề lắm mới bám trụ lại được với nơi đây. Thật may là chúng tôi đã có mặt ở đây, giúp các em nhỏ, phụ các thầy cô một ít để tăng cường hiệu quả của việc giáo dục tiểu học… Mong các thầy cô tiếp tục giữ lửa”, giọng run run, cô Lan xúc động nói.
Bồi hồi không kém, thầy Hồ Sỹ Chẫm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc, gửi lời cảm ơn đến Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh chân thực về điểm trường, chia sẻ khó khăn của điểm trường đến cộng đồng để tạo nên cuộc gặp gỡ hôm nay của những người cùng làm công tác giáo dục. “Cùng làm giáo viên nhưng điều kiện của hai bên khác xa nhau nhiều quá. Dù thế, việc các thầy cô giáo ở tận TP.HCM vượt cả ngàn cây số để đến với Toa Roa lại trở thành một động lực mạnh mẽ cho những giáo viên cắm bản ở đây. Giúp các em học sinh là giúp chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn tấm lòng của những người đồng nghiệp đã tiếp lửa cho chúng tôi trong sự nghiệp trồng người vùng khó”, thầy Chẫm cho hay.
Trong lúc này, bọn trẻ cất tiếng hát bài Thương lắm thầy cô ơi vang giữa núi rừng. Chưa bao giờ bài hát đó lại gây xúc động với tôi đến thế. Và cũng như tôi, nhiều người đã quay mặt lại để giấu đi những giọt nước mắt.
Một số hình ảnh xúc động của chuyến đi:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)