Hội chứng tùy tiện

05/03/2014 03:05 GMT+7

Ngày xưa, Erostrat dám đốt đền thờ nữ thần Artemis ở Hy Lạp để được nổi tiếng, khiến muôn đời sau phỉ nhổ, chê cười. Xứ ta không có kẻ ngông cuồng như vậy nhưng người liều mạng, ngu dốt phá hoại đình chùa miếu mạo, làm xô lệch di sản văn hóa quốc gia thì không thiếu.

Ngày xưa, Erostrat dám đốt đền thờ nữ thần Artemis ở Hy Lạp để được nổi tiếng, khiến muôn đời sau phỉ nhổ, chê cười. Xứ ta không có kẻ ngông cuồng như vậy nhưng người liều mạng, ngu dốt phá hoại đình chùa miếu mạo, làm xô lệch di sản văn hóa quốc gia thì không thiếu.

Thật đáng ngại trước sự tồn tại mong manh của rất nhiều di sản quốc gia trên cả nước.

Lật giở vài vụ việc mà lo. Chắc nhiều người còn nhớ chuyện người ta đưa “hòn đá lạ” vào đền thờ các vua Hùng ngay tại khu di tích đặc biệt thờ quốc tổ Hùng Vương ở Lâm Thao, Phú Thọ, gây xôn xao một thời, khiến chính quyền và cơ quan chức năng khá nhức đầu xử lý. Cứ tưởng thiên hạ nhìn vào đó mà điều chỉnh hành vi, ai ngờ nó lại thành tiền lệ, người ta đưa vào được thì tôi cũng đưa vào được.

Gần đây là chùa Bà Đá, ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hà Nội. Tượng nhập hồi nào, để ngay giữa chùa, không ai biết, đến khi báo chí phanh phui thì người ta bảo chỉ đưa tạm vào mấy hôm rồi lại đưa ra, có chi mà ầm ĩ. Bạo nhất là ở chùa Chàng Sơn sư trụ trì chẳng hỏi ý kiến ai sắm cho chùa gần ba chục pho tượng mới hiện đại, phế bỏ tượng cổ vào kho. Tại chùa Thiên Phúc (chùa Trà Phương, H.Kiến Thụy, Hải Phòng), tượng cổ bị mất dần, chuông cổ bị tráo đổi, người coi sóc chùa coi thì ít phá thì nhiều, tự tiện xây mới làm nát cảnh quan khiến chùa biến thành dị dạng. Rồi gần đây nhất, tại đền Phù Đổng (H.Gia Lâm, Hà Nội) thờ Thánh Gióng, người ta trang bị vũ khí, phụ tùng cho “ngài” nào cả ngựa, roi, giáp sắt, bất chấp quy định hiện hành. Sự tùy tiện với di sản đã thành thứ hội chứng xấu khó chữa.

Điều rất đáng chú ý hầu hết các đền chùa miếu mạo ấy đều là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, tức là phải được bảo vệ nghiêm ngặt, cẩn trọng từng li từng tí. Những người coi sóc di sản (đền, chùa) và những người cung tiến biện giải rằng họ không có ý chi xấu, có đưa thêm thứ này vật nọ vào cũng chỉ nhằm tôn thêm cảnh quan của di tích, mục đích để… cầu cho quốc thái dân an.

Chúng ta không phủ nhận lòng tốt, nhưng ngay lòng tốt đôi khi cũng phải được quy định bởi luật, mà trong trường hợp này là luật Di sản văn hóa.

Các di sản văn hóa, nhất là di sản cấp quốc gia, trải qua hàng trăm năm, thậm chí nghìn năm vật đổi sao dời, phơi cùng mưa nắng, còn lại đến ngày nay chính là đồ trân quý mà tổ tiên, cha ông để lại cho hậu sinh. Phải biết gìn giữ, bảo vệ, nhưng cũng phải biết trân trọng, cư xử đúng mực, không thể tùy tiện. Mọi sự tùy tiện, dù có lý do lòng tốt, cũng đều gây sự hủy hoại di tích, có khi vô phương cứu vãn. Cách ứng xử thận trọng với cầu Long Biên những ngày qua càng thêm cho ta thấy phải hết sức nghiêm túc, đàng hoàng với di sản. Đừng để thẹn với cha ông. Những cơ quan quản lý di tích cần tỏ rõ trách nhiệm chứ đừng chỉ tồn tại làm vì, cho có, chớ để đến khi xảy ra vụ này việc nọ mới nháo nhào tìm hiểu, kiểm điểm, chấn chỉnh trong cái sự đã rồi. Đừng để khi được hỏi thì giả nhời ú ớ u ơ. Ngượng lắm.

Nguyễn Thông

>> Điều tra, rà soát bổ sung về chùa Chàng Sơn
>> Dân Chàng Sơn đòi chùa, đòi tượng
>> Yêu cầu chuyển "hòn đá lạ" ra khỏi đền Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.