Chiều 11.10, lễ đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào chủ trì lễ đón. Sau lễ đón, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm cấp cao với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.
Tại hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định ủng hộ thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại một số bất đồng xung quanh vấn đề biển Đông và nhất trí hai nước đều nỗ lực tránh làm phức tạp tình hình và bình tĩnh xử lý những bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, nhìn từ tầm cao chiến lược quan hệ hai nước và vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai Tổng bí thư khẳng định Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hữu hiệu, thiết thực để mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trong đó có thúc đẩy mở rộng hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; chấp hành nghiêm túc và triển khai có hiệu quả những nội dung hợp tác mà hai bên đã thỏa thuận; tăng cường tổ chức giao lưu giữa lực lượng vũ trang hai bên nhằm tăng cường đoàn kết, tin cậy, học hỏi lẫn nhau... Thúc đẩy giữ gìn, bảo vệ và sử dụng nguồn nước ở lưu vực các sông suối chung giữa hai nước trên cơ sở đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Đối với các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước, trong đó có các vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì và bình tĩnh xử lý, giải quyết thỏa đáng, công bằng, hợp lý, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, phù hợp với nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, các thỏa thuận quốc tế và đặc điểm quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, quyết không để bất cứ vấn đề gì, bất cứ thế lực nào chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
|
* Trước đó, tại Đại lễ đường Nhân dân cũng đã diễn ra cuộc hội đàm hẹp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhìn nhận đây không phải là toàn cục quan hệ Việt - Trung, nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với cả hai Đảng, hai nước, vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được. Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, có lý, có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, nhất là khi hai nước đã có kinh nghiệm trong việc giải quyết hai vấn đề không kém phần nhạy cảm và phức tạp là vấn đề phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền và vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ.
* Chiều 11.10, tại Đại lễ đường Nhân dân đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa Ngô Bang Quốc.
* Ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước, bao gồm: Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế, thương mại giai đoạn 2012-2016 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục CHND Trung Hoa giai đoạn 2011-2015; Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa về việc sửa đổi Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa; Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa về việc thực hiện Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHND Trung Hoa; Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và CHND Trung Hoa.
* Tối cùng ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã chủ trì chiêu đãi chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Đại lễ đường Nhân dân.
Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây: 1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. 2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử,... đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển. 3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC). Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. 4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của thỏa thuận này. 5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. 6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển. Thỏa thuận này ký tại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 10 năm 2011, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau. TTXVN |
TTXVN
Bình luận (0)