Hỡi ôi, nạn kính thưa!

31/07/2015 10:09 GMT+7

Sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội bóng lừng danh Man City, dư luận ồn ào nhiều về văn hóa phát biểu ở ta. Có nhà báo lên lớp và cảnh báo cư dân mạng: “Đừng bán rẻ 2 tiếng Việt Nam”.

Sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội bóng lừng danh Manchester City, dư luận ồn ào nhiều về văn hóa phát biểu ở ta. Các trang mạng ngập ảnh chế cảnh cầu thủ nước ngoài ngán ngẩm với nhiều lời bình dí dỏm và sắc sảo. Các comment ăn theo tới tấp. Có nhà báo còn lên lớp và cảnh báo cư dân mạng: “Đừng bán rẻ 2 tiếng Việt Nam”.

Các cầu thủ Manchester City mệt mỏi chờ kết thúc diễn văn để được... đá bóng  - Ảnh:Tuấn PhạmCác cầu thủ Manchester City mệt mỏi chờ kết thúc diễn văn để được... đá bóng
- Ảnh:Tuấn Phạm
Ồ la là, làm gì có chuyện mua bán ở đây. Chuyện “kính thưa…” lòng thòng và phát biểu vòng vo của buổi lễ là có thật. Với người Việt là “chuyện thường ngày ở huyện”, được tập luyện thành sự chịu đựng phi thường. Còn với khách nước ngoài, lần đầu đến Việt Nam, nhất là dân thể thao “quần đùi áo số” thì khổ sở như bị tra tấn bởi văn hóa bản địa. Một dạng khủng bố tinh thần trước trận đấu. Dù đã có nhiều cải tiến và thống nhất thời gian buổi lễ nhưng khách vẫn không thể hình dung. Nếu để nguyên yêu cầu bình thường, chắc chắn buổi lễ sẽ kéo dài gấp 3, gấp 4.
Nạn kính thưa ở Việt Nam gắn liền với thói khoa trương và bệnh hình thức. Tham dự các hoạt động với cơ sở là trách nhiệm của lãnh đạo. Tham gia các hoạt động xã hội là việc bình thường của mọi công dân. Lãnh đạo cũng là con người, có thể đi xem đá bóng, xem phim, coi kịch… như những người dân bình thường. Việt Nam thì khác. Lãnh đạo đồng nghĩa với long trọng viên. Phải được ngồi đầu. Giới thiệu phải đầy đủ họ tên với đủ thứ chức vụ, phẩm trật. Giới thiệu sót người, sai chức vụ, nhẹ thì bị phê bình, nặng thì bị kiểm điểm và có thế mất việc. Thư mời lãnh đạo luôn có dòng chữ “Sự tham dự của đồng chí là niềm vinh dự, cổ vũ cho chúng tôi”. Dù thực tế, có khi gây thêm phiền hà, tốn kém cho cơ sở.
Nạn kính thưa có nguồn gốc và nặng nề nhất trong ngành giáo dục. Lễ chào cờ là dịp bêu dương các sai phạm, dù nhiều khi các em không cố ý. Thậm chí, đó cũng là dịp mà cái nghèo bị kết án (vì chưa kịp đóng học phí chẳng hạn). Các dịp lễ khai giảng, sơ, tổng kết… học sinh biến thành bình phong trang trí cho nhà trường. Để báo cáo với vài đại biểu khách mời, nhà trường bắt học sinh làm nền phơi nắng cả buổi. Sao không mời khách vào phòng lạnh mà báo cáo, thậm chi chỉ cần nhấp chuột gởi mail là có ngay? Mới 6 tuổi, vào lớp 1 đã phải kính thưa các cô chủ nhiệm, thầy giám thị, cô phụ trách Đội, “chủ tịch và các phó chủ tịch hội đồng tự quản”… của lớp. Các em bị đánh cắp tuổi thơ và trở thành “những người lớn giả bộ”.
Thiên hạ chẳng ai làm thế. Khi phát biểu trước các hội nghị, hội thảo, mít tinh, họ chỉ “Ladies and gentlemen”, chứ không kính thưa từ Nam ra Bắc như Việt Nam. Trong các buổi lễ, nếu có lãnh đạo tham dự thì được xếp ngồi đối diện để bao quát. Người dẫn chương trình luôn lùi lại phía sau, làm nền cho nhân vật chính. Thầy cô luôn đứng sau học sinh. Hạnh phúc nhất là các em luôn được là chính mình.
Nạn kính thưa kéo theo nhiều hệ lụy. Đã có hội thảo bàn về việc kính thưa thế nào cho phải đạo. Có văn bản qui định rõ ràng là chỉ kính thưa người có chức vụ cao nhất nhưng hầu như không thể thực hiện. Nói trắng ra là ít ai dám vô phép với cấp trên dù có khi cấp trên không bắt buộc. Bệnh sợ và nịnh lãnh đạo bắt đầu từ nạn kính thưa.
Bệnh này dễ chữa và chẳng tốn tiền. Cứ qui định từ nay chỉ cần “Kính thưa đại hội” (hội nghị, các đại biểu... chủ thể trung tâm của các hoạt động) như kiểu “Ladies and gentlemen” là đủ. Không cần kính thưa người cao nhất hay cao nhì. Khi kính thưa ngắn gọn thì chắc chắn các phát biểu và diễn văn cũng phải thiết thực chứ không thể “vòng vo tam quốc”.
Chuyện nhỏ và đơn giản, nếu làm không được thì đừng mong gì làm chuyện lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.