Hội chợ xúc tiến... hàng trôi nổi - Kỳ 2: 300 triệu đồng 1 giấy phép?

14/07/2015 08:00 GMT+7

Theo quy định, đơn vị được cấp phép tổ chức hội chợ phải chịu trách nhiệm mời các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, lo vấn đề chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... trong suốt thời gian tổ chức hội chợ. Song trên thực tế, nhiều giấy phép tổ chức hội chợ được bán lại cho người khác.

Theo quy định, đơn vị được cấp phép tổ chức hội chợ phải chịu trách nhiệm mời các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, lo vấn đề chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... trong suốt thời gian tổ chức hội chợ. Song trên thực tế, nhiều giấy phép tổ chức hội chợ được bán lại cho người khác.

Nhiều gian hàng tại các hội chợ nhếch nhác và không có biển hiệu Nhiều gian hàng tại các hội chợ nhếch nhác và không có biển hiệu - Ảnh: Nam Anh

Một ví dụ cho tình trạng này là hồi tháng 3 vừa qua, Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh đã cấp phép cho Công ty du lịch hội chợ quốc tế TCI tổ chức hội chợ thương mại “Về miền quan họ Bắc Ninh 2015”, diễn ra tại TP.Bắc Ninh từ ngày 11 - 18.3. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này đã đem giấy phép bán lại cho H. “mập”, một nhân vật có máu mặt trong lĩnh vực tổ chức hội chợ thương mại.

Tương tự, giấy phép tổ chức Hội chợ công thương TP.Bắc Giang 2015 diễn ra từ ngày 20 - 28.3 được Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cấp cho Công ty TNHH tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật VPT. Và doanh nghiệp này sau đó cũng bán lại cho H. “mập”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài VPT và TCI,

H. “mập” còn mua lại hàng loạt giấy phép từ các doanh nghiệp để tổ chức hội chợ thương mại ở TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) từ ngày 30.3 - 6.4, ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) vào các ngày từ 8 - 15.4, TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) diễn ra từ ngày 17 - 24.4, TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) từ các ngày 25.4 - 3.5… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty VPT có trụ sở tại thị trấn Văn Giang (H.Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), thừa nhận có kết hợp với H. “mập” tổ chức Hội chợ công thương TP.Bắc Giang 2015 vì công ty không đủ năng lực tổ chức.

M.P, chủ một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức hội chợ, tiết lộ: “Với những khu vực có sức tiêu thụ hàng hóa lớn, như H.Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang gắn với lễ hội Cam Sành, TP.Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh gắn với lễ hội Carnaval, TP.Hà Giang của tỉnh Hà Giang, TP.Thanh Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa, TP.Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình... mỗi giấy phép tổ chức hội chợ sẽ được mua lại với giá lên tới gần 300 triệu đồng. Nếu hội chợ diễn ra tại các huyện có sức mua không lớn lắm, giấy phép sẽ được mua lại với giá từ 30 - 50 triệu đồng”. Trong khi đó, làm việc với Thanh Niên, ông Vũ Đức Quyết (Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh), ông Nguyễn Đặng (Giám đốc Sở Công thương Cao Bằng), ông Phạm Quang Thái (Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế của Sở Công thương Bắc Giang) đều khẳng định không được phép mua bán giấy phép tổ chức hội chợ. Chỉ có đơn vị được cấp phép đứng ra tổ chức, không có việc “kết hợp”.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Việc cấp phép tổ chức hội chợ thương mại đang thực sự có vấn đề”. Theo ông Long, dù là hội chợ thương mại được tổ chức bằng vốn ngân sách nhà nước, hay doanh nghiệp tự chi trả, thì việc kiểm tra, xác minh gián tiếp, trực tiếp năng lực tổ chức, đều phải diễn ra theo đúng trình tự bắt buộc, không có ngoại lệ. “Mục tiêu của các hội chợ là gì. Chính là quảng bá hình ảnh của hàng hóa Việt có chất lượng uy tín để thâm nhập thị trường, để đi vào lòng người VN. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, khai thác tiềm năng, định hướng dòng sản phẩm với người tiêu dùng trong tương lai”, ông Long nói.

Ông Mai Văn Sơn, Phó phòng Quản lý xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương) thừa nhận, mỗi năm trên cả nước có trên dưới 1.000 hội chợ thương mại được tổ chức, tuy nhiên do thiếu địa điểm tổ chức theo đúng nghĩa, cùng công tác quản lý bị buông lỏng… đã khiến chất lượng hội chợ bị ảnh hưởng. “Khi sở xác nhận tổ chức hội chợ cho doanh nghiệp, thì ngay bản thân sở đó phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức thành công. Như vậy để thấy, nếu giám sát được tốt thì sẽ phát hiện được ngay những vấn đề bất cập tồn tại trong hội chợ, như bán hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…”.

 Ông Sơn cho biết, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã nắm được thông tin ở nhiều hội chợ để xảy ra tình trạng sản phẩm trưng bày không phải của VN, không rõ nguồn gốc, chất lượng. “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị tổ chức, kế đến trách nhiệm thuộc về Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan ở địa phương”, ông Sơn khẳng định.

Nghị định 37 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hội chợ thương mại, nêu rõ: Trường hợp đăng ký tổ chức hội chợ phải nộp hồ sơ trước ngày 1.11 của năm trước năm tổ chức. Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm xác minh, đánh giá rõ năng lực cũng như kinh nghiệm tổ chức hội chợ của đơn vị đăng ký.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế của Sở Công thương Bắc Giang, thừa nhận: “Do không đủ điều kiện, cụ thể là thiếu người, thiếu phương tiện, nên chúng tôi chỉ tiến hành kiểm tra, thẩm định năng lực tổ chức của doanh nghiệp qua hồ sơ, cũng như các loại giấy tờ đính kèm”. Ông Vũ Đức Quyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh, thì cho rằng: “Trường hợp chúng tôi sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tổ chức hội chợ, thì chúng tôi mới buộc phải xem kỹ năng lực, chất lượng tổ chức của đơn vị đăng ký và thường xuyên kiểm tra trong quá trình diễn ra hội chợ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.