Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản hợp sức đệ trình kế hoạch mới về cải tổ HĐBA LHQ và lập tức vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.
Theo báo The Times of India, nhóm 4 nước Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản, gọi chung là G-4, đã gây tiếng vang khi cùng hợp sức cho dự án cải tổ đối với cơ quan đầu não của LHQ là HĐBA. Đây là lần đầu tiên G-4 đưa ra tuyên bố chung với lời lẽ hết sức mạnh mẽ trong phiên họp kín hôm qua. Trong dự thảo nghị quyết, G-4 đề xuất HĐBA phải được mở rộng về cả thành viên thường trực và không thường trực, cân nhắc tăng thêm đại diện cho các quốc gia đang phát triển trên cả 2 hạng mục thành viên. “Đầu tiên việc mở rộng thành viên cần được áp dụng đối với cả thường trực lẫn không thường trực. Tiếp theo, HĐBA cần thay đổi cách thức hoạt động”, Kyodo News dẫn lời Đại sứ Brazil tại LHQ Maria Luiza Ribeiro Viotti thay mặt G-4 nêu rõ.
|
HĐBA LHQ gồm 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc với quyền phủ quyết cùng 10 thành viên không thường trực. Nhật và Đức là những “đại gia” truyền thống của thế giới xưa nay trong khi Ấn Độ và Brazil là những quyền lực đang lên. Lâu nay cả 4 nước đều rất mong muốn góp mặt vào số thành viên thường trực và thường xuyên đề xuất cải tổ. Bên cạnh đó, trong cuộc họp, nhóm Liên minh Đồng lòng với Ý, Pakistan và Hàn Quốc kêu gọi nâng số thành viên không thường trực lên 20 và có thể kéo dài nhiệm kỳ đến 6 năm. Ngoài ra, một nhóm các nước châu Phi thúc đẩy việc tăng số lượng thành viên trong cả hạng mục với sự góp mặt nhiều hơn của các quốc gia từ “Châu lục đen”, theo Kyodo News.
Phái đoàn Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đề xuất của G-4 và tuyên bố kế hoạch này có thể “gây chia rẽ”. Mỹ và Pháp chưa tỏ thái độ còn Anh tỏ ra ủng hộ một cách thận trọng. Trong khi đó, Times of India dẫn lời Đại sứ Brazil Viotti khẳng định G-4 nhận được chữ ký ủng hộ của 85 nước. Ngoài ra còn có 53 nước bày tỏ đồng ý và thêm hơn 10 quốc gia đang cân nhắc.
Các cuộc thảo luận về cải tổ cơ quan quyền lực nhất thế giới đã diễn ra gần 2 thập niên nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Trong những tuần tới, sẽ có thêm 4 dự thảo được đệ trình trước để xem xét trước khi các phiên điều đình mới được tổ chức trước cuối tháng 4.
Thụy Miên
Bình luận (0)