Hội An cổ sự: Duyên tình nàng công nữ

29/09/2014 09:00 GMT+7

Thời gian đổ bóng xuống vùng đất Hội An được mệnh danh là 'hội nhân, hội thủy, hội văn' và làm nên hồn phách một di sản văn hóa thế giới. Cũng theo thời gian, chuyện cũ lắng đọng nhưng thi thoảng lại “hồi sinh” đâu đó để nhắc nhớ về chốn nhân tình thuần hậu.

Thời gian đổ bóng xuống vùng đất Hội An được mệnh danh là “hội nhân, hội thủy, hội văn” và làm nên hồn phách một di sản văn hóa thế giới. Cũng theo thời gian, chuyện cũ lắng đọng nhưng thi thoảng lại “hồi sinh” đâu đó để nhắc nhớ về chốn nhân tình thuần hậu. 

Hội An cổ sự: Duyên tình nàng công nữ
Múa đôi tái hiện hôn nhân Việt - Nhật, trong đó có hình ảnh nàng Công Nữ Ngọc Hoa - Ảnh: Quốc Hải 

Nàng công nữ về làm dâu ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ 17, mãi đến đầu năm 2014 tên bà được chọn đặt cho một tuyến đường ở Hội An, đường Công Nữ Ngọc Hoa.  

TP.Nagasaki (Nhật), nơi diễn ra lễ hội Okunchi đặc sắc để tôn vinh các thương nhân Nhật Bản, có tấm bia ghi lại một số chi tiết liên quan đến cô dâu Việt và Araki Sotaro.  

Mối tình xuyên quốc gia

Giáo sư Iwao Seiichi từng giới thiệu nội dung tấm bia trong tác phẩm Nghiên cứu phố Nhật ở Nam Dương: “Năm 1619, tại một nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (tức Araki Sotaro) gặp gỡ và kết hôn với một người con gái thuộc dòng bên ngoại vua An Nam và được Chúa nhận làm con nuôi. Sotaro trở về nước với cô dâu mới, gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki. Có lẽ ông là người Nhật Bản đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con vua, cho dù chỉ là con nuôi”.

Araki Sotaro đứng đầu các doanh nhân xứ Phù Tang sang làm ăn buôn bán nhiều năm tại Hội An từ đầu thế kỷ 17. Khi trở về nước, mối tình đẹp và thân phận cao quý của vợ chồng ông khơi nguồn cho nhiều giai thoại. Và cô dâu Việt “thuộc dòng bên ngoại vua An Nam”, sau mang tên Nhật là Wakaku, cũng thấm đẫm giai thoại.

Chuyện rằng, những ngày đầu không biết tiếng Nhật, suốt ngày bà công nữ chỉ nói được “anh ơi, ai ơi” nên người dân Nagasaki bèn gọi thân mật theo lối phát âm ngồ ngộ là “Anio-san”. Cảnh đón tiếp cô dâu quý tộc cập bến ở Nagasaki cũng được thể hiện trong lễ hội Okunchi. Đám rước do hai em bé đóng vai Sotaro và Wakaku, đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn. Người ta còn bảo điệu múa do bà Wakaku mang đến từ nước Việt đã được truyền dạy cho nhiều thiếu nữ Nhật. Chiếc gương bà mang theo khi về nhà chồng cũng được lưu giữ tại Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki.

Chúng tôi đã nhiều lần thấy hình ảnh đám cưới rộn rã như thế kéo ngang qua sân khấu mỗi dịp khai hội giao lưu Hội An - Nhật Bản. Nhà thơ Phùng Tấn Đông (Trung tâm VH-TT TP.Hội An), tác giả kịch bản lễ hội, khẳng định đám cưới ấy chỉ “dài” chừng 5 phút dưới hình thức múa đôi. “Đoạn múa đôi ấy không mô tả cụ thể chuyện tình của thương nhân Araki Sotaro mà tái hiện khung cảnh tượng trưng về mối lương duyên Việt - Nhật. Tất nhiên có gói ghém hình ảnh của nàng công nữ Araki Sotaro trong đó”, nhà thơ Phùng Tấn Đông tâm sự.

Nhưng nàng Wakaku là ai và có mối liên hệ gì với cái tên Công Nữ Ngọc Hoa mà TP.Hội An vừa chọn đặt cho tuyến đường nơi phố cổ? 

 

Xác định danh tính 4 công nữ

Đến nay, danh tính 4 công nữ con của Chúa Sãi đã được xác định rõ mà không có ai tên Ngọc Hoa, gồm: Ngọc Liên (vợ phó tướng Nguyễn Phúc Vinh), Ngọc Vạn (gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta 2), Ngọc Khoa (gả cho vua Chiêm Po Rome), Ngọc Đỉnh (gả cho phó tướng Nguyễn Cửu Kiều). Trong cuốn Chín đời Chúa, mười ba đời vua Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dẫn tài liệu Việt sử giai thoại của Đào Trinh Nhất cho biết Chúa Sãi “còn có một người con gái nữa gả cho một người Nhật nhưng trong Liệt truyện không thấy ghi”.

Con đường giai thoại

Bắt đầu từ quảng trường sông Hoài, đường Công Nữ Ngọc Hoa chạy sát bờ bắc rồi dừng ở kênh Chùa Cầu, nơi có con lạch Ồ Ồ đổ ra sông. Đường chỉ dài 300 m, chính thức được TP.Hội An gắn biển tên hồi đầu năm 2014, như một cách gợi nhớ về một người con gái Đàng Trong rời xa xứ sở gần 4 thế kỷ trước.

Theo tiểu sử nhân vật trước khi chính thức gắn tên đường Công Nữ Ngọc Hoa, bà là con gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, được gả cho Araki Sotaro, và chàng rể Nhật cũng trở thành hoàng thân của Đàng Trong. Năm 1620, bà theo chồng về Nagasaki. Mất năm 1645, mộ bà được chôn cất trong khuôn viên chùa Daionji (Đại m tự) gần mộ chồng, nơi họ đã bỏ công sức xây cất và trùng tu.

Điều thú vị là chuyện Chúa Sãi gả một người con gái cho Araki Sotaro chỉ được ghi chép vắn tắt trong một số tài liệu nghiên cứu. Nhưng từ nhiều năm nay, TP.Hội An muốn lấy tên Công Nữ Ngọc Hoa đặt cho một con đường để ghi dấu mối lương duyên. Ngay trước khi tên trình ra để các cấp thẩm quyền phê duyệt, giới chuyên môn vẫn do dự vì danh tính 4 công nữ của Chúa Sãi mà Nguyễn Phúc tộc thế phả công bố năm 1995 không hề có tên Ngọc Hoa.

Nhưng rồi cái tên Công Nữ Ngọc Hoa được đặt chính thức cho một con đường và vẫn nằm trong vòng tồn nghi: liệu có hay không có sự nhầm lẫn giữa Ngọc Hoa với Ngọc Khoa, giữa người con gái thứ 5 với con nuôi của Chúa Sãi. Dù được đề nghị cân nhắc, TP.Hội An vẫn chọn lựa vì nhân vật Công Nữ Ngọc Hoa mang đậm tính giai thoại và ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng. “Nếu sau này giới nghiên cứu lịch sử xác định chính xác về nhân vật công nữ vợ thương nhân Araki Sotaro, sẽ có một tên đường khác. Giờ thì tên Công Nữ Ngọc Hoa nên giữ nguyên, vì đó là con đường sinh ra từ một giai thoại”, một vị lãnh đạo TP.Hội An quả quyết.

Ở Nagasaki, lễ hội truyền thống Okunchi sắp khai diễn (từ ngày 7 đến 9.10). Dân gian vẫn nhớ về mối tình công nữ Việt với thương nhân Nhật, kịch bản tái hiện mấy trăm năm cảng thị Hội An cũng sẽ giữ 5 phút múa đôi. Nương theo dòng chảy thời gian, đôi khi có những câu chuyện cũ sống động kỳ lạ như vậy đó.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Chùa Cầu Hội An có nguy cơ sụt lún
>> Hội An: Co ro mai Tết
>> Ngày văn hóa Nhật Bản tại Hội An
>> Hấp lực từ phố cổ Hội An  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.