Học trò của tôi đi chống dịch

Trong những ngày của tháng 7.2021, trời dễ mưa và lòng người thì sao dễ bị xúc động quá! Qua tin tức trên báo đài, số lượng ca nhiễm dần tăng cao, ai ai cũng nhận ra Covid-19 đã đến thật gần và rối bời trong dạ.

Nhìn hình ảnh y bác sĩ, công an và bộ đội kiệt sức ngả lưng tạm bợ trong bệnh viện, trạm chốt, khu cách ly, người người thương cảm và xót xa trong lòng.

Hôm ấy, tấm hình tay em lúc mở bao tay khi hết việc đã khiến tôi bật khóc

Mỗi khi nghe thông tin về những sinh viên tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch, tôi lại bùi ngùi xúc động. Bởi lẽ trong đó có những học trò cũ của tôi, bằng cách này hay cách khác đã và đang góp sức mình vào công cuộc phòng chống dịch chung của đất nước.

Khi tiễn chân lớp chuyên Hóa đầu tiên mà tôi dạy 3 năm (tốt nghiệp năm trước), tôi đã luôn theo sát tình hình của những học trò mà tôi yêu quý hết mực. Do đặc điểm môn chuyên, đa số đều đang theo học ngành y tại các trường khác nhau ở TP.HCM.

Hàng ngàn tình nguyện viên “ra trận” mỗi ngày

Từ cuối tháng 4.2021, Việt Nam trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4 với số ca nhiễm mỗi lúc một tăng. Theo thông tin trên ti vi, báo chí, trung bình 1 ngày Thành đoàn TP.HCM đưa khoảng 6.000 tình nguyện viên đến các điểm lấy mẫu, các điểm chốt, khu cách ly, phong tỏa… với phần lớn lực lượng là sinh viên ngành y, những người đã được tập huấn kỹ càng về công tác phòng chống dịch.

Có những lúc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong đêm

Ngay từ đầu đợt dịch, khi TP.HCM mới chỉ có số ít ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng, các học trò lớp Hóa của tôi đều nộp đơn đăng ký tình nguyện để có thể ra tuyến đầu chung tay dập dịch. Trong lúc chờ đợi trường phân công, có nhiều em xung phong làm tình nguyện viên hỗ trợ những khu phong tỏa, chốt kiểm soát…

Học ngành y, hiểu hơn ai hết mức độ nguy hiểm của đại dịch cũng như biết chính xác các biện pháp phòng tránh sự lây lan của vi rút, các em đã cùng ở lại TP.HCM để sẵn sàng lên đường. Trên nhóm lớp ở Facebook, các em báo cho nhau những thông tin cập nhật nhất về các nhóm tình nguyện, những thông tin mới cập nhật về dịch bệnh.

Phát cơm từ thiện, vận chuyển nhu yếu phẩm, khuân vác vật dụng…, các em đều làm hết, không nề hà. Còn khi được trường phân công hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm thì cầm loa nhắc nhở thực hiện 5K, đo thân nhiệt, giúp khai báo y tế, sắp xếp mẫu bệnh phẩm hay nhập liệu…, sẽ được các em xử lý hết.

Mệt nhoài

Vô tư làm mọi việc với tất cả sức lực tuổi trẻ

Nhiệt tình và năng nổ nhất trong đó là Nhật Quang, cậu học trò đang học khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM. Đến làm tình nguyện viên nơi nào, em cũng chụp lại vài tấm ảnh để bạn bè thấy rõ thực cảnh “trọng thương” của Sài Gòn rồi thêm quyết tâm, động lực để “lên đường ra trận” cùng mình.

Trong những ngày cao điểm xét nghiệm toàn TP.HCM, Nhật Quang và bạn bè đã hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch tại Thủ Đức theo sự điều hành của Trung tâm y tế TP.Thủ Đức, với công việc chính là lấy mẫu, hỗ trợ nhập liệu cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Từ đó, hầu như ngày nào em cũng làm việc tới tận nửa khuya.

Vào ngày lấy mẫu tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho các tài xế vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía bắc vào và các tiểu thương trong (ngoài) chợ, Nhật Quang đã trực từ chiều đến hơn 23 giờ đêm mà vẫn chưa xong việc. Hôm ấy, tấm hình tay em lúc mở bao tay khi hết việc đã khiến tôi bật khóc.

Nhiều tình nguyện viên thiếu một bữa cơm đúng nghĩa, một giấc ngủ đủ giờ

Còn ngày lấy hơn 20.000 mẫu ở khu chế xuất Linh Trung thì khi xong việc, dù đã gần 1 giờ sáng hôm sau nhưng nhóm của em vẫn ngồi bệt xuống, có bạn còn nằm dài ra sân vì quá mệt.

Những hộp cơm ăn vội vàng không đúng bữa, những cái bánh mì ăn đỡ đói lúc 22 giờ đêm hay nằm dài trên sân gạch, lề đường trong những khoảng nghỉ ngắn ngủi đã không còn xa lạ, mà đã là chuyện hằng ngày. Một bữa cơm đúng nghĩa, một giấc ngủ đủ giờ với Nhật Quang cũng như các tình nguyện viên khác của TP.HCM lúc này thật sự là một điều xa lạ và cả xa xỉ nữa.

Là sinh viên, khi tham gia phòng chống dịch, các em đã vô tư làm mọi việc với tất cả sức lực tuổi trẻ của mình, chỉ mong sao TP.HCM mau “lành bệnh”. Hình như tất cả chỉ có một suy nghĩ trong đầu là phải lấy được nhiều mẫu xét nghiệm nhất, truy vết các F chính xác và nhanh nhất.

Tôi rất vui và tự hào vì những học trò của mình đã lớn và trưởng thành

Vui vì học trò trưởng thành

Mỗi lần đọc tin nhắn, thấy những hình ảnh trong nhóm trò chuyện, tôi rất vui và tự hào vì những học trò của mình đã lớn và trưởng thành. Khi Tổ quốc cần, các em đã biết đồng lòng chống dịch với tất cả sức lực và khả năng của mình.

Dịch Covid-19 buộc người ta phải giữ khoảng cách cơ học với nhau, nhưng đồng thời cũng kéo con người lại gần với nhau hơn bằng những sợi dây nặng nghĩa ân tình. Những bài học năm nào tôi dạy về tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào đã được học trò của tôi cụ thể hóa bằng hành động thiết thực nhất.

Tự hào và hãnh diện quá, trò ơi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.