Học viện bóng đá JMG: Dấu ấn Jean Marc Guillou

10/01/2014 14:51 GMT+7

(TNO) Ở Việt Nam, thậm chí đến tận bây giờ vẫn còn khá ít người hâm mộ quả bóng tròn biết về hệ thống Học viện JMG Football, dù đã không ít lần được mãn nhãn trước các pha bóng đẹp của Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường...

(TNO) Ở Việt Nam, thậm chí đến tận bây giờ vẫn còn khá ít người hâm mộ quả bóng tròn biết về hệ thống Học viện JMG Football, dù đã không ít lần được mãn nhãn trước các pha bóng đẹp của Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường...

>> Học viện HAGL JMG Arsenal tuyển quân bổ sung
>> Sydney FC muốn lập Học viện Đào tạo bóng đá như HAGL-Arsenal-JMG
>> Học viện HAGL - Arsenal JMG: Môi trường lý tưởng cho cầu thủ trẻ


Học viện HAGL - Arsenal - JMG ra đời vào năm 2007 - Ảnh: Khả Hòa

Năm 2007, Hoàng Anh Gia Lai, JMG và Arsenal đạt thỏa thuận, Học viện HAGL - Arsenal - JMG ra đời. JMG chịu trách nhiệm về toàn bộ chương trình đào tạo. Trước khi đến Việt Nam, JMG đã rất thành công tại nhiều nước châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà.

Trao đổi qua thư điện tử với Thanh Niên Online, Tổng quản lý hệ thống JMG toàn cầu, ông Vincent Dufour cho biết: “Nhiều cái tên quen thuộc ở các đấu trường bóng đá danh tiếng trên thế giới như Yaya Toure (Barcelona, Manchester City), Kolo Toure (Manchester City, Liverpool), Yao Kouassi Gervais “Gervinho” (AS Roma), Emmanuel Eboue (Arsenal, Galatasaray), Salomon Kalou (Chelsea, Lille), Didier Zokora (Tottenham Hotspur, Sevilla…)… đều từng tầm sư học nghệ tại học viện JMG”.

 
Cầu thủ trưởng thành từ hệ thống JMG Yaya Toure (giữa) vừa nhận giải thưởng Quả bóng vàng châu Phi 2013 - Ảnh: Reuters

Ngày 9.1 vừa qua, Yaya Toure đã được Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) trao danh hiệu Quả bóng vàng châu Phi 2013 và qua đó đưa anh trở thành cầu thủ thứ 3 trong lịch sử 3 lần liên tiếp nhận vinh dự này.

Bên cạnh đó, Yaya Toure cũng là cầu thủ châu Phi duy nhất nằm trong danh sách đề cử Quả bóng vàng 2013 của FIFA (kết quả công bố ngày 23.1.2014).

Ngoài ra, từ 70-80% thành viên đội tuyển Bờ Biển Ngà dự vòng chung kết World Cup 2006 và 2010 xuất thân từ lò đào tạo này.

Bệ phóng của tài năng

JMG là tên viết tắt của nhà sáng lập, đồng thời là cựu tuyển thủ Pháp Jean Marc Guillou. Ông Guillou, 69 tuổi, bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi. Ông là tiền vệ dẫn dắt lối chơi cho đội tuyển Pháp trong giai đoạn 1974 - 1978, bao gồm vòng chung kết World Cup năm 1978 ở Argentina.


"Ông tổ" của hệ thống Học viện JMG Jean Marc Guillou (trái) - Ảnh: JMG Football

Những người chơi cùng thời đánh giá ông là một tiền vệ rất kỹ thuật, biết cách phân tích trận đấu một cách khoa học để bù đắp phần nào điểm yếu về tốc độ. Có lẽ thói quen “khoa học hóa bóng đá” từ thời còn chơi bóng chính là nền tảng để ông Guillou xây dựng một chương trình huấn luyện vô cùng bài bản cho hệ thống học viện của mình.

Ấp ủ giấc mơ xây dựng một lò “đào tạo bóng đá đẹp mắt” từ khi treo giày vào năm 1984, đầu thập niên 1990, ông bán phần lớn gia sản ở Pháp để sang Bờ Biển Ngà.

Đầu năm 1994, cùng với đối tác là CLB Asec Mimmosas d’Abidjan, Jean-Marc Guillou mở Học viện Mimosifcom ở khu Sol Béni, gần thành phố Abidjan, thủ đô cũ của Bờ Biển Ngà. Đây chính là tiền thân của Học viện JMG Football ngày nay.

Chỉ 5 năm sau, các học viên khóa đầu tiên của học viện này đã gây chú ý ở đấu trường châu lục khi giúp CLB Asec Mimmosas d’Abidjan giành chức vô địch Siêu Cúp các CLB châu Phi. Sau đó, họ tiếp tục tiến ra thế giới và chơi cho nhiều CLB nổi tiếng của châu Âu.

Báo La Dépêche D’Abidjan bình luận: “Đối với người Bờ Biển Ngà khi ấy, những cầu thủ trẻ do Jean-Marc Guillou đào tạo là đại diện của kiểu bóng đá ngoạn mục, sôi nổi, tưng bừng chiến thắng, thứ bóng đá rất Brazil”.

Từ những thành công đó, ông Guillou tìm kiếm đối tác, hoặc tự bỏ tiền túi để phát triển hệ thống của mình ở nhiều nước như: Madagascar, Mali, Ai Cập, Bỉ, Ghana, Việt Nam… Hầu như ở nước nào, rất nhiều học viên của JMG sau thời gian đào tạo cũng trở thành tuyển thủ quốc gia.

Ngay cả nước gần như ít xuất hiện trên bản đồ bóng đá thế giới là Madagascar cũng có cầu thủ - cựu học viên JMG được chơi tại giải Ligue 2, Ligue 3 của Pháp hoặc Ligue 1 của Algeria.

Chân trần đá bóng

Bí quyết thành công của hệ thống JMG là xây dựng chương trình huấn luyện bài bản dựa trên quan điểm: vượt qua tính thực dụng, bóng đá đẹp lấy tấn công làm nền tảng vẫn mang lại chiến thắng.

 
Những học viên nhí của Học viện HAGL - Arsenal - JMG khởi đầu tập luyện hoàn toàn với chân trần - Ảnh: Khả Hòa

Từ cơ sở đó, JMG đưa ra những nguyên tắc sau cho ban huấn luyện và các học viên: tôn trọng các giá trị của bóng đá (trận đấu, cầu thủ, trọng tài, luật lệ…); sự cao thượng - mọi cá nhân đều cống hiến hết khả năng để phát triển năng lực của bản thân và tập thể; không ngừng trau dồi kỹ thuật để mang lại sự quyến rũ cho bóng đá; thông minh và sáng suốt để phục vụ chiến thuật của tập thể và những đột phá của cá nhân; tôn trọng sự phát triển của mỗi người - không rút ngắn giai đoạn, thời gian đào tạo đủ dài (từ 7-9 năm) để các học viên có thể phát huy tối đa khả năng.

Chương trình đào tạo của hệ thống học viện JMG vì vậy có nhiều nét... không đụng hàng: những học viên nhí qua được vòng tuyển chọn với tỷ lệ trung bình 1/1.000 sẽ bắt đầu tập luyện hoàn toàn với chân trần, đến khi vượt qua những bài tập kỹ - chiến thuật cực khó mới được mang giày; đa phần các học viện của JMG không đào tạo thủ môn…

Theo ông Guillou, chơi chân trần sẽ giúp học viên linh hoạt hơn, cảm giác tốt hơn với bóng và khi đấu tập sẽ ít chấn thương hơn. Chính vì vậy, thường các cầu thủ nhí của JMG phải mất từ 3-5 năm mới biết giày đinh tròn méo ra sao.

Được thừa hưởng toàn bộ chương trình đào tạo vừa bài bản vừa nhân bản của JMG, không khó hiểu vì sao các cầu thủ U19 Việt Nam đang được đào tạo tại Học viện HAGL - Arsenal - JMG lại chơi “bốc lửa”, hồn nhiên và ít bị lãnh thẻ đến thế.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.