Học sinh và "dế" - Kỳ 3: Cấm ở mức độ nào?

21/10/2010 13:05 GMT+7

(TNO) Xoay quanh vấn đề nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) khi đến trường, nhiều chuyên gia và phụ huynh đã đưa ra các ý kiến rất hữu ích. >> Kỳ 1: Trào lưu "2 tay 2 dế" >> Kỳ 2: Muôn kiểu dùng "dế

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì cho tới nay, Sở vẫn chưa có quy định nào cấm HS THPT và THCS mang ĐTDĐ vào trường.

Ông Chương cho biết hiện tại, hầu hết các trường ở TP.HCM đều cấm HS sử dụng điện thoại trong lớp, có trường còn cấm luôn việc HS mang điện thoại vào trường.


Hầu hết các trường THCS và THPT tại TP.HCM đều cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học - Ảnh: Trí Quang

“Tuy nhiên, theo tôi, cần tính toán lại nội quy về chiếc ĐTDĐ sao cho phù hợp hơn. Cụ thể là chúng ta chỉ nên cấm các em sử dụng điện thoại trong giờ học thôi, chứ thật ra ĐTDĐ phổ biến quá rồi và nó cũng hữu ích để phụ huynh và con cái họ liên lạc với nhau những lúc có việc cần. Hiện nay theo tôi biết thì nhiều trường học ở nước ngoài cũng không cho HS mang ĐTDĐ đi học như ở ta vậy”, ông Chương nói.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, giảng viên tâm lý học trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM cũng đồng tình với ý kiến trên của Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.


Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình với việc chỉ nên cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học - Ảnh: Trí Quang

Thạc sĩ Long cho rằng, các trường không nêm cấm HS mang theo ĐTDĐ vào trường mà chỉ nên cấm các em sử dụng điện thoại trong giờ học.

“Dù sao việc đem điện thoại theo rất tiện lợi cho liên lạc giữa các em HS và gia đình hoặc giữa bạn bè với nhau”, thạc sĩ Long nói.

Nhưng ông Long cũng cảnh báo rằng, phụ huynh cần quan tâm đến việc sử dụng điện thoại của con mình, và Đoàn thanh niên cùng ban giám hiệu các trường cũng nên khuyến cáo HS để ngăn chặn các hiện tượng dùng ĐTDĐ để nhắn tin gây gổ nhau, dẫn đến xung đột đáng tiếc.


Thạc sĩ Long cảnh báo phụ huynh nên quan tâm đến việc xài ĐTDĐ của con mình nhiều hơn, để tránh những sự việc tiêu cực - Ảnh: Chụp lại từ Youtube 

“Đồng thời người lớn cũng cần nhắc nhở việc các em hay đem ĐTDĐ để so sánh “đẳng cấp”, vì hành vi đó dễ dẫn đến sự mặc cảm, tự tin đối với một số HS có hoàn cảnh khó khăn trong lớp”, thạc sĩ Long nói.

Dưới góc độ của một chuyên viên tư vấn học đường, chị Quỳnh Lan (nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Hiện nay tôi đang làm chuyên viên tư vấn cho một số trường THPT ở TP.HCM. Đối với vấn đề sử dụng ĐTDĐ của các em HS THCS và THPT thì tôi cho rằng không nên cấm các em mang theo. Điều cần cấm là cấm các em sử dụng ĐTDĐ trong giờ học thôi. Như thế mới hợp lý.

Chị Lan lưu ý thêm, phụ huynh cũng cần theo dõi con em mình quanh chuyện dùng ĐTDĐ hơn nữa, vì tôi thấy hiện nay chuyện dùng điện thoại để xem phim đồi trụy là rất phổ biến, ngay cả HS khối THCS cũng có.

Nhưng muốn cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học thì các trường phải có phương án để "hợp thức hóa" nội quy.

Chẳng hạn tại trường THCS Colette (Q.3) có lắp bồn điện thoại công cộng trong khuôn viên trường, nếu đang giờ học mà HS cần liên hệ về gia đình thì có thể ra bồn điện thoại và bỏ tiền xu vào rồi gọi.

Trường học tại nhiều nước cũng cấm học sinh xài điện thoại di động trong lớp

- Năm 2009, Pháp đã ban hành lệnh cấm sử dụng ĐTDĐ trong trường. Luật này áp dụng đối với HS bậc THCS và THPT, thậm chí kể cả hệ mẫu giáo.

- Tại Trung Quốc, nhiều trường học ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) ra quy định cấm HS mang ĐTDĐ vào lớp học, vì cho rằng công cụ liên lạc tiện lợi này chính là nguyên nhân khiến HS xao lãng việc học hành. Lãnh đạo của những trường trên nói ĐTDĐ cũng góp phần làm gia tăng những mối tình học trò và xảy ra nhiều trường hợp HS bị cướp ĐTDĐ.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh phản đối quy định trên vì khiến việc liên lạc giữa họ và con cái gặp bất tiện. Để giải quyết vấn đề này, nhiều trường đã bố trí các thùng điện thoại thẻ công cộng ở mỗi tầng trong trường, giúp HS và phụ huynh có điều kiện liên lạc với nhau thường xuyên trong ngày.

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.