Hội Địa lý quốc gia Mỹ trả lời chưa thỏa đáng

18/03/2010 00:30 GMT+7

Hôm qua, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đã gửi tới Thanh Niên bản giải thích liên quan tới việc họ đăng bản đồ sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa.

 Mời nghe đọc bài

Trả lời của NGS

Bản thông cáo như sau: "Theo Chính sách Bản đồ nhất quán và chính xác trong suốt 122 năm lịch sử của Hội Địa lý quốc gia Mỹ như là một tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận, chúng tôi luôn cố gắng giữ lập trường phi chính trị, tham mưu ý kiến của các nguồn có thẩm quyền từ nhiều bên, và đi đến quyết định độc lập dựa trên các nghiên cứu mở rộng. Chúng tôi không có ý định giải quyết hoặc ủng hộ một bên nào liên quan tới các vùng lãnh thổ tranh chấp hoặc các tên gọi tranh chấp, nhưng chúng tôi theo đuổi chính sách mô tả hiện trạng (de facto policy), có nghĩa là, để miêu tả cho mọi người đọc hoặc người xem có thể tiếp nhận được một cách tốt nhất sự đánh giá của chúng tôi về hiện trạng của một vấn đề. Đối với vấn đề quần đảo Paracel (tên truyền thống), Hội Địa lý quốc gia đã nhận thức rằng quần đảo này đã bị chiếm và quản lý bởi Chính phủ Trung Quốc từ năm 1974, và vì thế, Hội Địa lý quốc gia thừa nhận tên Trung Quốc là Xisha Qundao như là tên chính. Điều này nhất quán với Chính sách Bản đồ của chúng tôi. Ở các bản đồ khu vực và các bản đồ khác với tỷ lệ thích hợp, chúng tôi cũng đặc biệt định rõ tên Việt Nam là Hoàng Sa cùng với tên truyền thống là Paracel, kèm theo một ghi chú cho biết Trung Quốc đang chiếm đóng và kiểm soát quần đảo, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Chúng tôi tin rằng đây là thực trạng hiện tại theo những gì chúng tôi biết được. Thời gian gần đây, chúng tôi đã nhận được những lời than phiền về các bản đồ trong hệ thống Bản đồ Thế giới của chúng tôi, vốn có tỷ lệ nhỏ nên rất khó để đưa thêm vào thông tin chi tiết đối với một quần đảo nhỏ như Paracel. Chúng tôi đã xem xét lại vấn đề một cách cẩn trọng và nhận ra rằng chỉ đơn giản sử dụng cái tên Trung Quốc kèm với chữ "China" để phụ chú mà không có sự giải thích thêm nào có thể dẫn tới việc hiểu sai và diễn dịch sai. Trong tương lai, chúng tôi hoặc sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin kèm theo trên các bản đồ khác như đã đề cập ở trên, hoặc chúng tôi sẽ không chú thích thêm. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn tình hình hiện tại vốn đã được sử dụng trong các bản đồ khác với tỷ lệ lớn hơn của chúng tôi".

Việc NGS hứa sẽ sửa bản đồ "trong tương lai" sau khi nhận được các lời phàn nàn cũng như ý kiến của giới chức Việt Nam là một thái độ cầu thị, rất đáng ghi nhận. Điều này cho thấy cuộc đấu tranh của chúng ta đã đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng nói về lời giải thích của NGS.

Chưa thỏa đáng và không nhất quán

NGS nói họ có "chính sách nhất quán", và viện dẫn tỷ lệ của một số bản đồ không cho phép đăng chi tiết, nhưng không hẳn vậy. Chúng tôi sẽ chỉ rõ nhiều chỗ bất nhất ngay sau đây.

 

Trong cùng một bản đồ World Decorator, NGS dùng cả tên gọi Falkland và Malvinas ở quần đảo tranh chấp giữa Anh và Argentina (hình dưới), trong khi chỉ dùng tên gọi của người Trung Quốc (Xisha Qundao - Tây Sa quần đảo) kèm tên quốc tế tại quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: Chụp lại từ NatGeo

Ở phần Bản đồ Thế giới, trong cùng một tấm bản đồ mang tên World Classic, chỗ quần đảo Falkland/Malvinas nằm trong sự tranh chấp Anh - Argentina, NGS ghi cả tên gọi của người Anh lẫn tên Argentina, kèm thêm chữ UK (Vương quốc Anh) màu đỏ bên dưới. Trong khi đó, trong cùng bản đồ, họ chỉ ghi Paracel Is. (quần đảo Paracel, tên tiếng Anh của Hoàng Sa) kèm thêm chú thích "China" (Trung Quốc) màu đỏ ở bên dưới. Không hề có tên Hoàng Sa như họ nói ở trên. Cứ cho rằng chữ UK hoặc China màu đỏ là nhằm chú thích quốc gia đang chiếm đóng, tức mô tả hiện trạng, nhưng việc thiếu vắng tên Hoàng Sa thì rõ ràng là một sự không nhất quán khi đem so sánh với quần đảo Malvinas/Falkland cũng như không phù hợp với lời giải thích của NGS nói trên. (1)

Còn ở cùng một bản đồ mang tên World Decorator, chỗ quần đảo Falklands/Malvinas ở châu Mỹ, NGS sử dụng cả hai tên, trong khi quần đảo Hoàng Sa thì họ chỉ sử dụng tên Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo, tên gọi của người Trung Quốc cho Paracel) và tên quốc tế là Paracel Is., đính kèm chữ "China". Không hề có tên Hoàng Sa. (2)

Ở mục Bản đồ Châu lục, Quốc gia và Khu vực, trong bản đồ châu Á, NGS đã chọn tên Xisha Qundao làm tên chính, mở ngoặc kèm chữ Paracel Is., kèm thêm chú thích "Trung Quốc quản lý", mở ngoặc "Việt Nam kiểm soát". Ở đây cũng không có tên Hoàng Sa. (3)

Cũng ở phần Bản đồ Châu lục, Quốc gia và Khu vực, trong bản đồ Nam Mỹ, chỗ quần đảo Falklands/Malvinas, NGS ghi cả tên Islas Malvinas (quần đảo Malvinas, theo cách gọi của Argentina), lẫn Falkland Islands (quần đảo Falkland, theo cách gọi của người Anh), và kèm chú thích Anh quản lý, Argentina tuyên bố chủ quyền. (4)

Một điều đáng lưu ý nữa trong thông cáo trên, đó là NGS vẫn bảo lưu ưu tiên lựa chọn tên gọi chính là Xisha, một cách gọi của người Trung Quốc, mà không chọn cách gọi quốc tế là Paracel như nhiều tổ chức khoa học uy tín khác. Cách làm này cho thấy NGS vẫn nghiêng sự thiên vị về phía Trung Quốc, dù họ luôn tự nhận là một tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận, phi chính trị. Những điểm sai mà họ đã đưa vào các bản đồ trên website www.natgeomaps.com, vốn đã được báo chí phản ánh, cho đến tối hôm qua vẫn chưa được chỉnh sửa.

Tiến sĩ Dương Danh Huy (Anh): Không thể chọn cách gọi của Trung Quốc làm tên chính

Chúng ta phải đấu tranh để tên chính của quần đảo là Paracel Islands chứ không phải Xisha Qundao như NGS nói. Hiện nay lợi thế của chúng ta là có nhiều bản đồ có uy tín trên thế giới và nhiều tài liệu học thuật dùng tên Paracel Islands. Ít nhất là trong thế giới Anh ngữ, tên Paracel Islands vẫn là tên chuẩn mô tả hiện trạng (de facto). Chúng ta có thể lý luận rằng NGS dùng tên Paracel Islands như tên chính vì nó vừa là tên được dùng nhiều nhất trong những bản đồ có uy tín nhất và tài liệu học thuật, vừa là tên chuẩn de facto.

Lưu ý khả năng thành công sẽ không cao nếu chúng ta đấu tranh để tên chính của quần đảo là Hoàng Sa. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải đấu tranh để tên Hoàng Sa được dùng trên bản đồ.

Nếu NGS gỡ chú thích "China" (nói trực tiếp rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc) thì cũng là thành công một phần cho sự phản đối của người Việt chúng ta.

Chúng ta nên đề xuất rằng thay vì gỡ chú thích "China", NGS nên thay thế nó bằng "Disputed" (tranh chấp). Như vậy vừa không tốn thêm chỗ trên bản đồ, vừa "miêu tả hiện trạng" một cách chính xác hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: NGS cần tham khảo các tư liệu lịch sử

Theo ý kiến của tôi, sự kiện xảy ra là do những thông tin của ta không phổ biến rộng rãi. Nên nhân dịp này lại là dịp để ta lên tiếng về mặt học thuật cho mọi người được biết, nhất là đưa những thông tin của các tài liệu phương Tây từ thế kỷ 19. Cần giải thích rõ tên Hoàng Sa tức Cát Vàng hay Kát Vàng (chữ Nôm). Cát hay Kát là Sa (Sand), và Vàng là màu vàng (Yellow).

Từ đó dẫn tài liệu như An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Taberd in năm 1838 tại cuốn Tự điển Latin - Annamticum ghi rất rõ trên tọa độ hiện tại là Paracel seu Cát Vàng (seu tiếng Latin: có nghĩa là hoặc hay là). Và còn rất nhiều những tài liệu phương Tây khác nữa cũng như các tài liệu chính sử hay các văn bản của triều đình ghi rất rõ về sự xác lập cũng như thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Như thế một cách khách quan không thể ghi tên Xisha Qundao, vốn chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ 20, nhất là ghi chú trong ngoặc là China, mà chỉ nên ghi là Paracel Islands mà thôi.

Đỗ Hùng (thực hiện)

Ông Phạm Hoàng Hải - Ủy viên Thường vụ Hội Địa lý Việt Nam: Cần tích cực cung cấp thông tin cho quốc tế

Hội Địa lý quốc gia VN cũng vừa mới có văn bản gửi tới NGS Hoa Kỳ về vụ việc này. Mặc dù có thể NGS đã nắm được nhưng chúng tôi cũng vẫn khẳng định lại để NGS hiểu rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nhưng hiện đang bị TQ chiếm giữ và VN vẫn đang tiếp tục đấu tranh đòi lại chủ quyền của mình.

Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền của VN cần tiếp tục thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chúng ta đồng thời cũng phải tích cực cung cấp các thông tin ra quốc tế để họ nắm được tình hình. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần tuyên truyền trong nội bộ, chỉ nói trong nước thì bên ngoài họ sẽ không hiểu được. Chúng ta cũng cần thúc đẩy bằng nhiều cách để tên gọi Hoàng Sa là tên gọi truyền thống, lịch sử đã có từ lâu đời được sử dụng làm tên gọi chính thức thông dụng quốc tế đối với quần đảo này.

Trường Sơn (ghi)

GS-TSKH Đặng Hùng Võ - Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam: Sẽ gửi thêm tư liệu bản đồ cho các đồng nghiệp Mỹ

Trước hết, chúng ta cần đánh giá tính tích cực, kịp thời của Hội Địa lý quốc gia Mỹ trong việc gửi sớm nhất lời giải thích về việc đưa nội dung bản đồ ở khu vực Hoàng Sa của nước ta như một quần đảo thuộc Trung Quốc, giải tỏa bước đầu những bức xúc của các nhà quản lý, nhà chuyên môn và mọi người dân nước ta về sự việc này. Chúng ta có thể thấy, đây là một bản đồ xuất bản bình thường của một tổ chức khoa học, nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận, không phải là quan điểm chính trị của Chính phủ Mỹ.

Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam đang có kế hoạch tập trung nhiều tài liệu lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa để gửi cho NGS nhằm giúp thêm tư liệu bản đồ cho các đồng nghiệp Hoa Kỳ để hiểu sâu hơn về Việt Nam. Chúng ta có thể tin chắc rằng những sự cố tương tự sẽ không xảy ra nữa khi mối quan hệ nghề nghiệp chuyên ngành giữa Việt Nam và các nước được củng cố bền chặt hơn.

Quang Duẩn (ghi)

Đỗ Hùng

Chú thích:

Xem bản đồ:

1.http://www.natgeomaps.com/world_classic_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00622005/
re00622005_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false

2.http://www.natgeomaps.com/world_decorator_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00622077/
re00622077_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false

3.http://www.natgeomaps.com/asia_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00602812/
re00602812_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false

4.http://www.natgeomaps.com/south_america_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00620069/
re00620069_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.