Hội nhập nhanh, cải cách chậm

28/08/2015 05:48 GMT+7

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (27.8) ở Thanh Hóa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cải cách trong nước vẫn rất chậm chạp, khiến VN chưa tận dụng tốt cơ hội mà hội nhập mang lại.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (27.8) ở Thanh Hóa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cải cách trong nước vẫn rất chậm chạp, khiến VN chưa tận dụng tốt cơ hội mà hội nhập mang lại.

Hội nhập nhanh, cải cách chậmDiễn đàn Kinh tế mùa thu 2015 - Ảnh: Ngọc Minh
Không tận dụng được ưu đãi
Hội nhập thì cần đi liền với đổi mới, cải cách
thể chế, nhưng vấn đề với chúng ta là đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan ở hải quan. Đó là chuyện nhỏ. Câu chuyện lớn là cần có đột phá về thể chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu cả
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, ông Sandeep Mahajan, cho rằng kinh tế VN đã có nhiều chuyển biến trong các năm qua nhờ khai thác các cơ hội có được từ hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới qua các hiệp định thương mại với ASEAN và một số đối tác lớn ở châu Á. VN đã chủ động ứng dụng các hiệp định thương mại, bao gồm cả việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như một cách định hướng và ràng buộc quá trình cải cách chính sách thương mại trong nước. Tuy nhiên, cũng đã có những tụt hậu nhất định trong các lĩnh vực: dịch vụ, đầu tư, hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân… trong quá trình hội nhập.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng VN đang có tốc độ về đàm phán FTA mà không nước nào trong khối ASEAN đạt được, nhưng đáng tiếc là các doanh nghiệp (DN) không tận dụng hết cơ hội mang lại. “Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy 76% DN không biết gì về AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập cuối năm nay), 62% số DN cho rằng AEC không ảnh hưởng gì đến mình. Nhận thức của DN như vậy, nhận thức của cán bộ, quan chức nhà nước về hội nhập ngày nay cũng rất lơ mơ, không đủ tầm để nhìn ra những vấn đề sẽ diễn ra”, ông Tuyển nói. Theo ông, thực tế VN gia nhập ASEAN đã lâu, nhưng tỷ lệ DN sử dụng quy định về nguồn gốc xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thuế quan là “cực thấp”. “Cho đến năm 2014, mới chỉ có khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của DN VN có giấy chứng nhận ưu đãi xuất xứ C/O. Đây là điều đáng buồn, cho thấy nhận thức, hiểu biết hiện nay của DN về hội nhập yếu”, ông Tuyển nói.
Lo ngại ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng VN vẫn còn hội nhập “ngây thơ” khi tham gia các hiệp định thương mại, mới dừng lại bảo vệ sản xuất trong nước ở thuế quan, ở biên giới. “Hiện nay, ASEAN công nhận 10 nghề mà lao động có thể dịch chuyển tự do trong khối, thì Thái Lan, Indonesia… có ngay các rào cản như lao động vào họ phải thi vấn đáp, thi viết bằng tiếng của họ… Ta thì vẫn hồn nhiên, nên lao động Philippines, Trung Quốc… có nguy cơ tràn vào, chiếm chỗ lao động trong nước”, ông Doanh nói. Theo ông Doanh, tích cực hội nhập nhưng cũng phải có những nỗ lực để bảo vệ mình, đảm bảo cạnh tranh. “Vừa rồi xuất khẩu trái cây, hàng nông sản của Thái vào ta đã tăng vọt. Từ 1.1.2016, thuế bằng 0% mà DN Thái đã mua chuỗi siêu thị Metro ở VN, hàng Thái chiếm lĩnh thị trường thì hàng triệu nông dân VN sẽ ra sao?”, ông cảnh báo và nói thêm: những đánh giá của các chuyên gia nước ngoài cho rằng sau khi VN ký kết TPP tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% chỉ là con số tham khảo, bởi nó mới được giả định trên cơ sở DN của VN vượt qua được những rào cản thương mại. Thế nhưng, thực tế sẽ chỉ có khoảng 50% DN đáp ứng được.
Nguy cơ tụt hậu xa hơn
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng, với mức độ hội nhập nhanh, sâu rộng như hiện nay, lẽ ra VN phải đẩy nhanh cải cách trong nước để có thể tận dụng hết cơ hội mà hội nhập tạo ra phục vụ phát triển, nhưng quá trình này rất chậm chạp. Chuyên gia Võ Đại Lược nhận định mức độ tích cực trong hội nhập của VN thuộc loại nhất trên thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế VN đang không theo kịp quá trình này. “Hội nhập thì cần đi liền với đổi mới, cải cách thể chế, nhưng vấn đề với chúng ta là đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan ở hải quan. Đó là chuyện nhỏ. Câu chuyện lớn là cần có đột phá về thể chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Lược nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng khi nói đến hội nhập nhiều người hay phê DN bị động, thiếu quan tâm, tính cạnh tranh yếu…, nhưng nói vậy chưa đủ vì vấn đề chính là bộ máy nhà nước có sẵn sàng thúc đẩy nền kinh tế và khối DN hội nhập đầy đủ hay không. “Toàn bộ hệ thống nhà nước chúng ta không đổi mới, không gắn với hội nhập, cơ bản vẫn không thay đổi cách thức quản lý, đứng bên trên DN như 30 năm trước. Chính cơ cấu bộ máy không thay đổi nên năng lực quản lý, động lực, thái độ làm việc không thay đổi, cản trở hội nhập”, ông Cung nói và kiến nghị để nền kinh tế hội nhập tốt hơn thì phải cải cách, khởi động ngay từ bộ máy nhà nước.
Đồng quan điểm với ông Cung, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng VN hội nhập nhanh nhưng những cải cách bên trong chậm nên vừa không tận dụng tốt cơ hội vừa đối mặt nhiều khó khăn do quá trình hội nhập đem lại. “Người ta lo ngại hội nhập sẽ làm giảm vai trò nhà nước nhưng không phải. Vấn đề là nhà nước phải thay đổi chức năng từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển. Nếu không làm được điều này, VN có nguy cơ tụt hậu xa hơn”, ông Tuyển nói.
TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cũng cho rằng thời gian qua, những cải cách bên trong và hoạt động hội nhập bên ngoài chưa tương xứng. “Những cải cách, yêu cầu đột phá với những lĩnh vực như hạ tầng, nguồn nhân lực… đã đặt ra vẫn chưa làm được. Yêu cầu cải cách thể chế đặt ra, phải coi trọng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại chưa được thông suốt, chưa đổi mới triệt để về tư duy thì rất khó khăn cho điều hành”.
“Xin - cho” tăng lên khi gia nhập WTO
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng các hoạt động đàm phán các FTA của VN là tốt nhưng quá trình hội nhập là “có nhiều vấn đề”. “Ở ta có chuyện: ông đàm phán cứ đàm phán, ông ở nhà chẳng chuẩn bị gì nên thực ra việc chủ động hội nhập mới chỉ ở người đi đàm phán”, ông Thiên nói. Theo ông Thiên, VN có rất nhiều bài học hội nhập nhưng đã không rút ra đến nơi đến chốn. “Sau khi gia nhập WTO, chúng ta đã không làm được theo cam kết là thị trường hóa. Thực tế, sau khi gia nhập WTO, ở ta xu hướng hành chính hóa, xin cho lại tăng lên. Lẽ ra phải làm sao để người ta phải thừa nhận mình là kinh tế thị trường thì ta lại phải đi xin nước khác thừa nhận”, ông Thiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.