Hội chứng ‘ngón chân Covid’

07/10/2021 14:30 GMT+7

Tình trạng viêm da được gọi là 'hội chứng ngón chân Covid' nhiều khả năng là tác dụng phụ sinh ra trong quá trình hệ miễn dịch chống chọi trước virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Hội chứng trên chỉ tình trạng viêm và da bị sưng phồng, đổi màu, gây ngứa, không chỉ ở bàn chân mà còn xuất hiện ở tay bệnh nhân Covid-19, giống như bị cước chân, tay.

Một trường hợp bị cước chân

Shutterstock

Thông thường, người bệnh có thể xuất hiện hội chứng này trong vòng từ 1 đến 4 tuần kể từ khi có kết quả dương tính với Covid-19. Tình trạng trên đôi khi có thể kéo dài nhiều tháng sau khi hết bệnh, theo báo cáo đăng trên chuyên san British Journal of Dermatology.

Các nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận trên sau khi kiểm tra 50 bệnh nhân Covid-19 và 13 người bị cước chân, tay trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Họ đã phát hiện một cơ chế chung giữa hai tình trạng trên. Theo đó, người mắc Covid-19 và người bị cước đều xuất hiện phản ứng đặc trưng của hệ miễn dịch, với hàm lượng thể tự kháng tăng cao. Trong lúc đối phó virus xâm nhập, thể tự kháng cũng đồng thời “tấn công nhầm” tế bào và mô của cơ thể, góp phần dẫn đến “hội chứng ngón chân Covid”.

Bên cạnh đó, các tế bào lót mạch máu cung cấp cho ngón tay, ngón chân bị ảnh hưởng cũng đóng vai trò quan trọng gây ra triệu chứng như bị cước, theo tác giả báo cáo là tiến sĩ Charles Cassius của Viện Y tế và Y khoa Pháp.

Từ đầu dịch Covid-19, một số quốc gia ghi nhận những trường hợp bị cước chân, tay ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì. Theo đó, ngón chân, ngón tay hoặc lòng bàn chân, bàn tay bị viêm đỏ hay đổi màu tím. Trong một số trường hợp, bệnh nhân Covid-19 không thể hiện các triệu chứng thường gặp, mà lại xuất hiện hội chứng trên.

Bác sĩ Ivan Bristow của Anh cho hay đa số ca bệnh đều tự khỏi. Tuy nhiên, một số người cần được điều trị bằng kem thoa và những dạng thuốc khác. “Việc xác nhận nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp giới y khoa nghiên cứu những liệu pháp mới để xử lý tình trạng viêm nhiễm hiệu quả hơn”, ông cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.